Tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật

Thứ tư, 25/05/2016 21:36
(ĐCSVN) - Chiều ngày 25/5, tại Hà Nội, Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ban Nội chính Trung ương tổ chức hội nghị sơ kết một năm việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan về công tác nội chính và phòng chống tham nhũng.

Trình bày báo cáo, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng cho biết, thời gian thực hiện quy chế chưa nhiều, nhưng Ban Nội chính Trung ương đã phối hợp với Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ trao đổi, thống nhất chuyển hồ sơ một số vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng sang cơ quan điều tra để xem xét khởi tố theo quy định của pháp luật qua rà soát việc thực hiện các kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ như: vụ án “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng giữa hai cơ quan rất tốt. Đồng thời, hai cơ quan còn phối hợp đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài, tập trung đông người xảy ra tại một số địa phương.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TH).


Theo đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, với khối lượng công việc rất lớn nhưng bằng những yêu cầu, đề cương rất cụ thể, hai cơ quan đã hoàn thành  yêu cầu đề ra.

“Qua rà soát, phát hiện nhiều vụ có dấu hiệu tội phạm mà do nguyên nhân nào đó có thể do nhận thức, nể nang mà chưa chuyển cho cơ quan điều tra. Từ đó, kiến nghị chuyển cơ quan điều tra theo đúng quy định”, đồng chí Phan Đình Trạc cho biết.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nhấn mạnh, trong năm 2016, hai cơ quan cần tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, thanh tra, phòng chống tham nhũng. Tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc xử lý đối với các vụ việc vi phạm pháp luật (có dấu hiệu tội phạm) được thanh tra bộ, ngành, địa phương phát hiện qua thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng để chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Chỉ ra cán bộ Ban Nội chính còn hạn chế về kiến thức, nghiệp vụ giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo, tiếp công dân; kiến thức thanh tra, kiểm tra, giám sát…, Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh, quan trọng phải thấy được hạn chế để nghiên cứu, bổ sung, nâng cao kinh nghiệm, nghiệp vụ, trước mắt thông qua các buổi tập huấn nghiệp vụ.   

Tại hội nghị, các ý kiến đánh giá cao sự phối hợp giữa hai cơ quan thời gian qua. Đồng thời, chỉ ra những hạn chế, thiếu sót, trên cơ sở đó đề xuất nhiều nội dung công việc trọng tâm cần phối hợp trong thời tới..

Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt đề nghị tăng cường phối hợp trong việc kiểm tra, ngăn chặn tham nhũng “vặt”; xử lý đơn thư khiếu nại, kéo dài của người dân.

Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: TH).

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phan Văn Sáu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, cần xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm để hai cơ quan phối hợp chặt chẽ, tránh tình trạng chung chung, “không biết đâu mà làm”.

Cụ thể, Ban Nội chính Trung ương cần đôn đốc cấp ủy các tỉnh, chính quyền địa phương trong việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là các vụ phức tạp,  kéo dài. “Phải nghiên cứu đến việc hết sức cụ thể, giải pháp cụ thể để giải quyết những vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài”, Tổng Thanh tra lưu ý.

Nhấn mạnh Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, một Chính phủ phục vụ nhân dân, Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị, trước hết, Thanh tra Chính phủ tập trung thanh tra theo hướng phát hiện chủ trương, chính sách sơ hở để xảy ra sai phạm thay vì chỉ phát hiện sai phạm trên cơ sở, chính sách hiện hành. Từ đó, có những kiến nghị để chấn chỉnh, sửa đổi, ngăn chặn sai phạm. Đồng thời, tăng cường giám sát, đôn đốc UBND các tỉnh, thành phố và các ngành trong việc thực hiện kết luận thanh tra.../.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực