Việc giải quyết kiến nghị của cử tri phản ánh về tham nhũng, lãng phí còn bất cập

Thứ năm, 16/11/2017 10:18
(ĐCSVN) – Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chú trọng bồi dưỡng năng lực, đạo đức công vụ đối với cán bộ, công chức; tìm giải pháp khả thi phát hiện và xử lý nghiêm hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, nạn “lót tay”, “phong bì” để giải quyết công việc.

Sáng ngày 16/11, Trưởng Ban Dân nguyện của UBTVQH Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị (KN) của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

100% các kiến nghị của cử tri đã được trả lời

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết: Qua 1.570 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 3, 63 Đoàn  đại biểu quốc hội (ĐBQH) đã tổng hợp được 2.458 kiến nghị (KN) có nội dung thuộc tất cả các lĩnh vực của xã hội. Các KN đã được UBTVQH chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, toàn bộ các KN đã được trả lời (đạt 100%), cụ thể như sau:

Trưởng Ban Dân nguyện của UBTVQH Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Lâm Hiển)

Cụ thể, Quốc hội đã tiếp nhận 139 KN, chiếm 6,2% tổng số KN. Việc lựa chọn chuyên đề giám sát năm 2017 về cải cách bộ máy hành chính, công tác quản lý các dự án BOT,... là các vấn đề cử tri đang đặc biệt quan tâm, kết quả giám sát được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng góp phần nâng cao hiệu lực của hoạt động giám sát, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với QH. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng của hoạt động giám sát và thẩm tra các báo cáo, nhiều cơ quan của Quốc hội đã sử dụng kết quả kiểm toán để tham khảo, đối chiếu,...

Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã tiếp nhận 2.284 KN chiếm 92,9% tổng số KN) trong đó có 1.695 KN (chiếm 74,2%) được trả lời dưới hình thức cung cấp thông tin cho cử tri thuộc lĩnh vực: lao động, việc làm, an sinh xã hội, giao thông vận tải, nông nghiệp, nông thôn, giáo dục và đào tạo,...; Có 282 KN (chiếm 12,4%) được giải quyết xong.

Đối với 554 KN còn tồn đọng từ những kỳ họp trước, Chính phủ đã chỉ đạo giải quyết dứt điểm 291 KN đạt 52,5% (gấp 4 lần so với kỳ trước), trong đó Bộ  Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) giải quyết được nhiều nhất (46 KN), Bộ Văn hóa Thông tin & Du lịch (44).

Theo đánh giá của UBTVQH, nhìn chung, qua giám sát cho thấy, các bộ, ngành đều nghiêm túc, trách nhiệm trong giải quyết và trả lời KNCT, có tới 21/24 Bộ trưởng, Trưởng, ngành chỉ đạo và trực tiếp ký các văn bản trả lời gửi tới cử tri, như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT 206 văn bản trả lời; Bộ LĐTB&XH (193); Bộ GDĐT (145);... Chính vì vậy, số lượng và chất lượng các KN được giải quyết có sự chuyển biến khá rõ rệt, có vấn đề cử tri nêu rất khó giải quyết, nhưng Chính phủ đã rất nỗ lực để tìm giải pháp, tạo đột phá đáp ứng kỳ vọng của cử tri.

Ngoài ra, có 17 KN của cử tri Hà Nội, Đà Nẵng, Lai Châu, Thanh Hoá, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Long An, Vĩnh Long, Hậu Giang,… gửi tới TANDTC và VKSNDTC có nội dung yêu cầu cung cấp thông tin về tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án trọng điểm về tham nhũng; giải pháp khắc phục tình trạng oan, sai,… đều được nghiên cứu và trả lời.

Còn nhiều kiến nghị không nêu lộ trình và thời hạn giải quyết

Tuy nhiên, công tác tổng hợp KNCT còn hạn chế vì vậy có tới 1.695 KN được tập hợp (chiếm 74,2%) khi gửi tới các bộ, ngành được trả lời bằng hình thức giải trình hoặc cung cấp thông tin về những vấn đề đã được pháp luật quy định, hoặc đã được trả lời tại những kỳ họp trước.

Đối với Chính phủ, còn 570 KNCT các tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Quảng Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Ninh, Hà Nam, TP. Hà Nội... chưa được giải quyết trong đó bộ còn nhiều KN chưa giải quyết nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) (80),  Bộ Y tế (60); có 352/570 KN không nêu lộ trình và thời hạn giải quyết là chưa đúng quy định của pháp luật, nội dung các KN chưa được giải quyết thuộc các vấn đề như nạn chặt phá rừng; phân bón giả; tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp; ô nhiễm môi trường; khai thác, quản lý tài nguyên, khoáng sản; rác thải ở nông thôn; ảnh hưởng biến đổi khí hậu lên vùng núi Tây Bắc; tai nạn giao thông tại khu vực đường tránh tàu; vấn đề tuyển sinh của khối các trường Sư phạm; quản lý giá thuốc, đấu thầu thuốc chữa bệnh; xây dựng trụ sở quá to, gây lãng phí; quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa; chế độ của công chức xã, phường; quản lý kinh doanh trò chơi điện tử,... cử tri các tỉnh đang rất trông chờ Chính phủ có giải pháp đột phá để giải quyết dứt điểm các KN nêu trên. Bên cạnh đó, một số KN đã được trả lời nhưng chưa rõ, không phù hợp thực tiễn nên cử tri lại tiếp tục KN.

Đáng chú ý, việc giải quyết kiến nghị của cử tri (KNCT) phản ánh về tham nhũng, lãng phí còn bất cập, cử tri nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Yên Bái, Long An, Thanh Hóa, Đồng Tháp, Nghệ An, Trà Vinh,… cho rằng, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt đối với nhiều vụ tham nhũng lớn. Tuy nhiên, số vụ việc phát hiện, xử lý còn chưa tương xứng với tình hình mà cử tri phản ánh, xử lý hành chính, kỷ luật nội bộ còn nhiều; nhiều vụ việc tham nhũng được phát hiện do tố cáo của người dân hoặc mâu thuẫn nội bộ mà không phải qua công tác thanh tra, kiểm tra. Hiện tượng người dân phải “lót tay” để giải quyết công việc còn xảy ra khá phổ biến ở nhiều cấp, nhiều ngành, trong phạm vi rộng, diễn biến phức tạp.

Công tác giải quyết KN về việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch trong nhiều lĩnh vực còn rất hạn chế .

Các KNCT phản ánh những bức xúc về hành vi, thái độ, đạo đức của một số cán bộ xã, phường làm công tác tiếp công dân cũng chưa được Chính phủ giải quyết hiệu quả, còn hiện tượng bố trí cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân nhưng không đủ trình độ, trách nhiệm như vụ việc xin cấp giấy chứng tử tại phường Văn Miếu (Hà Nội); vụ việc tại xã Duyên Hà (Thanh Trì, Hà Nội); xã Yên Thịnh (Yên Định, Thanh Hóa); xã An Bình (Nam Sách, Hải Dương) khi công dân xin xác nhận lý lịch để đi học, đi làm;…

Công khai mức độ hoàn thành của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương trong giải quyết kiến nghị

Trên cơ sở đó, UBTVQH kiến nghị Quốc hội nâng cao chất lượng tổng hợp KNCT đảm bảo rõ ràng, không trùng lặp; quan tâm giám sát việc ban hành văn bản, đặc biệt là các văn bản về quy định việc thực hiện các thủ tục hành chính, văn bản liên quan đến quyền con người ban hành trước Hiến pháp năm 2013,.. Trong hoạt động giám sát tích cực sử dụng kết quả Kiểm toán nhà nước để nâng cao hiệu quả của hoạt động này; Các đại biểu QH quan tâm có nhận xét đánh giá về kết quả giải quyết KNCT đối với từng Bộ trưởng, Trưởng ngành, làm căn cứ phục vụ việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn.

Đối với Chính phủ, chỉ đạo Thanh tra Chính phủ có kế hoạch thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch trong hoạt động của các bộ, ngành và chính quyền địa phương, kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm, đảm bảo điều kiện người dân được thực hiện quyền giám sát theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Các bộ, ngành, địa phương chú trọng bồi dưỡng năng lực, đạo đức công vụ đối với cán bộ, công chức, đặc biệt là công chức hàng ngày tiếp xúc với dân để giải quyết các thủ tục hành chính; Tìm giải pháp khả thi phát hiện và xử lý nghiêm hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, nạn “lót tay”, “phong bì” để giải quyết công việc. 

Thủ tướng Chính phủ thực hiện đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu bộ, ngành, chính quyền địa phương trong giải quyết, trả lời KNCT theo Quyết định số 33, công khai cho cử tri và ĐBQH được biết để làm căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm. Chỉ đạo nghiên cứu, sửa đổi một số văn bản đang trực tiếp ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân (hoàn thành trước tháng 5/2018)…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực