Sửa đổi Bộ luật Hình sự: Không vội thông qua tại 1 kỳ họp

Thứ sáu, 21/10/2016 20:32
(ĐCSVN) - Chiều 21/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.

Đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) phát biểu thảo luận (Ảnh: KT)

Thảo luận tại tổ, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội bày tỏ cơ bản nhất trí với nhiều ý kiến được nêu tại Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp. Theo đó, đa số đại biểu đồng tình sửa đổi, bổ sung tối đa các sai sót đã được phát hiện; không làm thay đổi các chính sách lớn của Bộ luật Hình sự đã được Quốc hội thông qua; bảo đảm góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nhân dịp này nên xem xét tổng thể Bộ luật bởi nhiều nội dung được đề nghị sửa lần này liên quan đến chính sách chứ không phải chỉ lỗi kỹ thuật.

Về thời gian trình Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật, các đại biểu: Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận), Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận), Thạch Phước Bình (Trà Vinh), Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận)... đều cho rằng, không nên vội vàng thông qua tại 1 kỳ họp. Các ý kiến cho rằng, cần rút kinh nghiệm sâu sắc từ nguyên nhân chính dẫn đến sai sót của Bộ luật Hình sự năm 2015 là do sức ép quá lớn về thời gian; đồng thời đề nghị có thể trình Quốc hội cho phép thông qua dự án Luật tại 2, thậm chí 3 kỳ họp.

Trước đề xuất bổ sung các chất ma túy, cây có chứa chất ma túy mới xuất hiện ở nước ta vào Bộ Luật Hình sự 2015 để có cơ sở xử, nhiều ý kiến đề nghị nên quy định mở để trong quá trình điều hành Chính phủ có thể bổ sung thêm. Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng, không nên quy định cứng các chất ma túy trong luật mà chỉ nên quy định theo danh mục các chất ma túy và tiền chất.

Mặt khác, nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ không tán thành với quy định của dự thảo Luật về việc cần xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích các chất ma túy đối với tội phạm về ma túy thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng.

Thảo luận việc sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 12 của BLHS năm 2015 theo hướng kế thừa quan điểm của BLHS năm 1999 là: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng chỉ giới hạn trong một số tội danh cụ thể được liệt kê tại khoản 2, Điều 12 của BLHS năm 2015, nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất này. Các ý kiến này cho rằng, đối tượng này chưa hoàn thiện về nhận thức, hành vi, trách nhiệm của mình; hơn nữa, trẻ nhỏ vi phạm có lỗi lớn của gia đình, nhà trường, xã hội...

Tuy vậy cũng có nhiều ý kiến cho rằng, không nên đặt vấn đề sửa đổi, bổ sung quy định này; đồng thời bày tỏ lo ngại nếu quá nương nhẹ trách nhiệm hình sự với đối tượng này thì có khả năng sẽ có những đối tượng lợi dụng thuê mướn những đối tượng này vào mục đích phạm tội.

Về việc dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ Luật Hình sự năm 2015 liên quan đến pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng trên thực tế, nhiều ý kiến tán thành với việc bổ sung quy định về phân loại tội phạm trong dự thảo Luật, qua đó làm căn cứ trong việc xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, xác định thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử... đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

Ngoài các vấn đề trên, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về việc bỏ tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292 BLHS năm 2015 - khoản 72, Điều 1 của dự thảo Luật); mức định lượng trong các khung của một số điều luật; tội danh liên quan đến vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự và vật liệu nổ...

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực