TP.Hồ Chí Minh điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo và cận nghèo

Thứ sáu, 07/12/2018 18:15
(ĐCSVN) - Ngày 7/12, kỳ họp thứ 12, HĐND TP. Hồ Chí Minh khóa IX bước vào ngày làm việc cuối cùng. HĐND Thành phố đã thống nhất biểu quyết thông qua 19 Nghị quyết quan trọng về nội dung các tờ trình của UBND TP. Hồ Chí Minh trình tại kỳ họp.

Trong đó có nhiều chính sách quan trọng như mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học; điều chỉnh mức thu học phí cho học sinh bậc trung học cơ sở và nhà trẻ tại các trường công lập thuộc TP.Hồ Chí Minh; điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo và cận nghèo Thành phố.

Kỳ họp đã thông qua nhiều nội dung quan trọng


Quy định mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học

Theo nội dung nghị quyết được thông qua về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học đối với lĩnh vực Thành phố có nhu cầu thu hút giai đoạn 2018 - 2022, người có tài năng đặc biệt được hưởng chính sách hỗ trợ về sinh hoạt phí từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, Thành phố khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát huy tài năng, phát huy năng lực trí tuệ đối với các vị trí thu hút để đảm bảo công trình cụ thể. Theo đó, cứ mỗi một công trình nghiên cứu từ cấp Thành phố và tương đương trở lên được cơ quan đơn vị có thẩm quyền phê duyệt, công nhận bằng văn bản được hưởng mức khuyến khích bằng 1% tổng kinh phí ngân sách Thành phố chi trả cho công trình đó, giá trị khuyến khích không thấp hơn 50 triệu đồng/người/công trình. Trường hợp tổng ngân sách Thành phố đầu tư cho công trình nghiên cứu đã được phê duyệt và cấp phép công nhận chính thức vượt quá 100 tỷ đồng thì mức hỗ trợ tối đa là 1 tỷ đồng/người/công trình. Trường hợp có nhiều chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt cùng tham gia một công trình thì thực hiện mức hỗ trợ cho nhóm thực hiện công trình bằng 1% tổng kinh phí Thành phố chi trả cho công trình đó, mức khuyến khích cho mỗi thành viên không thấp hơn 30 triệu đồng/người/công trình và tổng số tiền khuyến khích cho cả nhóm thực hiện công trình là 1 tỷ 500 triệu đồng.

Bên cạnh đó, các trường hợp đang gặp khó khăn về nhà ở thì được xem xét bố trí về nhà ở công vụ; trường hợp cơ quan, đơn vị không bố trí được nhà ở công vụ thì được xem xét hỗ trợ tối đa 50% kinh phí thuê nhà ở và số tiền hỗ trợ không vượt quá 7 triệu đồng/tháng; đồng thời bố trí phương tiện đi lại phục vụ công việc cho các chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt.

Điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo và cận nghèo

Trong giai đoạn 2019 - 2020, Thành phố sẽ áp dụng mức chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo mới (thu nhập hộ nghèo bình quân đầu người 28 triệu đồng/người/năm trở xuống và mức chuẩn hộ cận nghèo có thu nhập trên 28 triệu đồng đến 36 triệu đồng/người/năm) và tiếp tục giữ nguyên 5 chiều với 11 chỉ số thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản phù hợp với thực trạng đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Với mức chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố nói trên, dự báo tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo thu nhập vào đầu năm 2019 là khoảng 5,0% tổng hộ dân thành phố (tương đương khoảng 100.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo).

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động –Thương binh và xã hội TP.Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đang thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với tín hiệu khả quan. Trong 26 năm qua, thành phố đã có 8 lần điều chỉnh mức nghèo. Hiện tiêu chuẩn hộ nghèo của thành phố cao gấp đôi quốc gia.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh, cho biết quan điểm của Thành phố là giảm nghèo bền vững chứ không chạy theo thành tích. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị cần thông tin một số chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững cho người dân. Đẩy mạnh hiệu quả của đề án đào tạo nghề cho người dân nông thôn với những ưu đãi, chế độ hỗ trợ giúp bà con, thanh niên có việc làm ổn định. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện giải pháp kéo giảm các chiều (chỉ số) thiếu hụt còn tỷ lệ cao như: hỗ trợ đào tạo nghề, trình độ giáo dục người lớn, hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà, hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho lao động nghèo và cận nghèo; tiếp tục thực hiện các chính sách an sinh xã hội như hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế; hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh…

Tờ trình về điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo và cận nghèo thành phố đã được các đại biểu HĐND TP. Hồ Chí Minh khóa IX biểu quyết thông qua và mức chuẩn này sẽ được bắt đầu áp dụng từ ngày 1/1/2019.

Điều chỉnh mức thu học phí cho học sinh bậc trung học cơ sở và nhà trẻ

Theo đó, điều chỉnh mức học phí cho học sinh trung học cơ sở, bổ túc trung học cơ sở và nhà trẻ tại các trường công lập trên địa bàn Thành phố. Cụ thể, nhóm 1, học sinh học tại các trường ở các quận 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Thạnh. Nhóm 2, học sinh học tại các trường ở các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ.

Đối với cấp học nhà trẻ thì mức thu học phí đối với nhóm 1 là 200.000 đồng/học sinh/tháng, nhóm 2 mức học phí là 120.000 đồng/học sinh/tháng. Cấp học Trung học cơ sở, bổ túc Trung học cơ sở mức học phí đối với nhóm 1 là 60.000 đồng/học sinh/tháng, nhóm 2 là 30.000 đồng/học sinh/tháng.

Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết: “Mức học phí không phải cao so với thu nhập của đại bộ phận người dân TP, nhưng chúng tôi bàn ở góc độ các em học sinh cần được hưởng những chính sách, chủ trương tốt nhất tỷ lệ thuận với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, các em được hưởng phúc lợi xã hội tốt nhất”.

Việc điều chỉnh mức thu học phí như trên, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, theo quy định pháp luật, HĐND Thành phố chỉ có quyền giảm tối đa trong khung mà bộ hướng dẫn theo từng vùng. Việc điều chỉnh này sẽ được bắt đầu áp dụng từ ngày 1/1/2019./.

Tin, ảnh: V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực