Vì sao Chính phủ đề xuất chọn ACV làm sân bay Long Thành? 🎥

Thứ năm, 17/10/2019 19:29
(ĐCSVN) – Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã có những lý giải cụ thể về việc Chính phủ đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện 3/4 hạng mục công trình tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Chiều 17/10, UBTVQH cho ý kiến về Báo cáo nghiên cứu khả thi (NCKT) về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Thảo luận báo cáo khả thi dự án sân bay Long Thành (Nguồn: Truyền hình VTV3)

Đặc biệt, trước khi cho ý kiến Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim cùng các thành viên UBTVQH đã kiểm tra Quy hoạch Sân bay quốc tế Long Thành.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim cùng các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiểm tra Quy hoạch sân bay quốc tế Long Thành (Ảnh: quochoi.vn)

Kiến nghị giao ACV đầu tư 3/4 hạng mục

Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày nêu rõ: Về quy mô đầu tư giai đoạn 1, sẽ đầu tư xây dựng 01 đường cất hạ cánh; 01 nhà ga hành khách với công suất 25 triệu hành khách/năm; nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm và các hạng mục phụ trợ.

Về hình thức đầu tư, hiện giai đoạn 1 được phân thành 4 nhóm hạng mục đầu tư như sau: Hạng mục 1: công trình trụ sở các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng hàng không. Hạng mục 2: các công trình phục vụ quản lý bay… Hạng mục 3: các công trình thiết yếu của Cảng gồm các công trình hạ tầng chung; khu bay; khu hàng không dân dụng. Hạng mục 4: các công trình dịch vụ.           

Với 4 hạng mục đầu tư, Chính phủ đưa ra phương án đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện 3 hạng mục.

Cụ thể, hạng mục 1 giao ACV trực tiếp đầu tư và cho các cơ quan quản lý nhà nước thuê lại; Hạng mục 2 giao cho Tổng Công ty quản lý bay (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp; Hạng mục 3 giao cho ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp; Hạng mục 4 giao ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư.

Chính phủ giải trình rõ, theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị quyết số 94/2015/QH13, Dự án có thể sử dụng phần vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn doanh nghiệp. Do vậy, việc giao ACV trực tiếp đầu tư (các hạng mục 1, 3 và 4) bằng vốn của doanh nghiệp là có thể xem xét chấp nhận được. Tuy nhiên, đây là dự án xây dựng cảng hàng không mới nên theo quy định của Luật Đấu thầu (Khoản 3 Điều 1) phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án. Do vậy, việc giao ACV đầu tư, khai thác Cảng cần phải được Quốc hội thông qua.

VATM là doanh nghiệp nhà nước và là doanh nghiệp duy nhất được cung cấp dịch vụ công ích quản lý, điều hành hoạt động bay tại Việt Nam. Do vậy, việc đề xuất giao VATM đầu tư các hạng mục liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động bay bằng vốn của doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ quản lý, điều hành bay cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành là phù hợp.

Tổng mức đầu tư dự kiến (bao gồm: chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác, thuế GTVT, dự phòng khối lượng, dự phòng trượt giá và lãi vay): 111.689 tỷ đồng,tương đương: 4,779 tỷ USD(tỷ giá tạm tính 1 USD = 23.370 đồng).

Về phương án huy động vốn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, tổng số vốn ACV cần huy động là 4,194 tỷ USD, tương đương khoảng 98.014 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến số vốn ACV phải đi vay khoảng 2,628 tỷ USD. Đến thời điểm hiện tại, ACV đã làm việc với 12 tổ chức trong và ngoài nước và ký các biên bản thoả thuận hợp tác (MOU) về thu xếp vốn với tổng giá trị đề xuất hơn 5 tỷ USD, thời gian vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm, lãi suất trung bình dự kiến khoảng 5-5,5%/năm.

“ACV đang thực hiện công tác đánh giá xếp hạng tín nhiệm bởi các tổ chức xếp hạng uy tín nhất trên thế giới nhằm thực hiện công tác huy động vốn một cách tối ưu cho dự án, phù hợp với các thông lệ quốc tế. Với các nội dung nêu trên và năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không để bù đắp nếu thiếu hụt dòng tiền, ACV có thể huy động được nguồn vốn vay thương mại quốc tế có điều kiện vay tốt hơn mức thông thường của thị trường nên việc ACV đầu tư, khai thác sẽ giảm chi phí lãi vay, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và hiệu quả tài chính của Dự án” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói thêm.

Còn tổng số vốn VATM cần huy động là 3.225 tỷ đồng. Trong đó, VATM đã cân đối được khoảng 2.125 tỷ đồng; dự kiến sẽ vay vốn thương mại của ngân hàng trong nước khoảng 1.100 tỷ đồng, với lãi suất tính toán dự kiến là 11%/năm.

Đúng luật

Phát biểu tại phiên họp, vấn đề được cho ý nhiều là về hình thức đầu tư.

Cơ quan thẩm tra là Ủy ban kinh tế cho rằng, Dự án là công trình quan trọng quốc gia, có liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, cần phải hết sức thận trọng, chặt chẽ trong việc lựa chọn nhà đầu tư, đồng thời phải bảo đảm cơ sở pháp lý.

Phối cảnh Nhà ga hành khách giai đoạn 1 của sân bay Long Thành

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phân tích: “Việc Chính phủ đề xuất lựa chọn ACV và VATM đầu tư, khai thác Cảng là áp dụng quy định tại Khoản 4 Điều 22 của Luật Đấu thầu về chỉ định thầu đối với nhà đầu tư và thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Trường hợp việc lựa chọn nhà đầu tư không áp dụng quy định tại Khoản 4 Điều 22 của Luật Đấu thầu mà cần trình Quốc hội xem xét, quyết định về cơ chế, chính sách đặt biệt thì đề nghị Chính phủ giải trình làm rõ thêm về lý do, cơ sở pháp lý để UBTVQH, Quốc hội có căn cứ xem xét, quyết định”.

Ông cũng cho biết, có ý kiến đề nghị, để đảm bảo vấn đề quốc phòng, an ninh quốc gia và hiệu quả đầu tư, Quốc hội có thể đồng ý giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định giao cho các doanh nghiệp nhà nước, có đủ điều kiện để huy động vốn không cần có sự bảo lãnh của Chính phủ, không gây nợ xấu, có năng lực quản lý vận hành cảng hàng không là nhà đầu tư để đầu tư trực tiếp quản lý khai thác đồng bộ Cảng.

Trước khi cho ý kiến về các nội dung Chính phủ đề nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng bày tỏ rất phấn khởi. Bởi lẽ, đất nước có 100 triệu dân mà sân bay lớn nhất công suất chỉ 25-30 triệu hành khách. Cảng hàng không có quy mô lớn là điều chúng ta đã chờ đợi rất lâu thì đến nay đã nhìn thấy hình hài.

Ông cũng đánh giá Chính phủ làm rất cẩn trọng trong Dự án này. Đồng thời bày tỏ đồng tình ủng hộ Chính phủ đề xuất lựa chọn ACV và VATM đầu tư, khai thác Cảng. “Cái gì có lợi, không gây phiền hà, đỡ mất thời gian, không tốn kém, thấy có hiệu quả thì quyết định; chỉ sợ cố tình làm chuyện đó vì lợi ích cá nhân, chứ vì nước vì dân thì tôi rất ủng hộ” – ông nêu quan điểm.

Về chọn nhà thầu sau này, ông nhấn mạnh: Dự án có nhiều hạng mục liên quan tới cơ khí, trong khi đó hiện hiện cơ khí Việt Nam làm được nhiều việc do vậy cần tin tưởng, phối hợp các doanh nghiệp của Việt Nam lại để làm. Chính những công trình lớn như thế này là để cơ hội công nghệ Việt Nam phát triển, cơ khí Việt Nam khẳng định với thế giới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho biết, theo Luật Đấu thầu thì có những yếu tố chỉ định thầu và những yếu tố của ACV đủ điều kiện và Chính phủ chỉ định thầu là theo luật.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ tán thành quy mô đầu tư giai đoạn 1, song lưu ý đề nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu và đầu tư giai đoạn 2, giai đoạn 3 của Dự án.

 Về việc chọn nhà thầu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, theo Luật Đấu thầu, đây là nội dung không thuộc phạm vị thẩm quyền phê duyệt của UBTVQH và Quốc hội, mà thẩm quyền này được giao cho Thủ tướng Chính phủ./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực