Thừa Thiên Huế cần tiếp tục quan tâm hoạt động tuyến y tế cơ sở và mô hình y tế gia đình

Thứ sáu, 31/03/2017 09:28
(ĐCSVN) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế cần triển khai việc theo dõi sức khỏe cho người dân trên địa bàn và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong khám, chữa bệnh. Đồng thời quan tâm hơn nữa hoạt động tuyến y tế cơ sở và mô hình y tế gia đình

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và các sở, ngành của tỉnh.

Chiều 30/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và các sở, ngành của tỉnh về một số vấn đề trong công tác y tế, giáo dục và đào tạo.

Dự buổi làm việc có các đồng chí: Lê Trường Lưu - Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế; Bùi Thanh Hà - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Cao - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Ngọc Thọ - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; đại diện lãnh đạo các Sở: Y tế, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội tỉnh; đại diện lãnh đạo Đại học Huế, trường đại học Y dược Huế.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện tất cả các trạm y tế ở 152 xã, phường, thị trấn của tỉnh đã được đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ở tuyến cơ sở; nguồn nhân lực ở các tuyến y tế được đào tạo chuyên sâu, các trạm y tế đều có 2 bác sĩ, 93% người dân có bảo hiểm y tế. Mạng lưới y tế thôn, bản đã từng bước được củng cố, phát triển và 98% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động có hiệu quả. Hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe tại cộng đồng đã và đang thu hút người dân vào cuộc tích cực và chủ động hơn... Hiện nay, 100% trạm y tế được trang bị máy vi tính và nối mạng Internet để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành y tế và công tác truyền thông giáo dục sức khỏe tại địa phương. Hệ thống y tế dự phòng cũng được triển khai tốt ở tuyến cơ sở, tỉnh có chủ trương phát triển y học cổ truyền để phục vụ du lịch.

Mặc dù đã đạt được những kết quả nêu trên, tuy nhiên, hiện nay hệ thống y tế, đặc biệt là mạng lưới y tế cơ sở của tỉnh Thừa Thiên Huế hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. Đó là, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao, cả về số lượng và chất lượng, mô hình bệnh tật thay đổi cùng với ý thức vệ sinh phòng bệnh trong dân chưa cao dễ làm phát sinh các dịch bệnh.

Để đáp ứng như cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn tỉnh, tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất các bộ, ngành và Chính phủ quan tâm đầu tư kinh phí để triển khai dự án Bệnh viện Tâm thần khu vực miền Trung; đầu tư thêm trang thiết bị máy móc cho cơ sở 2 Bệnh viện Trung ương Huế và Trung tâm Ung bướu và xây dựng Thái Y Viện; tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế chính sách để Đại học Y dược Huế thực hiện tốt hơn nữa vai trò đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực về y tế cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Về giáo dục - đào tạo, cho phép nâng cấp trường Cao đẳng Công nghiệp Huế thành trường đại học và trường Cao đẳng du lịch Huế thành Học viện Du lịch, đưa Đại học Huế trở thành Đại học quốc gia. Quyết định đầu tư Trung tâm Công nghệ sinh học miền Trung tại Huế để phát triển xứng tầm là trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ khu vực miền Trung và cả nước.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những kết quả đã đạt được của tỉnh Thừa Thiên Huế trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo thời gian qua, nhất là trong đầu tư phát triển hệ thống y tế cơ sở. Phó Thủ tướng đề nghị, thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế cần triển khai việc theo dõi sức khỏe cho người dân trên địa bàn và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong khám, chữa bệnh. Đồng thời quan tâm hơn nữa hoạt động tuyến y tế cơ sở và mô hình y tế gia đình; phải coi trọng tuyến y tế cơ sở là cánh tay nối dài của Trung tâm y tế tuyến huyện.

Liên quan đến vấn đề giáo dục - đào tạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các trường Đại học cần tự chủ mạnh hơn, trước hết và phải tự chủ về chuyên môn để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho sự phát triển./.

Phạm Hưởng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực