Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Không dùng ngân sách xử lý ngân hàng yếu kém

Thứ sáu, 17/11/2017 10:57
(ĐCSVN) – Vì sao tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu chưa đạt kết quả như mong muốn? Giải pháp nào để nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ và khắc phục gian lận trong thanh toán thẻ?... là những vấn đề được các đại biểu Quốc hội chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng, sáng 17/11.

NHNN có nhiều công cụ để bảo đảm không gây đổ vỡ ngân hàng

Mặc dù đã có các giải pháp tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, tuy nhiên, ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng kết quả vẫn chưa đạt như mong muốn. “Nguyên nhân của vấn đề trên như thế nào và với mục tiêu đến năm 2020 căn bản xử lý xong nợ xấu và các tổ chức tín dụng thì có làm được không?”, ĐB Tám chất vấn.

Trả lời ĐB Tô Văn Tám, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết: Trong thời gian qua, nền kinh tế tuy đã phục hồi nhưng còn khó khăn. Trong khi đó, hoạt động tổ chức tín dụng gắn liền với diễn biến của nền kinh tế. Nền kinh tế có khó khăn thì hoạt động của tổ chức tín dụng cũng khó khăn. Tổ chức tín dụng vừa cung ứng vốn cho nền kinh tế, đầu tư phát triển, đồng thời tích cực thực hiện nỗ lực tái cơ cấu, xử lý hạn chế. Đây là những nguyên nhân cơ bản khiến quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu đạt kết quả chưa như mong muốn. Hai là, cơ chế chính sách hỗ trợ quá trình cơ cấu lại và xử lý nợ xấu còn bất cập. Trong điều kiện đặc thù ở Việt Nam, thị trường vốn những năm gần đây mới phát triển, đặc thù nguồn vốn của nền kinh tế vẫn dựa nhiều vào nguồn vốn ngân hàng nên vừa tái cơ cấu vừa cung cấp đủ nguồn vốn cho nền kinh tế là 1 nhiệm vụ khó khăn. Mặt khác, năng lực quản trị điều hành của một bộ phận tổ chức tín dụng còn hạn chế khiến quá trình cơ cấu lại chưa đạt được yêu cầu.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trả lời chất vấn, sáng 17/11.
(Ảnh: TH)

Thống đốc nêu rõ: Trong Đề án cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu trình Chính phủ phê duyệt tới đây sẽ đưa ra 6 nhóm giải pháp, trong đó tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý; tăng cường thanh tra giám sát, cảnh báo sớm rủi ro để xử lý, bảo đảm hệ thống tín dụng phát triển lành mạnh.

Về xử lý ngân hàng yếu kém, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, đã có nhiều biện pháp xử lý ngân hàng bắt buộc. Theo đó, tại dự thảo Luật sửa đổi các tổ chức tín dụng có giải pháp cho bán nợ cho Công ty quản lý tài sản (VAMC), trích lập dự phòng, hỗ trợ... không sử dụng trực tiếp ngân sách Nhà nước để xử lý. "Việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi các tổ chức tín dụng sẽ giúp NHNN có cơ sở xử lý vấn đề này tốt hơn", ông nói.

Trả lời đại biểu Tô Bích Châu (TP. Hồ Chí Minh), Thống đốc khẳng định, trong bất cứ trường hợp nào xử lý ngân hàng yếu kém cũng phải bảo đảm mục tiêu an toàn hệ thống, lợi ích người gửi tiền, không gây đổ vỡ ngân hàng. Tuỳ trường hợp cụ thể, đặc biệt sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét xử lý. "NHNN có nhiều công cụ khác nhau để kiểm soát tình hình, đảm bảo không có hoạt động nào ngoài tầm kiểm soát", Thống đốc nhấn mạnh.

Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác thanh toán thẻ

Trả lời ĐB Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) về giải pháp khắc phục gian lận trong thanh toán thẻ, Thống đốc Lê Minh Hưng cho hay, các hành vi gian lận trong thanh toán thẻ là vấn đề đang gia tăng đáng lo ngại ở các nước.

Theo thống kê của Visa Master, năm 2015 tổng tiền thiệt hại từ hành vi gian lận là trên 21 tỷ USD, điều này đồng nghĩa cứ 100 đôla giao dịch thẻ mất 7 cent, tương đương 0,07%. Mức thiệt hại của Việt Nam chỉ bằng một phần ba mức bình quân thế giới. Song, Thống đốc cũng thừa nhận "hiện tượng này đang có chiều hướng gia tăng". Nguyên nhân, theo Thống đốc là do các ngân hàng bị cài đặt việc sao chép dữ liệu, bảo mật của ngân hàng có lỗ hổng, Người sử dụng cũng lộ lọt thông tin, bị chiếm dụng để chiếm đoạt tiền, đơn vị chấp nhận thẻ còn lỗ hổng trong bảo mật thông tin. "Cá biệt có tổ chức chấp nhận thẻ thông đồng với kẻ xấu, thực hiện gian lận, chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ", ông cho biết.

Thống đốc Lê Minh Hưng cũng nêu lên một loạt giải pháp như: Tập trung hoàn thiện quy định nhà nước về an ninh, an toàn;  Áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, bảo mật thông tin; Tăng cường kiểm tra giám sát công tác thanh toán thẻ; Đẩy mạnh truyền thông về bảo mật, cảnh giác và cẩn trọng ở khách hàng.  Phối hợp với Bộ Công an điều tra làm rõ nguyên nhân, hành vi gian lận, cảnh báo tổ chức tín dụng và người sử dụng để nâng tính bảo mật.

Chủ động, linh hoạt trong điều hành tỷ giá

Trả lời đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) về điều hành tỷ giá, Thống đốc thừa nhận, rất khó bởi phải đánh giá mục tiêu điều hành và tác động nền kinh tế. "Điều hành tỷ giá vừa phải kiểm soát được lạm phát, tính toán nghĩa vụ trả nợ nước ngoài Chính phủ, tác động với giá hàng nhập khẩu. Việt Nam vừa xuất khẩu, nhập khẩu và có tâm lý kỳ vọng", Thống đốc nói.

Theo Thống đốc, vừa qua NHNN đã áp dụng tỷ giá trung tâm, điều hành linh hoạt và trong diễn biến tỷ giá được dựa vào cung cầu thị trường, điều hành vĩ mô từng thời kỳ. Việc áp dụng tỷ giá trung tâm từ đầu 2016 diễn biến thị trường tích cực. Đồng thời, giải pháp này cũng giúp NHNN thành công trong "neo giữ" tâm lý kỳ vọng tỷ giá. Dù vậy, Thống đốc cũng cho rằng không được chủ quan.

"Chúng tôi nhận thức trong điều hành phải chủ động, linh hoạt để ứng phó trước những diễn biến khó lường của thị trường quốc tế. Với quy mô dự trữ ngoại hối, chính sách điều hành hiện nay hoàn toàn có thể giữ ổn định tỷ giá", Thống đốc Lê Minh Hưng nhận định.

Về điều hành chính sách tiền tệ, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết mục tiêu xuyên suốt là đảm bảo giá trị đồng Việt Nam. Thời gian qua, đôi khi nhiều mục tiêu cùng một lúc thì khó thực hiện nhưng có sự kết hợp của nhiều bộ ngành, chúng ta đã kiểm soát được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

“Công tác điều hành chính sách tiền tệ phải đặt trong tổng thể mục tiêu chung. Dựa trên kết quả thời gian qua, thời gian tới các bộ ngành sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ”, Thống đốc nói./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực