Sửa đổi các quy định về đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông bị tạm giữ

Thứ năm, 15/08/2019 00:51
(ĐCSVN) - Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính đang được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến. Trong đó, đáng chú ý, sửa đổi các quy định về đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông bị tạm giữ theo thủ tục hành chính.

Đã tạm giữ, tịch thu hơn 17 triệu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, trong gần 06 năm, từ năm 2013 đến nay, cơ quan chức năng đã tạm giữ, tịch thu 17.460.000 tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; trong đó, đã trả lại 4.056.000 tang vật, phương tiện cho chủ sở hữu; chuyển điều tra, xác minh gần 190.000 tang vật, phương tiện; tiêu hủy 5.040.000 tang vật, phương tiện và bán sung công quỹ nhà nước 5.065.000 tang vật, phương tiện, nộp vào ngân sách nhà nước hơn 1.940 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn thi hành Nghị định số 115/2013/NĐ-CP đã phát sinh một số hạn chế, bất cập nhất định cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính, cụ thể như: Chưa quy định cụ thể việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ khi hết thời hạn tạm giữ; phạm vi áp dụng hình thức đặt tiền bảo lãnh chưa được mở rộng; đối với tang vật, phương tiện vi phạm có giá trị thấp hoặc không còn giá trị sử dụng mà chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận lại thì cần có quy định xử lý theo hướng rút gọn thủ tục bảo đảm nhanh chóng, hiệu quả…

Ảnh minh họa. Nguồn: baophapluat.vn.

Do đó, để bảo đảm cho việc tạm giữ, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo đúng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn, góp phần đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm hành chính thì việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2013/NĐ-CP là cần thiết.

Tổ chức, cá nhân vi phạm phải làm đơn đề nghị được giữ, bảo quản phương tiện

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung 6 điều và bãi bỏ khoản 4 Điều 7 của Nghị định số 115/2013/NĐ-CP.

Tại điểm b khoản 1 Điều 14 Nghị định quy định: Tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh thì có thể được giữ, bảo quản phương tiện (trừ các trường hợp theo quy định tại khoản 10 Điều 15 Nghị định này).

Đáng chú ý, Điều 15 sửa đổi, bổ sung các quy định về đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông bị tạm giữ theo thủ tục hành chính, cụ thể: Thẩm quyền, trình tự giải quyết đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông bị tạm giữ theo thủ tục hành chính; chế độ quản lý phương tiện trong thời gian giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản; khấu trừ tiền đặt bảo lãnh; các trường hợp không được đặt tiền bảo lãnh.

Cụ thể, tại Điều 15, Nghị định quy định: Người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm hành chính có thẩm quyền quyết định cho tổ chức, cá nhân đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông đó.

Về trình tự giải quyết, Nghị định bổ sung quy định: Tổ chức, cá nhân vi phạm phải làm đơn gửi cơ quan có thẩm quyền tạm giữ đề nghị được giữ, bảo quản phương tiện; thời hạn xem xét, quyết định việc giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản và trách nhiệm quản lý, bảo quản phương tiện vi phạm.

Tổ chức, cá nhân đặt tiền bảo lãnh cho người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện sau khi người có thẩm quyền tạm giữ ra quyết định cho đặt tiền bảo lãnh. Mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt quy định cho một hành vi vi phạm; trường hợp thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính trong cùng một vụ vi phạm thì mức tiền đặt bảo lãnh ít nhất phải bằng tổng mức tiền phạt tối đa của các hành vi vi phạm.

Việc đặt tiền bảo lãnh và trả lại số tiền đó phải được lập biên bản. Trong thời hạn 02 ngày, kể từ ngày nhận tiền đặt bảo lãnh, người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện phải chuyển ngay số tiền đó vào bộ phận tài vụ của cơ quan mình để quản lý. Tiền đặt bảo lãnh được trả lại cho tổ chức, cá nhân đặt bảo lãnh sau khi tổ chức, cá nhân vi phạm đã chấp hành xong quyết định xử phạt.

Đồng thời, Nghị định quy định các trường hợp không được đặt tiền bảo lãnh: Tổ chức, cá nhân vi phạm có khả năng tài chính đặt tiền bảo lãnh Phương tiện giao thông của vụ vi phạm là vật chứng của vụ án hình sự; Phương tiện giao thông được sử dụng để đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng hoặc gây tai nạn giao thông; Giấy đăng ký phương tiện bị làm giả, sửa chữa; Biển kiểm soát giả, phương tiện bị thay đổi trái phép số khung, số máy hoặc bị xóa số khung, số máy./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực