Rà soát, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai

Thứ sáu, 08/03/2019 18:29
(ĐCSVN) - Việc rà soát, sửa đổi các Luật và văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống thiên tai là vấn đề hết sức cần thiết trong bối cảnh thiên tai đang ngày càng diễn biến phức tạp, đồng thời để phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật mới, nội luật hóa những cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Đó là nội dung được nhấn mạnh tại Hội thảo Rà soát các Luật và văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống thiên tai, xác định ưu tiên cần điều chỉnh, bổ sung. Hội thảo do Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức ngày 8/3, tại Hà Nội.

Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: BT)

Nhiệm vụ phòng, chống thiên tai phát sinh những yêu cầu mới

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Bùi Nguyên Hồng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão cho rằng, cần thiết phải rà soát các Luật và văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, nhiệm vụ phòng, chống thiên tai phát sinh những yêu cầu mới cần có những quy định phù hợp. Bên cạnh đó, việc sửa đổi cũng nhằm phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật khác mới ban hành, tạo thành hệ thống các văn bản pháp quy đầy đủ, đồng bộ. Nội luật hóa những cam kết quốc tế có liên quan đến các hoạt động phòng, chống thiên tai mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

Việc sửa đổi những quy định cần thiết cũng là cơ sở để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống thiên tai, tạo thuận lợi cho việc thực thi pháp luật, nâng cao hiệu lực quản lý và hiệu quả hoạt động về phòng chống thiên tai.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra tại nước ta như: áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, lốc xoáy, động đất, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn, rét hại,…Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng có những diễn biến bất thường và phức tạp hơn, đó là sự đa dạng về loại hình, gia tăng về cường độ và tần suất.

Từ nửa cuối năm 2014 đến giữa năm 2016, hạn hán lịch sử trên diện rộng tại các tỉnh, thành phố của khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long đã ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống của hàng triệu người dân. Riêng năm 2017, thiên tai đã làm 386 người chết và mất tích, gây thiệt hại 60.000 tỷ đồng; năm 2018, thiên tai làm 224 người chết và mất tích, thiệt hại 20.000 tỷ đồng. Vì vậy, việc rà soát, sửa đổi những quy định còn bất cập liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai là hết sức cần thiết trong bối cảnh mới.

Những khoảng trống và khuyến nghị

Chỉ ra những tồn tại trong vấn đề hiểu biết các chiến lược, văn bản pháp lý, chương trình quốc gia liên quan đến phòng, chống thiên tai tại Việt Nam, TS. lan Wilderspin - chuyên gia tư vấn độc lập khuyến nghị, cần rà soát tất cả các luật và văn bản pháp lý có liên quan tới quản lý rủi ro thiên tai, xác định các vấn đề cần được ưu tiên điều chỉnh. Đồng thời, dự thảo các hướng dẫn ngắn gọn về quản lý rủi ro thiên tai cho các địa phương theo định hướng chuyển từ tập trung vào ứng phó thiên tai sang tập trung nhiều hơn vào giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Giải thích rõ cơ chế phòng chống thiên tai để củng cố khung giám sát và đánh giá tổng hợp cho các hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai nhằm theo dõi tiến độ.

Hoặc trong vấn đề ứng phó khẩn cấp, theo TS. Ian Wilderspin, vẫn còn thiếu biểu mẫu quy chuẩn cho đánh giá thiệt hại và nhu cầu, các tỉnh khó khăn trong việc phân tích nhu cầu hỗ trợ nhanh; các công lệnh khẩn cấp từ trung ương xuống tỉnh, xuống huyện và xã nhiều lúc chưa được thực hiện một cách nhanh chóng, các quyết định quan trọng thường phải chờ lệnh cấp trên. Vì vậy, cần có dự thảo hướng dẫn tổng hợp, chỉ dẫn cụ thể cùng các biểu mẫu cho đánh giá thiệt hại và nhu cầu, hệ thống số hóa để Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai cấp tỉnh có thể cập nhật dữ liệu trực tiếp lên ngân hàng dữ liệu quốc gia. Cùng với đó, giao quyền tự chủ nhiều hơn cho cơ quan phòng chống thiên tai cấp huyện và cấp xã.

TS. Bùi Nguyên Hồng cho rằng, Luật Phòng chống thiên tai số 33/2013/QH13 còn thiếu quy định về kiểm soát an toàn thiên tai. Do vậy, hoạt động kiểm soát an toàn thiên tai cần được xem xét bổ sung một số điều mới vào sau Điều 20 của luật hiện hành để pháp điển hóa trong luật.

Với vấn đề “bốn tại chỗ”, khi triển khai còn lúng túng, có sự hiểu khác nhau, hầu hết các địa phương nêu khó khăn và có tư tưởng trông chờ sự hỗ trợ từ cấp trên. TS. Bùi Nguyên Hồng đề xuất cần bổ sung thuật ngữ “bốn tại chỗ” vào các khoản 1 và 4 Điều 7 và điểm b khoản 9 Điều 13 của Luật để việc triển khai được chủ động, sát với điều kiện thực tế và hiệu quả hơn.

Báo cáo tại Hội thảo cũng cho thấy, thực hiện Thông tư số 05/2016/TT-BKHĐT hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội trên thực tế còn nhiều địa phương chưa thực hiện với lý do nhiệm vụ được giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhưng thiếu hướng dẫn cụ thể cách lồng ghép các nội dung quan trọng trong kế hoạch phòng, chống thiên tai vào Kế hoạch phát triển ngành kinh tế - xã hội. Do đó, cần đào tạo và tăng cường năng lực để giúp Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cùng các thành viên trực tiếp tham gia lập kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội ở tất cả các cấp về nội dung này./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực