Thông điệp từ nghị trường: Quốc hội hành động, đổi mới vì dân

Thứ tư, 21/06/2017 15:24
(ĐCSVN) – Nhiều điểm đổi mới, thậm chí được xem là “phá lệ” đã đem đến một Kỳ họp thành công, thể hiện rõ nét hình ảnh một Quốc hội hành động, đổi mới vì lợi ích của Nhân dân.

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV (Ảnh: KT)

Quốc hội đã và đang tiến hành những kỳ họp theo tinh thần đổi mới, hướng tới cuộc sống của người dân. Nhìn lại kỳ họp thứ 3 vừa khép lại, cử tri và đồng bào cả nước có thể nhận thấy rõ tinh thần đó. Kỳ họp vừa qua đã để lại dấu ấn đổi mới trên tất cả các mặt về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Trước hết, công tác xây dựng pháp luật tiếp tục được Quốc hội xác định là một nội dung trọng tâm của kỳ họp. Quốc hội đã dành phần lớn thời gian xem xét, thông qua 12 luật, 12 nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Nhiệm vụ này vốn được xem là khô khan và cứng nhắc thì lần này đã được thổi luồng gió mới khi Quốc hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cách thức thảo luận ở hội trường. Trong những ngày Quốc hội thảo luận về các dự án luật, các Bộ trưởng, trưởng ngành của cơ quan trực tiếp trình các dự án luật đã tham gia giải trình trên nghị trường với các đại biểu Quốc hội về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Các phiên thảo luận tại nghị trường cũng không còn “buồn tẻ” khi nhiều đại biểu sử dụng quyền tranh luận ngay với các Bộ trưởng và các đại biểu khác. Chính việc được tranh luận, được phát biểu ý kiến mà đại biểu sử dụng quyền “bấm nút” khi thông qua luật chính xác hơn, không còn tâm tư “không bấm nút không được, bấm nút thì ấm ức” như ý kiến của 1 vị đại biểu Quốc hội từng nói.

Một điểm đặc biệt nữa là Quốc hội cũng đã dành buổi sáng thứ bảy – ngày 27/5 (là ngày Quốc hội đã quyết định không làm việc để đại biểu dành thời gian nghiên cứu tài liệu) để tổ chức thêm riêng một phiên thảo luận “đặc biệt” về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. Nói là đặc biệt vì trước đó Quốc hội đã dành cả ngày thảo luận về dự án luật này thì vẫn còn rất nhiều đại biểu đăng ký nhưng chưa được phát biểu ý kiến. Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tổ chức thêm một phiên thảo luận để các đại biểu đăng ký mà chưa được phát biểu và đại biểu nào quan tâm thì đăng ký dự. Đây cũng không phải là phiên thảo luận toàn thể mà là phiên thảo luận thêm với sự tham gia của những đại biểu đăng ký tự nguyện và các vị đại biểu cũng không bị giới hạn về thời gian phát biểu. Được biết, phiên thảo luận trên cơ sở đăng ký tham dự tự nguyện của đại biểu thì ít nhất từ Quốc hội khoá 10 đến nay chưa có tiền lệ.

Phiên thảo luận ngày 27/5 không phải là lần “phá lệ” duy nhất tại kỳ họp này. Quốc hội còn có một lần “phá lệ” nữa trong ngày 9/6 khi quyết định kéo dài thời gian thảo luận về kinh tế-xã hội đến 18 giờ 30. Theo thông lệ lâu nay, thời gian thảo luận tại hội trường được chốt cứng là Quốc hội làm việc buổi sáng từ 8h đến 11h30, chiều từ 14h đến 17h. Nếu hết giờ nhưng vẫn còn nhiều đại biểu đăng ký thảo luận, Quốc hội vẫn cho kết thúc phiên thảo luận, những đại biểu đăng ký nhưng chưa được phát biểu sẽ gửi văn bản cho tổ Thư ký Quốc hội tổng hợp. Việc tăng thời gian thảo luận được lý giải do đây là nội dung quan trọng, luôn thu hút sự quan tâm, theo dõi của các vị đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và nhân dân cả nước. Thực tế, với  1 tiếng 30 phút tăng thêm, đã có thêm 15 đại biểu nữa được phát biểu và nhờ vậy có thêm nhiều vấn đề, nguyện vọng của cử tri cả nước được đưa ra thảo luận.

Nói về những cải cách tại kỳ họp lần này, cũng cần nhắc đến dấu ấn sâu đậm nhất, đáng nhớ nhất là các phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Lần đầu tiên Quốc hội dành 3 ngày làm việc (nhiều hơn 0,5 ngày so với các kỳ họp trước đây) để tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Và chưa khi nào cử tri cả nước cảm nhận rõ không khí thảo luận, tranh luận sôi nổi thẳng thắn, trách nhiệm đến vậy từ nghị trường Quốc hội. 

Trong 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn đã có hơn 196 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 58 đại biểu Quốc hội tham gia tranh luận. Với vai trò gắn bó chặt chẽ, mật thiết với cử tri và nhân dân; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và nói lên “tiếng lòng dân”, các đại biểu Quốc hội đã thực sự hâm nóng nghị trường bằng hàng loạt câu hỏi chất vấn trúng vấn đề, thẳng thắn “xoáy” vào trách nhiệm của các Bộ trưởng. Mỗi câu hỏi của đại biểu đều mang theo cả hơi thở cuộc sống, từ những câu chuyện mang tầm mức quốc gia đến các vấn đề sát sườn cuộc sống như câu chuyện gói thuốc bảo vệ thực vật, chuyện giải cứu thịt lớn, bảo hiểm y tế... 

Nhiều phát ngôn ấn tượng của các vị đại biểu Quốc hội nhận được đồng tình của cử tri và dư luận. Có thể kể đến các chất vấn của đại biểu Trần Dương Tuấn (Bến Tre) "Trong tầm nhìn của Bộ trưởng thì thời gian tới còn xảy ra trường hợp nào phải kêu gọi cơ quan, tổ chức, người dân tham gia giải cứu, như đã từng làm đối với các sản phẩm nông nghiệp: hành tím, dưa hấu, thịt lợn... Nếu có thì tên gọi của mặt hàng đó là gì để người dân biết mà chuẩn bị"; chất vấn của đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) "Với những sự việc gần đây ở ngành Văn hóa, Bộ trưởng có nghĩ đến giải pháp thanh lọc, xử lý những bất cập của yếu tố con người?"; hay phát biểu của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) “Tôi thấy cách trả lời của Bộ trưởng rất giống cách trả lời của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cách đây 3 nhiệm kỳ. Khi đó, đại biểu Quốc hội đã phải nhận xét trước hội trường là Bộ trưởng đưa ra cả một rừng luật nhưng không thấy trách nhiệm cá nhân ở đâu"; hay phát biểu mạnh mẽ của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) “Đề nghị Chính phủ có những giải pháp mạnh hơn để làm chìa khóa mở những từ khóa như đúng quy trình, bổ nhiệm thần tốc, giải cứu... đang dần khép lại niềm tin của dân”...

Không chỉ đặt câu hỏi, việc tranh luận, đối thoại chính là điểm nổi bật nhất trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp này. Hình ảnh đại biểu cầm văn bản đọc một mạch từ đầu đến cuối rồi ngồi xuống đã bớt đi. Thay vào đó là rất nhiều lần đại biểu ấn nút tranh luận, truy đến cùng vấn đề trên tinh thần xây dựng. Không chỉ tranh luận với Bộ trưởng khi chưa thỏa mãn với câu trả lời, giữa các đại biểu cũng có những tranh luận “nảy lửa” với nhau khi không đồng quan điểm. Có đại biểu phát biểu đến vài ba lần trong phiên chất vấn Bộ trưởng, chưa thấy rõ, chưa thỏa mãn lại tiếp tục tranh luận. 

Điều này vừa thể hiện bản lĩnh, vừa thể tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt tình của các đại biểu, thể hiện sự chuyển biến từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận. Chính sự nhiệt huyết đi đến tận cùng vấn đề là chất keo lôi kéo hàng chục triệu cử tri cả nước theo dõi qua sóng phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Nếu như các đại biểu thể hiện bản lĩnh, thẳng thắn trong chất vấn, thì ở chiều ngược lại, các Bộ trưởng cũng đã rất chân tình, thẳng thắn trong trả lời. Sự cầu thị, nhận trách nhiệm của các "tư lệnh" ngành và cả những giải pháp trước mắt và lâu dài được các Bộ trưởng đưa ra đã được các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và nhân dân cả nước đánh giá rất cao. Tâm huyết, quyết tâm trong việc nỗ lực để làm chuyển biến tình hình, đáp ứng mong mỏi của toàn thể cử tri, nhân dân là điều cử tri có thể cảm nhận được từ các vị Bộ trưởng.

Đáng chú ý, tại Kỳ họp lần này, với mỗi nhóm vấn đề, Quốc hội đã yêu cầu 1 Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực phải trực tiếp giải trình, làm rõ những nội dung vượt quá thẩm quyền quản lý của một bộ, thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ...

Nói ra những điểm trên để thấy trách nhiệm chính trị của Quốc hội trước cử tri, trước những quyết sách lớn của quốc gia. Việc “phá lệ” để tăng thời gian bàn về những vấn đề nóng, tăng thời gian chất vấn và trả lời chất vấn, khuyến khích tranh luận giữa đại biểu với đại biểu, giữa đại biểu với các thành viên Chính phủ... đã mang lại hiệu quả rõ rệt khi các vấn đề được truy đến cùng.

Kỳ họp đã khép lại, tất nhiên sẽ vẫn còn những điều chưa thỏa mãn cử tri hay chính các vị đại biểu Quốc hội, cũng sẽ còn nhiều tâm tư, trăn trở, những nỗi lo về tình hình kinh tế - xã hội. Và điều mà cử tri luôn mong mỏi là sau kỳ họp, mỗi thành viên Chính phủ sẽ nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ, các lời hứa của mình. Mong muốn các vị đại biểu Quốc hội tích cực chủ động hơn nữa trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát, tổ chức tốt hoạt động tiếp xúc cử tri, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân; nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để phản ánh, kiến nghị kịp thời với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan.

Còn nhớ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi nhậm chức đã gửi đi thông điệp xây dựng một Quốc hội thực sự đoàn kết, sáng tạo và hành động, trong đó, nhấn mạnh tiếp tục đổi mới để chuyển từ một Quốc hội tham luận sang thảo luận, tranh luận và "không đánh trống bỏ dùi". Tinh thần đó đã được lan truyền mạnh mẽ tại Kỳ họp này. Cử tri đã nhìn thấy rõ nét hình ảnh một Quốc hội hành động, một Quốc hội đổi mới vì lợi ích của Nhân dân.

Những “điều đặc biệt” đã đem đến một Kỳ họp chất lượng rất cần phát huy hơn nữa tại các kỳ họp sau. Cử tri trông đợi sự đổi mới hơn nữa từ Quốc hội, để bảo đảm Quốc hội bám sát sự vận động của đời sống kinh tế - xã hội, có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, sát thực tiễn, hợp lòng dân./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực