Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự

Thứ hai, 20/02/2017 15:44
(ĐCSVN) - Ngày 20/2, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc Phiên họp thứ 7. Phiên họp dự kiến kéo dài trong 2 ngày, từ ngày 20/2- 21/2.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp thứ 7. (Ảnh: TTXVN)

Cần xem xét kỹ  tuổi chịu trách nhiệm hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi

Trong phiên họp sáng nay, UBTVQH cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) số 100/2015/QH14.

Báo cáo một số vấn đề lớn về dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) Lê Thị Nga cho biết, dự luật được hoàn thiện trên tinh thần chỉ đạo của UBTVQH là: Rà soát, sửa đổi triệt để sai sót về mặt kỹ thuật, những quy định bất hợp lý nếu không sửa không thi hành được mà các ngành cơ bản đã thống nhất về quan điểm, một số trường hợp mặc dù chỉ sửa sai một lỗi kỹ thuật nhưng lại liên quan đến nhiều điều luật thì vẫn phải rà soát để sửa đổi nhiều điều luật đó nhằm bảo đảm tính thống nhất của toàn bộ Bộ luật. Bổ sung một số vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn sau khi BLHS năm 2015 được thông qua để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Việc sửa đổi, bổ sung không làm thay đổi những chính sách hình sự lớn đã được cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến và Quốc hội khóa XIII quyết định; không dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung các đạo luật đang lùi hiệu lực thi hành cùng với BLHS năm 2015.

Theo bà Lê Thị Nga, đến nay đa số các nội dung của dự thảo luật đã được sự thống nhất cao giữa Thường trực UBTP, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, các bộ, ngành và các cơ quan liên quan. Tuy vậy, một số vấn đề lớn của dự án luật vẫn có còn ý kiến khác nhau như: tội danh người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chịu trách nhiệm hình sự; trách nhiệm hình sự của pháp nhân; về quy định giá trị đối với hàng cấm làm căn cứ định tội, định khung hình phạt...

Tại phiên họp sáng nay, trong các vấn đề trên, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu cho ý kiến là về tội danh mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự.

Theo bà Lê Thị Nga, dù còn nhiều ý kiến khác nhau, song Thường trực UBTP nhận thấy, BLHS năm 2015 đã có bước tiến mới, thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, theo đó những người này phải chịu trách nhiệm hình sự chỉ giới hạn trong 28 tội danh đã được liệt kê mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội danh nghiêm trọng do cố ý hoặc đặc biệt nghiêm trọng như BLHS năm 1999. Quy định này nhằm bảo đảm tính nhân đạo trong xử lý các đối tượng này theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 và xu hướng chung của quốc tế. Vấn đề này cũng đã được Quốc hội khóa XIII thảo luận kỹ, xin ý kiến nhân dân và xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền trước khi quyết định. Vì vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, đề nghị giữ như quy dịnh của BLHS năm 2015.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương bày tỏ băn khoăn nhất là tuổi chịu trách nhiệm hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Thứ trưởng đề nghị phải xem xét kỹ vấn đề này, đồng thời nhấn mạnh quan điểm người từ đủ 14-16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm rất nghiêm trọng với lỗi cố ý.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đồng tình với phương án giữ như quy định của BLHS năm 2015, theo đó đối với 3 tội danh: tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Theo ông, phương án này là phù hợp, đã được Quốc hội khóa XIII quyết định, nếu thực hiện được thì phù hợp với thực tiễn hiện nay khi tội phạm ở lứa tuổi này gia tăng.

Quan tâm tới vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nhấn mạnh, theo luật thì tuổi trẻ em đã được quy định là dưới 16 tuổi, còn theo Công ước Liên hợp quốc mà Việt Nam đã ký kết thì tuổi trẻ em có thể đến 18 tuổi. Ông cũng nêu rõ, đứng về mặt hành vi và hình thái bên ngoài thì có thể là người lớn nhưng cho đến dưới 18 tuổi, hệ thần kinh chưa phát triển hoàn thiện nên chưa hoàn chỉnh về hành vi.  Ông cũng cho rằng, đôi khi việc giáo dục trẻ em của ta chưa tốt, hơn nữa đối với với thế hệ trẻ thì việc giáo dục là làm gương, chỉnh sửa, chứ không thể là đòn roi. Ông bày tỏ: “Đồng chí nào đã làm việc với các trung tâm giáo huấn, trại giam thì có thấy rằng môi trường đó tốt hay không? Ra tù cả cuộc đời các em sẽ đi đâu? Phải nhìn tương lai các em, khi môi trường bên ngoài các em không sửa được mình thì đưa vào trại giam có sửa được không?. Trại giam thực sự là môi trường rất khó cho các em sửa mình”. Vì thế, ông đề nghị giữ nguyên như BLHS năm 2015. Riêng đối với 3 tội danh: tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, ông đề nghị người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Giảm nhẹ tội vi phạm qui định về an toàn thực phẩm?

Một vấn đề khác được nhiều đại biểu đề cập là  tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, theo bà  Lê Thị Nga, có ý kiến cho rằng cần bổ sung định lượng vào điểm a và điểm b khoản 1 Điều 317 nhằm tránh việc xử lý hình sự quá rộng. Ý kiến khác đề nghị không sửa điều này để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm đang xảy ra phổ biến hiện nay.

Thường trực UBTP nhận thấy, điểm a, b, và c khoản 1 Điều 317 BLHS năm 2015 quy định cấu thành hình thức, chỉ cần có hành vi, chưa cần có hậu quả trên thực tế đã xử lý hình sự là quá nặng. Thời gian qua dư luận xã hội bức xúc với thực trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, để xảy ra thực trạng này có nguyên nhân không nhỏ từ cơ quan quản lý nhà nước và xử phạt hành chính chưa nghiêm, nên làm tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước và tăng cường hiệu quả xử lý hành chính thì sẽ góp phần hạn chế đáng kể tình trạng này. Bên cạnh đó, UBTP cho rằng, việc xử lý hình sự phải tránh tràn lan, cần tập trung vào các đối tượng có ý vi phạm về quy định về an toàn thực phẩm nhằm thu lợi bất chính lớn hoặc gây hậu quả trên diện rộng, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Đối với các hộ nông dân, hộ buôn bán nhỏ lẻ, do thiếu hiểu biết mà vi phạm thì chỉ nên xử lý hình sự sau khi đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm...

Quan điểm của UBTP không nhận được sự đồng tình của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Ông Phùng Quốc Hiển khẳng định, vấn đề môi trường, an toàn thực phẩm hết sức bức xúc hiện nay. Vừa qua, Quốc hội cũng đã yêu cầu giám sát tối cao về an toàn thực phẩm.

Ông Phùng Quốc Hiển nói: “Chúng tôi đã đi nửa chặng đường giám sát, và thấy ở mức độ báo động, có địa phương đã đến giới hạn đỏ. Gần đây nhất xảy ra 2 vụ nghiêm trọng, ngộ độc ở Lào Cai làm 8 người chết, 27 người nhập viện và xảy ra ở Hà Giang làm hơn 60 người bị ngộ độc. Cả 2 vụ việc đều cho thấy mối quan hệ từ vệ sinh môi trường đến chế biến, vận chuyển, bảo quản, tiêu thụ thực phẩm… đều vi phạm”.

Thống kê cho thấy số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra hàng ngàn vụ, số người chết lên đến hàng trăm người, dù ít hơn tai nạn giao thông nhưng số người mắc bệnh ung thư hiện nay rất lớn. Có đại biểu từng nói “Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn thế”. Đấy là con đường chết dần dần. Vì vậy, ông cho rằng nếu sửa Điều 317 về tội vi phạm qui định về an toàn thực phẩm theo hướng giảm nhẹ thì không xử lý ai được. Có tình trạng sử dụng chất cấm, cấm rồi mà vẫn sử dụng thì đấy là vi phạm. Ông nêu quan điểm “Một là giữ nguyên và bổ sung nếu xử hành chính rồi mà vẫn tiếp tục vi phạm thì xử lý hình sự”./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực