Tinh giản bộ máy, biên chế tại Hà Nội: Quyết liệt ắt sẽ thành công

Thứ sáu, 13/04/2018 21:17
(ĐCSVN) - Tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy là việc làm rất khó vì không chỉ đụng chạm đến “bát cơm, manh áo” của mỗi con người mà nó còn đụng chạm đến những quan hệ "chồng chéo", "nhằng nhịt" đằng sau một suất biên chế. Nhưng đến nay, Hà Nội là một trong những đơn vị được đánh giá cao về thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị trên tất cả các yêu cầu đề ra.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải kiểm tra bộ phận "một cửa" quận Bắc Từ Liêm. (Ảnh:TH)

Đụng chạm nhưng vẫn làm

Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” (CBCCVC) được xem như một “luồng gió mới” để kiện toàn, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ CBCCVC. Và như đồng chí Hoàng Trung Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã nhấn mạnh, Nghị quyết 39-NQ/TƯ chính là động lực để thành phố quyết tâm hơn trong việc kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy hiệu quả.

Thực tế cho thấy, thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, Hà Nội có nhiều thuận lợi; trong đó, thuận lợi lớn nhất là từ nhiều năm nay, Thành phố đã chủ động tinh giản biên chế và cơ cấu đội ngũ CBCCVC. Hơn nữa, nhân dân rất đồng thuận và đòi hỏi phải có hành động quyết liệt để loại bỏ những CBCCVC “sáng vác ô đi, tối vác về”. Như thế là lòng dân và ý chí của Đảng bộ, chính quyền Thủ đô, Bộ Chính trị là một.

Trên tinh thần đó, Thành ủy Hà Nội yêu cầu, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập từ thành phố đến cơ sở phải xây dựng lộ trình tinh giản biên chế cụ thể trong 7 năm (2015 - 2021) và từng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện. Tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế của đơn vị.

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, Hà Nội đã lựa chọn những việc trọng tâm, trọng điểm để làm trước. Đối với vấn đề mới, tiến hành làm thí điểm sau đó nhân rộng; trong đó các ban Đảng của Thành ủy, các cơ quan của Thành phố đã gương mẫu làm trước. Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã phê duyệt 13 quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội thành phố. Đến nay, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành công tác rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy. Toàn thành phố đã giảm 59 phòng, ban; đã giảm 39 cấp trưởng, 143 cấp phó phòng, ban; giảm 30 cấp trưởng, 69 cấp phó tại các Ban Quản lý dự án và quỹ; sắp xếp cán bộ lãnh đạo, quản lý tại 130 đơn vị trực thuộc sở; các quận, huyện sau sắp xếp giảm 128 đầu mối. Toàn thành phố giảm được 1.267 biên chế (trong đó 282 là công chức và 668 là viên chức).

Điều đáng nói, Hà Nội tinh giản biên chế đồng bộ cả hệ thống, không loại trừ cơ quan nào. Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy được triển khai trước tiên ở các ban Đảng, văn phòng cấp ủy từ thành phố xuống quận, huyện, thị xã, các đảng ủy khối trực thuộc Thành ủy, MTTQ, đoàn thể… Đến nay, hầu hết các quận, huyện, thị đã tổ chức rà soát chức năng, nhiệm vụ, xây dựng đề án sắp xếp, kiện toàn cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, các cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thuộc địa phương.

Cùng với Văn phòng UBND thành phố, nhiều sở, cơ quan ngang sở cũng đã được sắp xếp lại chức năng, cơ cấu, nhiệm vụ. Trung bình mỗi sở giảm 1,9 phòng so với hiện tại và chỉ còn 3-4 phó giám đốc. Dưới sự hướng dẫn của Ban Tổ chức Thành uỷ Hà Nội, các cấp uỷ, chính quyền địa phương đã cơ bản sắp xếp xong 126 phó chủ tịch UBND cấp xã dôi dư theo phân loại cấp xã.

Thành ủy Hà Nội cũng đã tiến hành hợp nhất Đảng bộ Khối Doanh nghiệp và Đảng bộ Khối Du lịch, từ 5 Đảng bộ khối giảm 1 đầu mối còn 4 Đảng bộ khối trực thuộc Thành uỷ…

Đáng chú ý, trong 3 tháng đầu năm 2018, một khối lượng công việc lớn, có nhiều việc mới đã được các cấp ủy thành phố triển khai. Tiêu biểu như: Xây dựng và ban hành 4 kế hoạch, trong đó 2 kế hoạch quan trọng liên quan đến nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; xây dựng kế hoạch về quản lý tổ chức bộ máy và biên chế năm 2018; kiện toàn các ban chỉ đạo của Thành phố, trong đó Thành ủy giảm từ 17 ban chỉ đạo còn 12 ban chỉ đạo; UBND Thành phố giảm từ 102 ban chỉ đạo còn 28 ban chỉ đạo… Thành ủy Hà Nội đang xây dựng kế hoạch để chuẩn bị cho việc thí điểm kiêm nhiệm một số chức danh quận, huyện,...

Giảm đầu mối, kiện toàn tổ chức bộ máy

Việc thực hiện xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả của Thành phố Hà Nội đã được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao tại buổi làm việc với Thành ủy Hà Nội. Phó Thủ tướng cũng cho biết những kết quả, cách làm của Hà Nội sẽ là những kinh nghiệm để nghiên cứu trong quá trình hoàn thiện đề án về xây dựng hệ thống chính trị thực sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả của cả nước.

Trong những lần làm việc với Hà Nội về công tác này, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đánh giá cao những kết quả đạt được cũng như sự quyết liệt của Thành ủy Hà Nội trong việc thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại bộ máy công chức, viên chức thời gian qua. Gần đây nhất vào ngày 2/3/2018, khi đi khảo sát kết quả thực hiện các nghị quyết của Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác đánh giá cán bộ trên địa bàn quận Long Biên, đồng chí Phạm Minh Chính đánh giá cao cách làm của quận Long Biên khi đã thực hiện hiệu quả khâu khó nhất là công tác đánh giá cán bộ với phương pháp nhiều chiều, khoa học, ra sản phẩm cụ thể. “Đây là hướng đi đúng, cần tổng kết và nhân rộng mô hình này” - đồng chí nhấn mạnh, đồng thời giao các Vụ thuộc Ban Tổ chức Trung ương tiếp tục hoàn thiện để đưa vào đề án trình Hội nghị Trung ương 7 sắp tới.

Theo các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội, để làm được điều đó, Hà Nội triển khai công tác đánh giá cán bộ được chú trọng theo hướng thực chất, có định lượng cụ thể. Như tại quận Long Biên, Bí thư Quận ủy Đỗ Mạnh Hải cho biết, Quận ủy đã đổi mới trong công tác đánh giá cán bộ theo hàng tháng, quá trình thực hiện được bàn bạc, thảo luận công khai, dân chủ từ cơ sở và thống nhất thực hiện trong cả hệ thống chính trị, với những tiêu chí, thang điểm hết sức cụ thể. Theo đó, việc đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành công việc được áp dụng đối với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn quận, trải qua quy trình 3 bước. Trước tiên, mỗi cán bộ được phân công, giao nhiệm vụ rõ ràng, bảo đảm mỗi nhiệm vụ có người chịu trách nhiệm đến cùng, theo nguyên tắc một việc một đầu mối xuyên suốt. Trên cơ sở đó, 100% đơn vị, cá nhân xây dựng kế hoạch công tác, lịch tuần, xác định rõ nhiệm vụ, tiến độ và trách nhiệm cá nhân, làm cơ sở để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Việc đánh giá cán bộ cũng đổi mới theo nguyên tắc "Ai giao việc thì người đó đánh giá". Kết quả đánh giá được tổng hợp và công bố hàng tháng trên Cổng thông tin điện tử quận, làm căn cứ để xử phạt hoặc khen thưởng, động viên cán bộ... Nhờ đó, tinh thần, thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên, công việc hiệu quả hơn rất nhiều. Quận Long Biên luôn nằm trong tốp đầu thành phố về thu ngân sách, diện mạo đô thị ngày càng khang trang.

Đối với chủ trương nhất thể hóa một số tổ chức và chức danh lãnh đạo đảng, chính quyền ở cấp xã, cấp huyện, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã lựa chọn 30 xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy, đồng thời là chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, còn có 11 quận, huyện triển khai thực hiện chủ trương này đối với 16 xã, phường, thị trấn. Hiện ở cấp xã có 351 đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch HĐND. Ở cấp huyện có 20 đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch HĐND; 1 đồng chí đồng thời là chủ tịch UBND…

Hà Nội triển khai công tác đánh giá cán bộ được chú trọng theo hướng thực chất, có định lượng cụ thể.
(Ảnh: Minh họa:TH)

Đi đôi với việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, Thành ủy Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp đảng viên vi phạm, không để bất kỳ “vùng cấm” nào trong xử lý vi phạm. Riêng năm 2017, Ủy ban Kiểm tra các cấp Thành phố đã thi hành kỷ luật 944 đảng viên, trong đó cách chức 7 trường hợp, khai trừ 64 trường hợp. Cùng đó, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 14 tổ chức đảng, trong đó khiển trách 11 trường hợp, cảnh cáo 3 trường hợp… Và trong quý I/2018, cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 129 đảng viên, trong đó khiển trách 89, cảnh cáo 24, cách chức 01, khai trừ 15 trường hợp….

Đồng chí Vũ Đức Bảo - Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội trao đổi kinh nghiệm của Hà Nội là không giảm cơ học mà giảm nơi thừa, người có năng lực yếu, sáp nhập những đơn vị có chức năng, nhiệm vụ gần nhau; tăng thêm cho nơi thiếu dựa vào khung vị trí việc làm đã duyệt, đồng thời ủng hộ chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm… Cùng với đó, việc xây dựng đề án vị trí việc làm gắn với khung năng lực của Thành phố Hà Nội, là nội dung cốt lõi của việc thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW trên địa bàn Hà Nội, bảo đảm mỗi vị trí việc làm đều có khung năng lực cụ thể. Đây cũng chính là việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cũng là tiêu chí tuyển chọn đội ngũ công chức, viên chức trong tình hình mới.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng, Đề án xây dựng vị trí việc làm theo khung năng lực là cơ sở căn bản, quan trọng để phục vụ cho công tác quản lý CBCCVC trên địa bàn. Trong quá trình triển khai, các đơn vị của Thành phố tiếp tục điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội, phù hợp với quá trình cải cách hành chính Hà Nội đang thực hiện. Hà Nội cũng đi trước một bước bởi ngoài bản mô tả khung năng lực còn xác định được số biên chế, số lượng và cơ cấu ngạch công chức của từng vị trí việc làm trong giai đoạn 2017 - 2021. Điều này giúp cho việc tuyển dụng từng vị trí, từng chuyên ngành đều có các tiêu chí rõ ràng, giảm dần tình trạng làm trái ngành, trái nghề.

Theo đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội, Hà Nội đã đạt được thành công bước đầu khá ấn tượng, là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong triển khai thực hiện. Tuy là công việc rất khó nhưng đáng mừng là chưa có bất cứ một đơn thư nào liên quan đến sắp xếp, kiện toàn bộ máy và tinh giản biên chế. Quan trọng hơn là sau sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đã nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị, nâng cao tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức viên chức.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực