Tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng

Thứ hai, 13/01/2020 15:43
(ĐCSVN) - Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu, ngành Thanh tra tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ thanh tra các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo…

Sáng ngày 13/1, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội nghị tổng kết công tác thanh tra năm 2019 và triển khai nhiệm vụ công tác thanh tra năm 2020. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 173 nghìn tỷ đồng, 22.548 ha đất

Theo báo cáo, năm 2019, Thanh tra Chính phủ và toàn ngành Thanh tra đã nỗ lực cố gắng, vượt qua khó khăn, đoàn kết, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Năm 2019, toàn ngành đã triển khai 6.601 cuộc thanh tra hành chính và 227.386 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 173.411 tỷ đồng, 22.548 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 83.968 tỷ đồng và 897 ha đất (đã thu hồi 19.329 tỷ đồng, 121 ha đất); xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 89.443 tỷ đồng, 21.651 ha đất; đã kiến nghị xử lý hành chính đối với 1.967 tập thể và nhiều cá nhân; ban hành 113.625 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, các nhân với số tiền 5.315 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 94 vụ, 121 đối tượng; chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực.

leftcenterrightdel
Thanh tra Chính phủ tổ chức hHi nghị tổng kết công tác thanh tra năm 2019 và triển khai nhiệm vụ công tác thanh tra năm 2020. Ảnh: TH. 

Ngành Thanh tra đã hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch tại 3.797 cơ quan, tổ chức, đơn vị đã phát hiện 106 đơn vị có vi phạm.

Đáng chú ý, qua xác minh 46 người về kê khai tài sản, thu nhập đã phát hiện 10 trường hợp vi phạm (tăng 4 trường hợp so với cùng kỳ năm trước).

Công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn.

So với năm 2018, số đoàn đông người, số vụ việc khiếu nại, tố cáo (KN,TC) thuộc thẩm quyền đã thuyên giảm; nhiều địa phương không phát sinh mới các vụ việc phức tạp, đông người; tỉ lệ giải quyết KNTC cao hơn năm trước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thanh tra Chính phủ thẳng thắn chỉ ra, tình trạng “tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém. Số vụ việc tham nhũng phát hiện còn ít trong tương quan so với số sai phạm kinh tế phát hiện qua thanh tra, kiểm toán; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ nhưng nhìn chung còn thấp…

Không để phát sinh “điểm nóng” và kịp thời xử lý các tình huống KNTC đông người, phức tạp

Phát biểu chỉ đạo tại Hội Nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình ghi nhận và biểu dương trong năm 2019 Thanh tra Chính phủ đã từng bước chấn chỉnh, có nhiều tiến bộ trên các mặt công tác, cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

“Nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng qua thanh tra phát hiện đã chuyển cơ quan điều tra khởi tố, phát hiện nhiều lỗ hổng trong pháp luật, kiến nghị các cấp có thẩm quyền. Đây là sự nỗ lực rất lớn, quyết tâm rất lớn của các đồng chí, hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Phó Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra công tác của ngành năm 2019 vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần cầu thị, dũng cảm nhìn nhận để khắc phục làm tốt hơn nữa.

leftcenterrightdel
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. 

Nhấn mạnh năm 2020 là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị: Các bộ, ngành và UBND tỉnh, thành chỉ đạo cơ quan thanh tra thực hiện tốt Kế hoạch thanh tra năm 2020, gắn với thanh tra đột xuất để làm rõ các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Tăng cường phối hợp để hạn chế và xử lý kịp thời chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Kịp thời chấn chỉnh những yếu kém trong quản lý, trong thực thi pháp luật; sửa đổi những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách và xử lý các vi phạm pháp luật phát hiện qua thanh tra.

“Nếu chúng ta thực hiện tốt Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân… thì sẽ giải quyết được KN,TC  ở địa phương, giảm tình trạng KNTC đông người, phức tạp phát sinh lên Trung ương...”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch của Thanh tra Chính phủ về phối hợp tiếp công dân phục vụ Đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung ương và địa phương, không để phát sinh “điểm nóng” và kịp thời xử lý các tình huống KNTC đông người, phức tạp phát sinh. Đẩy mạnh cải cách hành chính; hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; kiên quyết xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Đối với ngành Thanh tra, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp thanh tra. Tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng; tiến hành thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ thanh tra, tích cực đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Chú trọng công tác thu hồi tài sản tham nhũng.. Chủ động và đảm trách tốt hơn nữa vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về thanh tra, giải quyết  KNTC, phòng, chống tham nhũng. Cần xác định rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước cho từng cấp thanh tra.

“Thanh tra phải là gương cho người ta soi, gương mờ không ai soi được. Tất cả hệ thống chính trị phải gần dân, lắng nghe dân…”, Phó Thủ tướng nêu rõ./.

 

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực