Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 15

Thứ tư, 11/10/2017 17:27
(ĐCSVN) – Chiều ngày 11/10, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc Phiên họp thứ 15.
Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, tại Phiên họp này, UBTVQH sẽ cho ý kiến về các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4; Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2017; Cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, QH Khóa XIV; về Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018; cho ý kiến về kế hoạch sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ của Dự án hầm đường bộ Đèo Cả; dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông.

Đáng lưu ý, tại phiên họp thứ 15 này, UBTVQH sẽ xem xét các tờ trình về nhân sự lãnh đạo cấp cao để kịp trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, về nguyên tắc, tất cả những nội dung trình ra Quốc hội phải được UBTVQH xem xét cho ý kiến trước. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Công tác đại biểu phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Trung ương, Chính phủ chuẩn bị sớm, kịp thời trình vào cuối phiên họp này (ngày 13/10).

Theo dự kiến, Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm chức danh Tổng thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa (vừa được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng). Sau đó, Chính phủ sẽ trình phương án nhân sự mới để Quốc hội phê chuẩn.

Ngay sau khai mạc, UBTVQH đã cho ý kiến về các báo cáo: Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội; Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2017.

Cử tri bức xúc về việc bổ nhiệm cán bộ sai quy trình

Báo cáo việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Bùi Thị Thanh cho biết, chuẩn bị kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 2.306 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.

Theo tổng hợp, cử tri và nhân dân vẫn thể hiện sự lo lắng và bức xúc về nhiều vấn đề. Trong đó, về y tế và bảo đảm an toàn thực phẩm, cử tri và nhân dân vẫn thể hiện sự lo lắng và bức xúc trước tình trạng nhập khẩu và bán thuốc chữa bệnh kém chất lượng với số lượng lớn, đặc biệt là vụ án nhập khẩu hàng nghìn hộp thuốc điều trị ung thư của Công ty Cổ phần VN Pharma; dịch sốt xuất huyết bùng phát nhanh, kéo dài trên phạm vi rộng, một số nơi khó kiểm soát dẫn đến quá tải các bệnh viện…

Về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và công tác cán bộ, cử tri và nhân dân phản ánh việc phát hiện tham nhũng chưa kịp thời, công tác tự kiểm tra, thanh tra chưa thực sự hiệu quả; hành vi tham nhũng tuy đã bị xử lý hành chính, kỷ luật nhưng ít bị xử lý hình sự; một số dự án lớn đầu tư thua lỗ, gây thất thoát lớn tài sản nhà nước nhưng chưa có có phương án giải quyết và xử lý kịp thời; kết quả thu hồi tài sản tham nhũng thấp; việc công khai tài sản, thu nhập của cán bộ còn hạn chế. Cử tri và nhân dân rất bức xúc về tình trạng lợi dụng quyền hạn làm trái quy định về công tác cán bộ; việc bổ nhiệm sai quy trình, thiếu và không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành và địa phương…

Thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đánh giá báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội là bức tranh phản ánh lòng dân. Báo cáo đã nói rõ ý kiến của nhân dân về các lĩnh vực, nói rõ lĩnh vực nào được cử tri hài lòng, lĩnh vực nào cử tri còn nhiều băn khoăn, bức xúc ở các mức độ khác nhau.

Tuy nhiên, ông đề nghị báo cáo cần thống kê rõ số lượng các ý kiến tập trung vào từng lĩnh vực; các ý kiến ở từng vùng, từng địa phương tập trung về vấn đề gì?. Để làm việc này, ông đề nghị cần có hướng dẫn thống nhất để mặt trận các cấp tập hợp ý kiến theo mẫu để Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thuận lợi khi tổng hợp ý kiến.

Đồng tình với ý kiến này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cũng cho rằng, báo cáo tuy đầy đủ nhưng mới chỉ tập trung liệt kê các sự việc xảy ra mà chưa đi sâu vào thống kê. “Tôi đồng tình với đồng chí Hà Ngọc Chiến, nên liệt kê trong tổng số các ý kiến, kiến nghị của cử tri có bao nhiêu kiến nghị là bức xúc riêng, bao nhiêu kiến nghị về chính sách, làm rõ được ở nông thôn bức xúc gì, thành thị bức xúc gì… thì tốt hơn. Chúng ta không dừng ở sự vật, hiện tượng mà phải thấy rõ chính sách đang vướng mắc ở đâu?” – ông Phan Thanh Bình nói.

570 kiến nghị qua các kỳ họp Quốc hội chưa được giải quyết dứt điểm

Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải khẳng định bên cạnh nhiều kết quả tích cực thì công tác này còn nhiều hạn chế.

Cụ thể, đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội thì chất lượng tổng hợp kiến nghị của cử tri của một số Đoàn đại biểu Quốc hội vẫn còn bất cập, có tới 1.695 kiến nghị (chiếm 74,2%) chuyển đến Chính phủ, các bộ, ngành, được các cơ quan này trả lời bằng hình thức giải trình hoặc cung cấp thông tin về các quy định của pháp luật. Hoạt động giám sát việc ban hành văn bản vẫn chưa được các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội thực hiện thường xuyên, nhiều văn bản hướng dẫn thi hành luật chậm ban hành, có văn bản còn chưa đúng với tinh thần của Hiến pháp, trái luật nhưng chưa được phát hiện kịp thời để kiến nghị sửa đổi, bổ sung.

Đáng chú ý, đối với Chính phủ, các bộ, cơ quang ngang bộ thì số lượng kiến nghị qua các kỳ họp Quốc hội chưa được giải quyết dứt điểm còn nhiều (570 kiến nghị) và có xu hướng tăng thêm hàng năm; số kiến nghị chưa xác định lộ trình, thời hạn giải quyết vẫn chiếm đa số (407/570 kiến nghị). Trong khi đó, một số bộ trả lời còn chung chung; một số kiến nghị đã được giải quyết, trả lời nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri, chưa phù hợp thực tế nên cử tri tiếp tục kiến nghị…

Bà Nguyễn Thanh Hải cũng cho biết, việc giải quyết kiến nghị của cử tri về đấu tranh phòng, chống tham nhũng lãng phí vẫn còn bất cập; việc thực hiện công khai, minh bạch còn hình thức, nhất là công khai, minh bạch trong bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư và thu phí các dự án BOT, thu chi ngân sách cấp xã, phường ...; việc tiếp công dân, công khai lịch tiếp công dân của cơ quan và người đứng đầu cơ quan vẫn còn nhiều hạn chế, người đứng đầu cơ quan, chưa trực tiếp tiếp công dân theo quy định của pháp luật. Hiện tượng ủy quyền, giao cấp phó tiếp thay vẫn còn nhiều. Đặc biệt, bà ví dụ: “Một số công chức có biểu hiện lạm quyền, quan liêu, vô cảm, gây bất bình trong nhân dân, điển hình như vụ xin cấp giấy chứng tử tại UBND phường Văn Miếu (Hà Nội); vụ xảy ra tại xã Duyên Hà (Hà Nội); xã Yên Thịnh (Thanh Hóa); xã An Bình (Hải Dương),… liên quan đến việc chứng thực lý lịch để hoàn thiện hồ sơ nhập học, xin việc làm...”.

Báo cáo của Ban Dân nguyện cũng đánh giá, một số kiến nghị có thể xem xét, giải quyết ngay, góp phần tháo gỡ những vướng mắc trong đời sống thực tế, bảo vệ quyền lợi của người dân, nhưng chưa được một số bộ, ngành xem xét, giải quyết kịp thời.

Cũng trong chiều nay, UBTVH cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực