Tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch

Thứ sáu, 17/03/2017 18:02
(ĐCSVN) - Chiều 17-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Quy hoạch. Đây là lần thứ 3 Dự án Luật này được trình xin ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau...

Trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Đối với quy hoạch xây dựng, hiện theo quy định tại Điều 13 của Luật Xây dựng gồm 4 nội dung sau: Quy hoạch vùng, Quy hoạch đô thị, Quy hoạch khu chức năng đặc thù và Quy hoạch nông thôn. Trên cơ sở tham khảo ý kiến của các bộ hữu quan và để bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng: Hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia vẫn được Bộ quản lý chuyên ngành lập và tích hợp vào nội dung của quy hoạch tổng thể quốc gia (tại điểm h khoản 2, Điều 22); các quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh, quy hoạch khu chức năng đặc thù cấp quốc gia được lập và tích hợp vào nội dung quy hoạch vùng (tại điểm d và đ, khoản 2, Điều 26); các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch khu chức năng đặc thù cấp tỉnh được lập và tích hợp vào nội dung quy hoạch tỉnh (tại khoản 2, Điều 27).

Phiên họp thứ 8 của UBTVQH. (Ảnh: quochoi.vn).

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Sáng nay, Chính phủ họp đã thống nhất lần cuối. Hầu hết các Bộ, ngành đã thống nhất các vấn đề.

Tuy nhiên, phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng, hiện quy hoạch xây dựng có 7 điều trong Luật Quy hoạch, trong khái niệm về quy hoạch xây dựng thì không đề cập, nhưng trong quy hoạch vùng lại nói về quy hoạch xây dựng vùng, rồi lập quy hoạch. Tức là khái niệm không có, nhưng nội hàm lại có, cho nên có mâu thuẫn, chưa rõ ràng.

Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, Luật có đề cập đến việc tích hợp các loại quy hoạch chung, nhưng trên thực tiễn lâu nay làm quy hoạch tổng thể đã có tích hợp rồi. Như vậy, ý tưởng thì tốt nhưng chưa làm rõ cách tích hợp thế nào?. Quy hoạch vào quy hoạch chung thì thế nào? Thời hạn là bao lâu?. Tính tích hợp với điều hành kinh tế - xã hội thế nào? Như thế trên thực tiễn sẽ khó thực hiện. Và, nếu theo quy định của Luật này thì giải quyết vấn đề trên phải mất 7-8 năm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đặt vấn đề: Luật dự kiến có hiệu lực từ 1-1-2019, nhưng Luật này còn liên quan đến 32 luật khác. Từ nay đến tháng 1-2019 phải sửa, thông qua 32 luật. Vậy chúng ta có đảm bảo được không?.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng bày tỏ: “Sửa 1 luật vất vả lắm. Riêng 32 luật liên quan thì có đến 18 luật do Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường thẩm tra. Như vậy là khó khăn”. 

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nêu vấn đề: "Hiện quy hoạch chồng chéo nhau trong nhiều lĩnh vực, mỗi ngành chỉ nhìn ở góc độ ngành mình chứ chưa nhìn tổng thể chung. Vậy phải xử lý thế nào để khớp nối điều hòa các vấn đề này với nhau?”. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay: “Đây là một cuộc cách mạng, thay đổi lớn, giải quyết những bất cập của đất nước từ trước đến nay. Quốc hội cần phân minh và quyết định. Kể cả phải sửa nhiều luật nhưng tốt hơn thì phải làm.…”.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ: Về vấn đề này, hiện đang còn nhiều ý kiến khác nhau. Ngay trong Chính phủ cũng chưa có thống nhất cao. Vì vậy, UBTVQH giao cho Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nghiên cứu, phối hợp với cơ quan của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội để tiếp thu, giải trình. Những vấn đề còn ý kiến khác nhau cần đưa ra xin ý kiến tại hội nghị ĐBQH chuyên trách diễn ra vào tháng tới./.

 

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực