Quyết tâm hợp tác khu vực, quốc tế trong chống dịch COVID-19

Thứ ba, 14/04/2020 21:29
(ĐCSVN) - Là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã phối hợp với các nước ra Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó của ASEAN trước dịch COVID-19, vừa cảnh báo nguy cơ dịch bệnh, vừa khẳng định quyết tâm hợp tác khu vực, quốc tế trong chống dịch...
leftcenterrightdel
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị trực tuyến Hội đồng điều phối ASEAN (ACC) lần thứ 25 ngày 9/4.  (Ảnh Mạnh Hùng)

Ngay từ những ngày đầu dịch bệnh COVID-19, cơ quan y tế các nước ASEAN và các nước ASEAN+3 đã trao đổi, chia sẻ thông tin về dịch bệnh. Tiếp đó, trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, ngày 14/2/2020, Chủ tịch ASEAN ra Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó của ASEAN trước dịch COVID-19. Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Cấp cao, các cấp ngành trong Cộng đồng ASEAN như các Bộ trưởng Quốc phòng, Kinh tế, đều ra Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN về ứng phó dịch bệnh (ngày 19/2), Tuyên bố chung của Bộ trưởng Kinh tế ASEAN về ứng phó với Covid-19 (ngày 11/3).

Trong quá trình này Hội đồng Cộng đồng ASEAN (ACC) do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đứng đầu luôn đóng vai trò trung tâm, điều phối các hoạt động hợp tác trong Cộng đồng và trong hợp tác với các đối tác, tạo nên mạng lưới rộng khắp, trong cả khu vực về phòng chống, giảm thiểu tác động của COVID-19.

Kể từ tháng 2/2020 đến nay, ACC đã nhiều lần nhóm họp để ra các quyết định khác nhau; đồng thời các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng đã tổ chức họp với các đối tác, vừa tranh thủ thêm kinh nghiệm vừa để phối hợp trong phòng chống và kiểm soát dịch bệnh.

Phối hợp chính sách luôn được coi là một nhiệm vụ quan trọng trong hợp tác kiểm soát dịch bệnh. Các nước trong ASEAN đã thường xuyên chia sẻ với nhau các quyết định về chính sách; đồng thời xem xét và điều chỉnh chính sách của mình theo hướng phù hợp với các đặc thù khu vực, đòi hỏi của tình hình lẫn thực tiễn của từng nước. Việc làm này đã tạo ra nền tảng chính sách hài hòa và tương đối đồng bộ giữa các nước trong đấu tranh với COVID0-19.

Bên cạnh đó, ASEAN cũng đã kích hoạt các cơ chế thông tin trong khu vực về y tế, về ứng phó với các trường hợp khẩn cấp… Cụ thể, trong đó có Mạng lưới trung tâm hoạt động khẩn cấp ASEAN về các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng (ASEAN EOC), Trung tâm ảo ASEAN BioDioaspora (Phân tích dữ liệu, cung cấp các đánh giá rủi ro quốc gia, lập kế hoạch ứng phó toàn khu vực); kết nối ASEAN EOC với Mạng đào tạo dịch tễ học (FETN) ASEAN+3...

Ngoài ra, theo đề xuất của Việt Nam, các nước cũng quyết định sẽ xem xét thành lập một số cơ sở mới, tạo điều kiện ứng phó hiệu quả hơn không chỉ với dịch bệnh mà còn cả các trường hợp khẩn cấp trong tương lai. Trong đó, nổi lên có việc tổ chức diễn tập quân y sa bàn về tình hướng y tế cộng đồng, khẩn cấp, thành lập Quĩ ASEAN về chống COVID, kho dự trữ vật tư y tế của khu vực để ứng phó với các tình huống khẩn cấp, Nhóm Công tác về phòng chống tin giả…

Ngay từ đầu dịch bệnh, Việt Nam đã tích cực, chủ động  dẫn dắt và điều phối các nỗ lực chung của ASEAN và hợp tác với các Đối tác kiểm soát, ngăn chặn lây lan và giảm thiểu tác động kinh tế-xã hội của dịch bệnh.

Là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã phối hợp với các nước ra Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó của ASEAN trước dịch COVID-19 vừa cảnh báo nguy cơ dịch bệnh vừa khẳng định quyết tâm hợp tác khu vực, quốc tế trong chống dịch, phối hợp tổ chức nhiều cuộc họp với các đối tác như Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế nhằm cùng nhau sớm đẩy lùi và khống chế dịch bệnh.

Trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam cũng đã thúc đẩy việc thành lập và tổ chức cuộc họp đầu tiên bằng hình thức trực tuyến của Nhóm công tác liên ngành Hội đồng điều phối ASEAN về ứng phó các tình trạng y tế công cộng khẩn cấp 31/3/2020 để thống nhất khuyến nghị các bước triển khai phối hợp và hành động tiếp theo.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và ngày càng lan rộng,  các cuộc họp không thể diễn ra theo phương cách truyền thống, Việt Nam đã thúc đẩy tổ chức họp theo hình thức trực tuyến. Đây là một giải pháp linh hoạt và phù hợp, góp phần giúp ASEAN phản ứng nhanh và kịp thời trước đại dịch COVID-19.

Tại Hội nghị lần thứ 25 các Bộ trưởng Hội đồng Điều phối ASEAN đã nhất trí với khuyến nghị của Nhóm và sẽ trình những khuyến nghị này lên Lãnh đạo Cấp cao. Các khuyến nghị này tập trung vào 3 khía cạnh: kiểm soát, ngăn ngừa lây lan của dịch bệnh; hỗ trợ người dân các nước ASEAN chịu tác động của dịch bệnh, trong đó có hỗ trợ lãnh sự cho công dân ASEAN sinh sống, làm việc và học tập ở các quốc gia thành viên của nhau và ở các nước thứ ba và giảm thiểu các tác động kinh tế-xã hội của dịch bệnh.

Nhiều đề xuất cụ thể, thiết thực đã được xem xét như khả năng lập Quỹ hợp tác chung của ASEAN ứng phó Covid-19; lập kho dự trữ vật tư y tế thiết yếu để đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp trong bối cảnh dịch bệnh; lập mạng lưới các chuyên gia y tế công cộng của ASEAN và với các Đối tác để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong kiểm soát và điều trị các ca bệnh; ngăn chặn tin tức giả mạo, sai lệnh, hợp tác duy trì chuỗi cung ứng khu vực; đảm bảo cung cấp kịp thời, đầy đủ các nhu yếu phẩm và vật tư y tế cần thiết cho người dân; hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp và người dân chịu tác động của dịch bệnh; xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế hậu dịch bệnh... Các nước ASEAN cũng nhấn mạnh sẽ tăng cường đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, cùng chia sẻ các nỗ lực và nâng cao khả năng tự cường, thích ứng hiệu quả trước các thách thức của dịch bệnh, giữ vững đà hợp tác ASEAN và vững vàng vượt qua giai đoạn khó khăn, thử thách này.

Hội đồng Điều phối ASEAN đã ủng hộ một số đề xuất của Việt Nam nhằm đẩy mạnh nỗ lực chung của ASEAN trong ứng phó dịch bệnh COVID-19 như hình thành kho dự phòng của khu vực về trang thiết bị y tế và nhu yếu phẩm để đáp ứng các yêu cầu khẩn cấp, xây dựng quy trình ứng phó chung của ASEAN trong các tình huống dịch bệnh, trên cơ sở các hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tổ chức diễn tập trực tuyến của Trung tâm Quân y ASEAN về ứng phó dịch bệnh./.

 

Minh Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực