Vi phạm an toàn thực phẩm: Đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành

Thứ hai, 05/06/2017 10:12
(ĐCSVN) – Ở nhiều địa phương tỷ lệ xử lý vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) thấp, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, còn có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành có liên quan...

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo trước Quốc hội 
(Ảnh: KT)

Đây là thông tin tại Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016 được Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, sáng 5/6.

Theo ông Phan Xuân Dũng, trong thời gian từ tháng 11/2016 đến hết tháng 4/2017, Đoàn giám sát đã làm việc với 21/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đại diện cho cả 03 miền Bắc, Trung, Nam, với số lượng 210 cơ sở khảo sát thuộc 08 loại hình sản xuất, kinh doanh (SXKD) thực phẩm; làm việc với Chính phủ và 03 bộ có trách nhiệm liên quan đến công tác quản lý nhà nước (QLNN) về an toàn thực phẩm (ATTP): Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Công thương; tổ chức 03 Hội nghị chuyên đề tại 3 miền Bắc, Trung và miền Nam.

Mỗi năm có hơn 27 người chết do ngộ thực phẩm

Theo kết quả giám sát, tình hình ngộ độc thực phẩm (NĐTP) và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương. Trung bình có 167,8 vụ/năm với 5065,8 người mắc/năm và 27,3 người chết do NĐTP/năm.

Giai đoạn 2011 – 2016, đã ghi nhận 07 bệnh truyền qua thực phẩm làm mắc 4.012.038 ca bệnh với 123 người chết, trung bình mỗi năm có 668.673 ca bệnh và 21 người chết. Bệnh ung thư mỗi năm có khoảng 70 ngàn người chết và hơn 200 ngàn ca phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn.

Báo cáo giám sát cũng nhấn mạnh, ATTP có lúc, có nơi đã đến mức báo động, ở giới hạn đỏ. Số cơ sở vi phạm các quy định về ATTP trong giai đoạn 2011- 2016 chiếm 20,3% số cơ sở tiến hành thanh tra, kiểm tra; số cơ sở vi phạm khi thanh tra đột xuất, chiếm 28,6% lớn hơn so với thanh tra báo trước theo kế hoạch. Kết quả thực thi Quyết định số 38/2015/QĐ-TTg thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại 05 quận/huyện và 10 xã/phường/thị trấn của Tp. Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh cho thấy số lượng vi phạm lớn hơn nhiều. Đây là một tỷ lệ vi phạm rất cao, song cũng chưa phản ánh hết tất cả các vi phạm về ATTP trong thực tế.

Với thực trạng trên, nhưng theo báo cáo, ở nhiều địa phương tỷ lệ xử lý vi phạm ATTP thấp, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, còn có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành có liên quan; công tác điều tra, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP hiệu quả chưa cao do khó khăn trong việc áp dụng các quy định của pháp luật hình sự.

Ông Phan Xuân Dũng cho biết, “theo thống kê của Bộ Công an trong thời gian từ 2011-2016, Cơ quan điều tra các cấp trong công an nhân dân đã khởi tố 01 vụ, 03 bị cáo về tội danh vi phạm các quy định về ATTP; khởi tố, điều tra, đề nghị truy tố 90 vụ, 148 bị can có hành vi phạm tội liên quan đến ATTP. Tòa án nhân dân các cấp từ ngày 01/10/2010 đến 30/9/2016 đã thụ lý 321 vụ án liên quan đến ATTP, đã xét xử 313 vụ”.

Theo đánh giá, việc xử lý vi phạm còn chưa nghiêm, chưa kịp thời, chưa quyết liệt, chủ yếu là xử phạt hành chính, khắc phục lỗi; việc đình chỉ hoạt động đối với cơ sở vi phạm hoặc xử lý hình sự còn ít nên chưa bảo đảm tính răn đe; kiểm tra, xử lý về VSATTP chưa thực sự triệt để, nhất là đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thủ công...

Bố trí ngân sách không đầy đủ

Báo cáo cho rằng những yếu kém, hạn chế trong quản lý ATTP nêu trên một phần là thuộc trách nhiệm của Chính phủ trong tổ chức, phân bổ nguồn lực, đặc biệt  là NSNN cho công tác ATTP và tổ chức bộ máy triển khai thực hiện. Theo báo cáo của Chính phủ, tổng NSNN đầu tư cho công tác ATTP giai đoạn 2011 - 2016 là: 2.545,79 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ thực hiện còn thấp do bị cắt giảm (năm 2016 ngân sách TW giảm 56%) và cấp chậm. Ước tính trung bình từ NSNN đầu tư cho mỗi tỉnh/thành phố giai đoạn 2011 - 2016 là khoảng 14 tỷ đồng, mỗi năm trung bình khoảng 2,5 tỷ đồng. Vì vậy, nhiều nhiệm vụ của công tác quản lý ATTP không được thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt; điều kiện làm việc, đầu tư trang thiết bị phục vụ quản lý ATTP còn nhiều hạn chế.  

Phân công, phân cấp nhiệm vụ QLNN giữa các Bộ còn có mặt chồng chéo; hoạt động điều phối của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương còn chưa quyết liệt; ban hành một số văn bản chỉ đạo quản lý còn chậm, giải pháp đưa ra chưa khả thi, nhiều vấn đề tồn tại chưa có biện pháp xử lý dứt điểm như vấn đề sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi…; là trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương trong việc tham mưu, đề xuất và ban hành các văn bản QPPL, có lúc, có việc chưa làm thật tốt công tác quản lý nhà nước theo sự phân công đã được quy định tại Luật An toàn thực phẩm...

Từ kết quả trên, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ hoàn thiện các văn bản QPPL theo hướng tránh bất cập, chồng chéo, không khả thi; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về ATTP theo hướng tăng cường hiệu lực, hiệu quả để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý ATTP. Ở các tỉnh/thành phố lớn, trung tâm kinh tế nghiên cứu để tiến tới thành lập Ban quản lý ATTP cấp tỉnh; tiếp tục cho thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành về ATTP, tăng mức xử lý vi phạm hành chính, các biện pháp chế tài pháp luật ATTP về các hành vi gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; ở cấp xã cần có cán bộ theo dõi ATTP.

Chỉ đạo kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm các bộ ngành đối với những tồn tại bất cập thuộc lĩnh vực quản lý; khắc phục các tồn tại, yếu kém.

Bố trí đủ NSNN cho công tác quản lý ATTP theo kế hoạch, ưu tiên nguồn vốn cho việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn; xây dựng chợ đầu mối, cơ sở giết mổ tập trung; vùng trồng rau an toàn. Ban hành chính sách hỗ trợ địa phương quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn; hỗ trợ việc áp dụng chương trình VietGAP; hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình thí điểm sản xuất, kinh doanh theo hướng an toàn, quản lý theo chuỗi từ trang trại đến bàn ăn; phát triển sản xuất trồng trọt quy mô lớn tập trung, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ.../.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực