Tăng cường quản lý phương tiện giao thông tại Hà Nội: Phải tạo sự đồng thuận của xã hội

Thứ sáu, 16/06/2017 16:11
(ĐCSVN) – Sáng 16/6, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) TP Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với tờ trình và dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố về Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017 – 2020 tầm nhìn 2030”.

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh:TA)

Theo tờ trình của HĐND Thành phố Hà Nội, toàn thành phố hiện có 5.255.245 xe máy, 485.955 xe ô tô các loại, trên 1,2 triệu xe đạp, trên 11 nghìn xe đạp điện và xe máy điện (chưa kể số lượng khoảng 10 – 15% các phương tiện ngoại tỉnh hoạt động); tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 – 2016 là 10,2% đối với ô tô và 6,7% đối với xe máy, trong khi đó tốc độ tăng trưởng bình quân chiều dài đường bộ là 30,5%. Sự phát triển nhanh phương tiện giao thông đã tạo áp lực lớn lên kết cấu hạ tầng giao thông làm gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Cũng theo tờ trình, Hà Nội có lộ trình thực hiện các giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông. Theo đó, thành phố triển khai đồng bộ, linh hoạt các nhóm giải pháp chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn đến năm 2018, tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải; giai đoạn đến năm 2020: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng; giai đoạn đến năm 2030: Triển khai, thực hiện các giải pháp tổng thể nhằm đảm bảo các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận.

Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đều cho rằng, phải đánh giá thực trạng về số lượng, chất lượng, quản lý phương tiện tham gia giao thông làm cơ sở đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý các loại phương tiện giao thông đường bộ một cách cụ thể, khả thi. Phải xây dựng được lộ trình cụ thể để triển khai các giải pháp và các điều kiện cần thiết nhằm tăng cường quản lý phương tiện giao thông. Đáng chú ý, việc xây dựng hệ thống giao thông vận tải hoàn thiện phải đáp ứng các tiêu chí: Bền vững, đồng bộ, hiện đại, đặc biệt tạo đực sự đồng thuận xã hội, vì dân trên cơ sở định hướng của quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.

Các đại biểu phản biện tại Hội nghị. (Ảnh: TA)

Các đại biểu nhấn mạnh đến các giải pháp ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng như xe buýt, xe buýt nhanh BRT, đường sắt đô thị… là điều kiện tiên quyết để giảm các phương tiện giao thông cá nhân tham gia giao thông. Các giải pháp đưa ra nhằm kiểm soát việc gia tăng phương tiện tham gia giao thông cho phù hợp với điều kiện kết cấu hạ tầng nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, không hạn chế việc sở hữu phương tiện giao thông cá nhân. Kết hợp hài hòa và triển khai đồng bộ giữa các biện pháp hành chính và biện pháp kinh tế.

Đồng tình với việc giảm dần phương tiện xe máy đến năm 2030, nhưng các đại biểu cho rằng, phương tiện giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu cũng như Thành phố có quá nhiều “ngõ nhỏ, phố nhỏ” nên mục tiêu đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận là không phù hợp với thực tế, chưa khả thi. Chúng ta phải giảm dần nhưng phải có lộ trình cụ thể, phù hợp hơn với điều kiện thực tế. Đồng thời phải nhanh chóng dừng cả xe ba bánh, xe thương binh…

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh tiếp thu những ý kiến góp ý thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học. Những ý kiến đóng góp sẽ được MTTQ Thành phố tổng hợp để trình lên kỳ họp HĐND Thành phố khóa tới./.

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực