Thông qua Nghị quyết Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030

Thứ hai, 18/11/2019 22:02
(ĐCSVN) - Chiều 18/11, với 89,44% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Với 89,44% đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 

Đề án vừa được thông qua sẽ tập trung ưu tiên đầu tư cho địa bàn đặc biệt khó khăn, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đối tượng được hưởng lợi là các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn và Doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế, xã hội hoạt động ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn.

Đề án nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó có giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền, để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc.

Một trong những định hướng mục tiêu đến năm 2030 của đề án: là thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; 70% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới; xóa tình trạng nhà ở tạm, dột nát; ngăn chặn tình trạng suy thoái môi trường sinh thái; duy trì, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng;  Trên 85% số xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về việc phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.

Ngày mai (19/11), Quốc hội thảo luận về các dự án: Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp./.

Minh Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực