Tình hình xâm hại trẻ em tại Hà Nội diễn biến phức tạp

Thứ tư, 28/08/2019 00:01
(ĐCSVN) - Tính từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 322 trẻ bị xâm hại với các hình thức khác nhau. Trẻ trong các vụ việc xâm hại đều được đánh giá, xác định mức độ tổn thương, các vấn đề cần can thiệp hỗ trợ.

Ngày 27/8, đoàn giám sát của Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dẫn đầu đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Cùng tham gia đoàn có Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội Nguyễn Thanh Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà.

Về phía thành phố Hà Nội, tiếp và làm việc với đoàn có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, thực hiện Nghị quyết số 81/2019/QH14 ngày 14/6/2019 về thành lập Đoàn giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em", đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với UBND thành phố Hà Nội nhằm tìm hiểu, nắm bắt tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố từ đó, đánh giá đúng, đầy đủ, khách quan những kết quả đạt được cùng những khó khăn, vướng mắc cũng như làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; xác định rõ nguyên nhân hạn chế, bất cập trong công tác này và đề xuất giải pháp khắc phục trong thời gian tới để thực hiện đúng tinh thần bảo vệ, chăm sóc trẻ em là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của cơ quan chuyên trách mà của toàn Đảng, toàn dân, toàn hệ thống chính trị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo với đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho biết, tính đến ngày 30/6/2019, Hà Nội có 1.852.454 trẻ em, chiếm 24,9% dân số; trong đó, 12.533 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật Trẻ em; 54.545 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt…

Hà Nội không có trẻ đang trong độ tuổi đi học không được đến trường, phải tham gia lao động trái pháp luật; không có trẻ em bỏ nhà đi lang thang, không có nơi cư trú ổn định.

Tính từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019, trên địa bàn thành phố có 322 trẻ bị xâm hại với các hình thức khác nhau. Tình hình xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp. Công tác hỗ trợ, can thiệp khi trẻ có nguy cơ bị xâm hại hoặc bị xâm hại được quan tâm. Trẻ trong các vụ việc xâm hại đều được đánh giá, xác định mức độ tổn thương, các vấn đề cần can thiệp hỗ trợ và lập kế hoạch can thiệp, hỗ trợ.

Thẳng thắn cho rằng vẫn còn tỷ lệ nhỏ trẻ bị xâm hại chưa được biết đến do tâm lý gia đình e ngại không cung cấp thông tin, song, nhìn chung, các vụ việc được thông tin rất kịp thời, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định, chăm sóc và bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố, toàn thành phố hiện có 10.916 cộng tác viên làm công tác trẻ em. Chính sách về trẻ em luôn được lồng ghép với các chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Ngoài ra, nhiệm vụ phòng, chống xâm hại trẻ em hằng năm đều được đưa vào các nghị quyết chung, được báo cáo thường xuyên trong các kỳ họp HĐND cuối năm.

Tiếp thu ý kiến của đoàn giám sát, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho hay, thời gian tới, thành phố sẽ xây dựng báo cáo sơ kết, tổng kết và nghiên cứu nâng cấp lên thành nghị quyết riêng của HĐND về công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em.  

*Liên quan đến việc bé trai lớp 1 trường Gateway tử vong, báo cáo với đoàn giám sát, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết đang tập trung chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục làm rõ vụ việc cũng như đề ra nhiều biện pháp phòng ngừa./.

Tin, ảnh: Gia Hưng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực