Vấn đề Brexit: EU gỡ rối cho các hãng hàng không Anh

Thứ năm, 10/01/2019 15:07
Liên minh châu Âu (EU) sẽ không bắt buộc các hãng hàng không của Anh ngừng ngay việc khai thác các chuyến bay nội địa châu Âu sau ngày 29/3 - thời điểm diễn ra Brexit - trong trường hợp Vương quốc Anh không phê chuẩn thỏa thuận về việc nước này rời EU.

Về lý thuyết, nếu Hạ viện Anh bác bỏ thỏa thuận Brexit trong cuộc họp trung tuần tháng 1 này, một số hãng hàng không, bao gồm cả những cái tên thuộc nhóm hãng hàng không quốc tế (IAG) như British Airways, Iberia, Aer Lingus, Vueling hay Ryanair và Easyjet, sẽ không được phép bay ở EU, trừ phi đa số cổ phần của họ do các cổ đông châu Âu nắm giữ. Hiện tại, các công ty này không đạt tỷ lệ sở hữu 51% của các cổ đông châu Âu, do đó sẽ mất giấy phép bay tại châu Âu khi Vương quốc Anh không còn là thành viên EU. Trong trường hợp Brexit không có thỏa thuận, họ sẽ không được hưởng thời hạn chuyển đổi được ghi trong thỏa thuận "ra đi", trong đó nêu rõ giấy phép của họ có thể vẫn được tiếp tục duy trì.

Phóng viên tại Brussels dẫn lời các quan chức của Ủy ban châu Âu (EC) ngày 9/1 khẳng định các hãng hàng không sẽ có thời gian để đưa ra các giải pháp phù hợp với quy tắc của EU trong trường hợp xảy ra "Brexit cứng" - không có thỏa thuận.

Ảnh minh họa. (Nguồn: imgwhoop)

Để chuẩn bị cho kịch bản xấu này, EC đã đưa ra các biện pháp khẩn cấp và tuyên bố hồi tháng 12/2018 rằng sẽ xem xét cho phép các chuyến bay trực tiếp giữa các sân bay của Anh và các thành phố châu Âu được tiếp tục trong hơn một năm tiếp theo. Tuy nhiên, biện pháp đặc biệt này sẽ không cho phép những trường hợp như hãng Iberia bay giữa Madrid và Barcelona (Bác-xê-lô-na) ở Tây Ban Nha, hoặc hãng Ryanair bay từ Dublin đến Brussels. Ủy ban cũng đưa ra biện pháp đảm bảo để tránh sự hỗn loạn có thể xảy ra cho hành khách vào ngày 29/3, đặc biệt là ở các quốc gia như Tây Ban Nha. 

Các quan chức EC tuyên bố "ủy ban có quyền hành động nếu phát hiện một giấy phép không tuân thủ các yêu cầu hiện hành", điều này bắt buộc hãng hàng không phải đạt tỷ lệ sở hữu 51% của các cổ đông châu Âu. Trong trường hợp trên, EC có thể ấn định ngày mà cơ quan cấp phép phải thực hiện các biện pháp hoặc hành động khắc phục, nếu không, hãng hàng không liên quan sẽ bị truất quyền cung cấp dịch vụ hàng không trong liên minh. Cơ quan này có thể cho các hãng hàng không thêm thời gian sau ngày Brexit chính thức (29/3/2019)  nhằm giúp họ kịp thay đổi tỷ lệ sở hữu. 

Khi thời gian còn lại là rất ít, EC bày tỏ mong muốn các hãng hàng không phải được các cơ quan cấp phép kiểm tra về kế hoạch của họ "càng sớm càng tốt" trước ngày "ly dị", để đảm bảo việc tuân thủ đúng các quy định. Các chính phủ quốc gia thành viên có thể vạch ra phương hướng để đảm bảo cho các hãng hàng không giữ được giấy phép hoạt động./.

Kim Chung/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực