Sẽ giảm 100% phí Cầu Bến Thủy 1 từ ngày 24/4/2017

Thứ sáu, 21/04/2017 17:12
(ĐCSVN) - Theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), chủ sở hữu xe có hộ khẩu thường trú, có trụ sở chính tại thành phố Vinh, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) và thị xã Hồng Lĩnh, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) sẽ được giảm 100% phí qua Cầu Bến Thủy 1.

Trạm thu phí Bến Thủy (Ảnh: VNNtimes.com)

Theo đó, trên cơ sở rà soát việc thu giá dịch vụ và kiến nghị của nhân dân tại trạm Bến Thủy 1, Bộ GTVT thống nhất: Dừng thực hiện chủ trương giảm 50% giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo văn bản số 3492/BGTVT-ĐTCT ngày 03/4/2017 của Bộ GTVT.

Cụ thể, phương án thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ mới tại trạm Bến Thủy 1 như sau: Giảm tối đa (100%) các phương tiện loại 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có trọng tải dưới 2 tấn) và loại 2 (xe từ 12 ghế đến 30 ghế; xe tải có tải trọng từ 2 đến dưới 4 tấn) của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú; các tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở chính tại thành phố Vinh, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) và thị xã Hồng Lĩnh, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh); giảm tối đa (100%) đối với phương tiện xe buýt lưu thông qua trạm Bến Thủy 1.

Việc thực hiện giảm 100% phí dịch vụ sử dụng đường bộ được áp dụng từ ngày 24/4/2017.

Bộ GTVT yêu cầu UBND tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh, các huyện, thị xã và thành phố có liên quan phối hợp với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thống kê cụ thể các phương tiện được giảm giá dịch vụ theo nội dung trên trước ngày 20/4/2017.

Đồng thời, Bộ cũng giao cho Sở GTVT và Sở Tài chính Nghệ An và Hà Tĩnh yêu cầu các đối tượng kinh doanh vận tải xe buýt thực hiện giảm giá vé cho hành khách sau khi thực hiện việc giảm giá.

Đối với nhà đầu tư xây dựng phương án thu giá dịch vụ để đảm bảo các phương tiện qua trạm thuận lợi, tránh ùn tắc. Các cơ quan, đơn vị có liên quan định kỳ 1 quý/lần (trước ngày 30 của tháng cuối quý) cung cấp tình hình biến động về các loại phương tiện thuộc đối tượng giảm giá nói trên để nhà đầu tư cập nhật, thực hiện.

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện, tuyên truyền, vận động để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, không để xảy ra ùn tắc giao thông trong quá trình thực hiện.

Việc làm này được đánh giá là hoạt động kịp thời góp phần hài hoà lợi ích của nhà đầu tư và địa phương đối với những hợp đồng BOT, trong đó có việc thu phí BOT ở cầu Bến Thuỷ.

Được biết, với mục tiêu giảm ùn tắc và tai nạn giao thông cho TP. Vinh, mở rộng hành lang phát triển khu vực phía Tây Thành phố, Bộ GTVT cho phép CIENCO4 đầu tư dự án tuyến tránh TP. Vinh theo hình thức BOT, hợp đồng số 2177/GTVT-KHĐT ngày 15/05/2003. Tuyến đường có chiều dài 25,8 km, từ Bắc thị trấn Quán Hành (Km 448+800, QL1A) đến cầu Bến Thủy (1) (Km 467+056, QL1A), tổng mức đầu tư 378 tỷ đồng.

Trước đó, tháng 6/2005, Bộ GTVT ra Quyết định số 1872/QĐ-BGTVT chỉ định chuyển giao Trạm thu phí Bến Thuỷ 1 đặt tại Km 467+100, QL1A (vốn trực thuộc Khu Quản lý đường bộ 4, Cục Đường bộ Việt Nam) cho nhà đầu tư BOT tuyến tránh Vinh khai thác, thu phí theo hình thức thu phí lượt để hoàn vốn cho dự án. Vị trí của trạm thu phí Bến Thuỷ 1 cách trạm thu phí Hoàng Mai (Km383+600, QL1A) 83,5km và cách trạm thu phí cầu Rác (Km 539+100, QL1A) 72km, phù hợp với quy định về khoảng cách tối thiểu giữa hai trạm thu phí trên cùng một tuyến đường theo Thông tư 159 của Bộ Tài chính năm 2003. Mức thu phí được quy định theo Quyết định số 46, ngày 14/07/2005 của Bộ Tài chính. Tháng 12/2005, công trình hoàn thành và được đưa vào khai thác.

Năm 2010, Cầu Bến Thuỷ 2 được xây dựng bằng ngân sách nhà nước (hoàn thành tháng 9 năm 2012). Tuy nhiên, việc này “vi phạm” Hợp đồng BOT giữa Bộ GTVT và CIENCO4. Điều 15 của Hợp đồng BOT giữa Bộ GTVT và CIENCO4 quy định trách nhiệm của Bên A (Bộ GTVT): “Không mở thêm các đường ngang với tuyến đường này (đường tránh TP Vinh - PV) làm giảm lưu lượng xe của dự án. Trường hợp có mở thêm thì Bên B được đặt thêm trạm thu phí tại các đường này. Nguồn thu tại các trạm này phải được coi là nguồn thu của dự án và sẽ được tính toán lại để điều chỉnh thời hạn Hợp đồng”.

Chiếu theo điều khoản này, cầu Bến Thuỷ 2 được xem như một đường ngang đấu nối vào tuyến tránh TP. Vinh, làm giảm lưu lượng phương tiện và tác động đến kế hoạch hoàn vốn của nhà đầu tư. Để đảm bảo Hợp đồng BOT đã ký, tháng 6 năm 2011, CIENCO4 có tờ trình gửi Bộ GTVT, trong đó đề xuất 3 phương án:

Phương án 1, đặt trạm thu phí phụ ở đầu cầu Bến Thuỷ 2 để đảm bảo xe không bị thu trùng lặp, không gây áp lực lưu lượng lên một trong hai cây cầu, không thay đổi trạng thái ban đầu của dự án.

Phương án 2, di chuyển trạm thu phí Bến Thuỷ 1 sang một địa điểm khác để tiếp tục thu phí hoàn vốn cho dự án. Nhà đầu tư đã tính đến 3 vị trí có thể di dời gồm: trên QL1A phía Bắc tuyến tránh TP. Vinh hoặc phía Nam tuyến tránh TP. Vinh thuộc địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; trên tuyến tránh TP Vinh.

Trong tờ trình có phân tích cụ thể, nếu đặt ở phía Bắc dự án thì nằm trong KKT Đông Nam, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư và hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Nếu đặt ở Hà Tĩnh thì chỉ có thể đặt ở phía Nam thị xã Hồng Lĩnh bởi QL1A đoạn Hồng Lĩnh - Nghi Xuân tồn tại 2 nhánh song song QL1A cũ và QL1A mới (còn gọi là QL8B), mà vị trí này lại quá gần trạm thu phí Cầu Rác (~50 km).

Trên thực tế, việc điều chỉnh mức thu phí tại 2 trạm BOT cầu Bến Thuỷ 1 và 2 được xây dựng lộ trình từ năm 2014. Ngày 07/03/2014, Bộ Tài chính ban hành Văn bản 2895 xin ý kiến Bộ GTVT, UBND các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh về dự thảo Thông tư thu phí sử dụng đường bộ trạm thu phí cầu Bến Thủy và trạm thu phí cầu Bến Thủy 2, QL1A.

Trong văn bản trả lời, Bộ GTVT và UBND hai tỉnh thống nhất các nội dung trong dự thảo để hoàn vốn cho dự án BOT tuyến tránh TP. Vinh và dự án nâng cấp QL1A đoạn Nam Bến Thủy – tránh TP. Hà Tĩnh. Tại Văn bản 970 ngày 14/03/2014 của UBND tỉnh Hà Tĩnh nêu rõ: “Tỉnh Hà Tĩnh cơ bản nhất trí với bố cục và các nội dung trong dự thảo của Bộ Tài chính”.

Trên cơ sở đó, ngày 24/04/2014, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 51 cho phép CIENCO4 điều chỉnh mức thu phí qua trạm BOT cầu Bến Thủy 1 và 2.

Nhưng chỉ đến khi việc tăng phí được triển khai vào đầu năm 2016 thì các địa phương mới có kiến nghị cho rằng mức phí mới quá cao. Ngày 21/12/2015, UBND tỉnh Nghệ An ra văn bản số 9328 và ngày 06/01/2016, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra văn bản số 35 gửi các cơ quan, ban ngành về đề nghị xem xét giảm giá vé cho các phương tiện và nhân dân trong vùng thường xuyên đi qua 2 trạm thu cầu Bến Thuỷ 1 và 2.

Trước tình hình này, CIENCO 4 đã có Nghị quyết về việc hỗ trợ vé tháng, vé quý cho tất cả các đối tượng có phương tiện trên địa bàn TP. Vinh, huyện Hưng Nguyên của tỉnh Nghệ An; huyện Nghi Xuân, TX. Hồng Lĩnh của tỉnh Hà Tĩnh (áp dụng từ ngày 01/01/2016).

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực