Sốt xuất huyết bùng phát cả nước

Thứ sáu, 21/07/2017 11:24
(ĐCSVN) - Từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 57.492 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. TP Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước với 9.628 người mắc SXH, tiếp đó là Đà Nẵng, Bình Dương, Hà Nội, An Giang...

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), năm nay, số người bệnh ở các tỉnh miền Bắc đã tăng lên một cách đáng lo ngại, tăng 763% so với cùng kỳ năm ngoái. So với các địa phương khác, 6 tháng đầu năm, số bệnh nhân sốt xuất huyết ở miền Bắc tuy chưa phải cao nhất, song tốc độ gia tăng nhanh kỷ lục và được các chuyên gia y tế đánh giá là bất thường.

TP Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước với 9.628 người bệnh, tiếp đó là Đà Nẵng, Bình Dương, Hà Nội, An Giang. Tại miền Trung, số ca giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại gia tăng cục bộ ở một số tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Quảng Ngãi. 

Theo nhận định của ông Trần Đắc Phu, dự báo dịch những tháng cuối năm 2017 diễn biến phức tạp do đang trong cao điểm bệnh, tình hình sốt xuất huyết tại nhiều nước trong khu vực vẫn cao. Năm nay mùa hè đến sớm, khu vực miền Bắc không có đợt rét tháng 3, nhiệt độ trung bình cao dẫn đến véc tơ truyền bệnh phát triển mạnh. Tại miền Nam, mùa mưa đến sớm hơn một tháng. Cùng với đó, tập quán tích trữ nước của người dân chưa thay đổi đáng kể do vậy tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi, bọ gậy sinh sôi phát triển.

TS.BS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết, 2 tuần qua số bệnh nhân vào Bệnh viện này khám do SXH tăng nhanh. Khoảng 200 người bệnh khám mỗi ngày, tỷ lệ nhập viện lên đến 10-20%, 3-5 ca phải chuyển cấp cứu. So với cùng kỳ năm ngoái, số bệnh nhân tăng gấp 4 lần.

“Dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội đang rất căng thẳng với hơn 5.000 người bệnh. Bệnh viện phải mở thêm 3 phòng khám chuyên về sốt xuất huyết, lấy cả tầng 5 vốn là khoa Vi rút và một nửa số giường khoa Viêm gan, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp để khám chữa cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Tuy nhiên bệnh viện vẫn quá tải, phải luân chuyển bệnh nhân liên tục. Bệnh nhân đã ổn định sức khỏe sẽ được chuyển về tuyến dưới; người nào thoát sốc thì chuyển sang cơ sở 2 của bệnh viện tại Đông Anh để điều trị tiếp. 3 xe cấp cứu của viện đều làm việc hết công suất, luân chuyển 30-40 bệnh nhân mỗi ngày.” Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính chia sẻ.

Bệnh nhân mắc SXH điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Đỗ Thoa

Tại Bệnh viện Bạch Mai, trung bình mỗi ngày Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện này tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân SXH đến khám, trong đó khoảng 20 bệnh nhân SXH nặng phải nhập viện điều trị nội trú. Bệnh phòng cũng trong tình trạng quá tải, bệnh nhân phải nằm ghép 2-3 người/giường.

TS.BS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, miền Bắc có số lượng bệnh nhân tăng nhanh do thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng diện rộng xen kẽ các đợt mưa là điều kiện thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH phát triển. Bên cạnh đó, tình hình đô thị hóa, mật độ dân cư tăng cao với biến động di dân lớn, nhiều nhà trọ, công trường xây dựng trong khi điều kiện vệ sinh kém, làm gia tăng các ổ chứa nước đọng tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng. Mặt khác, người dân chưa chủ động phối hợp trong việc xử lý môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi; một số nơi vẫn từ chối hợp tác với chính quyền và cán bộ y tế…

Theo các chuyên gia, việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân SXH, tùy theo thể trạng và giai đoạn của bệnh mà chúng ta có biện pháp điều trị, chăm sóc phù hợp. Nếu người bệnh đến ở giai đoạn đầu, chúng ta chỉ cần hướng dẫn họ theo dõi, uống oresol. Nếu người bệnh ở ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh, có xuất huyết, tiểu cầu giảm nhiều hoặc tổn thương gan, thận thì phải nhập viện để chăm sóc và điều trị. Lúc đó người bệnh sẽ được truyền dịch để giảm cô đặc máu, theo dõi truyền khối tiểu cầu nếu có chỉ định, được bồi phụ nước và điện giải đầy đủ, đo mạch, huyết áp thường xuyên với sự chăm sóc của các nhân viên y tế.

Người bệnh cũng cần theo dõi chặt ngày thứ 3 sốt, hầu hết biến chứng đều xảy ra ở ngày này, đối với sốt xuất huyết. Đau vùng gan, sốt cao vật vã cũng là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm.

Trước tình hình dịch SXH diễn biến bất thường và gia tăng từng ngày, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) chỉ đạo mỗi bệnh viện cần có đội ngũ chuyên về sốt xuất huyết, theo dõi kỹ bệnh nhân cả trong ngày nghỉ lễ, hạn chế chuyển tuyến với ca bệnh nhẹ. Tuyến trên cần ưu tiên bệnh nhân nặng từ tỉnh, sắp xếp hợp lý để tránh lây nhiễm chéo./.

Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt. Để phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

- Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

- Khi bị sốt nên đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực