Ưu tiên ngân sách xử lý ô nhiễm môi trường vì đó chính là chất lượng cuộc sống của nhân dân

Thứ tư, 16/05/2018 19:42
(ĐCSVN) - Đó là nhấn mạnh của đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội tại buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, diễn ra chiều 16/5.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh:TH)

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nghe báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm và nhiệm vụ giải pháp trọng tâm 9 tháng cuối năm 2018; việc giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan đến sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn trên địa bàn Thành phố và các nội dung liên quan đến các vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm.

Cho ý kiến về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, Trưởng ban Pháp chế HĐND Thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam cho rằng, Luật Thủ đô được ban hành năm 2013, tuy nhiên hiện nay các luật ban hành sau không có điều khoản liên quan đến Luật Thủ đô nên vô hình chung vô hiệu hóa Luật Thủ đô. Vì vậy, đại biểu đề xuất Quốc hội cần chú ý các luật ban hành sau phải phù hợp với Luật Thủ đô.

Băn khoăn về vấn đề xử lý ô nhiễm nguồn nước các sông trên địa bàn thành phố, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội kiến nghị Thành phố có văn bản chỉ đạo tới quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm thanh tra, xử lý nghiêm các đơn vị sản xuất kinh doanh không chấp hành luật về tài nguyên môi trường; phân loại và không khuyến khích các ngành nghề gây ô nhiễm môi trường như: giảm cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, dệt nhuộm truyền thống…

Tâm đắc với ý kiến của Thủ tướng về tình trạng "trên nóng, dưới nóng nhưng giữa thì lạnh", đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, ở thành phố Hà Nội cũng có tình trạng trên. Cụ thể như trường hợp đơn thư khiếu kiện của người dân phường Đồng Tâm, quận Ha Bà Trưng về tình trạng 10 năm không được cấp sổ đỏ hay như vụ việc của 138 hộ dân ở Hoàng Cầu, quận Đống Đa. “Dù thành phố đã chỉ đạo giải quyết vấn đề này nhưng người dân cần sự đối thoại chứ không chỉ cần các công văn trả lời” – đại biểu Cường cho hay. Ngoài ra còn một vấn  đề cử tri cũng rất quan tâm, theo đại biểu Cường, là cải tạo chung cư cũ, cần sự quan tâm giải quyết của thành phố….

Làm rõ các nội dung ĐBQH nêu về tình trạng xử lý nguồn nước ô nhiễm tại các sông trên địa bàn thành phố, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đang triển khai 2 dự án bằng vốn ODA của Nhật Bản tại Yên Xá và dự án thu gom nước thải và quay trở lại phổ cập nước tại sông Tô Lịch, dự kiến cuối 2020 đầu năm 2021 sẽ hoàn thành.

Về việc xử lý ô nhiễm làng nghề, 2 năm qua, thành phố đã thí điểm xử lý ô nhiễm 3 làng nghề tại Hoài Đức. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung, việc xử lý ô nhiễm làng nghề hiện nay vướng nhất là đơn giá định mức đối với mét khối xử lý ô nhiễm nước mỗi làng nghề vì giá khác nhau, cần thời gian kêu gọi đầu tư.

Liên quan đến cơ sở giết mổ, hiện thành phố có 8 doanh nghiệp trong và ngoài nước đăng ký cơ sở giết mổ nói chung. Thành phố phấn đấu năm 2020 sẽ có 5 nhà máy giết mổ mua bán lợn, gà tập trung bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường.

Với các trường hợp đơn thư, khiếu kiện ở Đồng Tâm, Hoàng Cầu, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết sẽ có chỉ đạo đôn đốc giải quyết với chủ trương chính  là đối thoại với nhân dân. 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, qua buổi làm việc, các đại biểu trong Đoàn ĐBQH thành phố nắm bắt được tình hình thực tế cũng như tâm tư, nguyện vọng của cử tri để chuẩn bị cho kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV.

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cũng làm rõ thêm các nội dung. Về vấn đề môi trường, quy hoạch của thành phố đã làm rất bài bản từ khóa trước và được Chính phủ duyệt nhiều chương trình. Về vốn hiện đang gặp khó khăn cho đầu tư, trong khi đó những dự án PT đầu tư tư nhân gặp khó khăn về thủ tục. Hiện toàn thành phố chỉ có 18% lượng nước thải được xử lý và với 1.350 làng nghề thì cũng không thể dừng sản xuất vì liên quan đến lao động, việc làm và đời sống người dân. Do đó, thời gian tới, thành phố tiếp tục làm để đạt hiệu quả mức cao nhất, trong đó ưu tiên ngân sách cho việc làm này vì đó chính là chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Liên quan đến 117 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong đô thị chưa thể đưa ra vì không có ngân sách, Bí thư Hoàng Trung Hải cho biết, thành phố đang cùng các quận, huyện làm việc với từng cơ sở để thúc họ chuyển nơi sản xuất và để thực hiện được, thành phố mong muốn nhận được sự ủng hộ của người dân…/.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực