Việc sửa đổi bộ luật lao động không thể chậm trễ

Thứ tư, 08/06/2016 16:11
(ĐCSVN) - Đó là ý kiến của đồng chí Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tại hội nghị làm việc với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2007 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV diễn ra ngày 8/6 tại Hà Nội.


Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại cuộc làm việc sáng 8/6 (Ảnh: KT)

Đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Bộ luật Lao động

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, theo đăng ký của chính phủ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong năm 2016 và năm 2017, Chính phủ sẽ trình với Quốc hội Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu về thời hạn trong Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương, Bộ đã báo cáo Chính phủ cho phép đăng ký trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật này sớm hơn một kỳ họp (tức trình Quốc hội cho ý kiến dự án Luật này vào kỳ họp thứ 3, tháng 5/2017 và thông qua tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2017).

Về vấn đề này, đồng chí Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, Bộ luật Lao động đã bộc lộ rất nhiều vấn đề phải sửa đổi, đặc biệt là về thỏa ước lao động tập thể, về thời gian làm thêm... “Việc sửa đổi bộ luật lao động không thể chậm trễ, nên đẩy nhanh tiến độ. Tôi đã hình dung và tổng hợp được những điểm cần phải sửa đổi của Bộ luật Lao động 2012” – ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Về các công việc sửa đổi bộ luật đã thực hiện, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, Bộ đã báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ cho phép chủ động nghiên cứu triển khai việc nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Lao động. Được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép, hiện nay Bộ đang đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các Tập đoàn, Tổng công ty đánh giá sơ kết 3 năm thi hành Bộ luật Lao động (dự kiến hết tháng 6 sẽ hoàn thành). Đồng thời, Bộ đã thành lập nhóm nghiên cứu rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động và tiến hành đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp để nắm bắt các vướng mắc và kiến nghị về Bộ luật Lao động. Ngoài ra, Bộ cũng đã đề nghị, Tổ chức lao động quốc tế (ILO) có hỗ trợ kỹ thuật cho công việc soạn thảo dự án luật này.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, dự luật sẽ sửa đổi, bổ sung những bất cập trong Bộ luật Lao động 2012 đã phát sinh hoặc dự kiến phát sinh trong thực tiễn nhằm đảm bảo sự phát triển hài hòa của quan hệ lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động. Bên cạnh đó sửa đổi, bổ sung các quy định trong Bộ luật Lao động năm 2012 để đảm bảo phù hợp với nội dung các luật đã ban hành trong thời gian gần đây.

Mặt khác, sẽ sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, phân biệt đối xử trong lao động và quy định bảo đảm điều kiện lao động về lương tối thiểu, giờ làm việc, an toàn lao động, việc thành lập tổ chức đại diện của người lao động phù hợp với các tiêu chuẩn của ILO và cam kết trong hiệp định TPP.

Tiến tới xây dựng luật người có công

Tại cuộc làm việc, đại diện Bộ LĐ-TB&XH và Ủy ban các vấn đề xã hội đều đánh giá, sau gần 4 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng 2012 và các văn bản hướng dẫn, cơ bản các chế độ ưu đãi người có công đã được thực hiện tốt, bảo đảm kịp thời và đúng đối tượng. Tuy nhiên, còn một số nội dung thực tiễn đòi hỏi nhưng chưa được quy định tại Pháp lệnh. Cụ thể, cẩn phải điều chỉnh đối với nhóm đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đã được công nhận và thực tiễn chế độ ưu đãi trước ngày 1/9/2012. Bên cạnh đó, hiện nay chưa có quy định về khám, giám định lại vết thương tái phát với người bị thương đã được hưởng trợ cấp 1 lần, suy giảm khả năng lao động dưới 21%.

Ngoài ra, các ý kiến cũng cho rằng, pháp lệnh chưa quy định chế độ trợ cấp một lần cho thân nhân của các đối tượng được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng, người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc đã chết mà chưa được hưởng chế độ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh – Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam nhấn mạnh, trong các đối tượng người có công thì giải quyết chế độ cho nạn nhân da cam gặp nhiều vấn đề vướng mắc nhất. Hiện cả nước mới có hơn 200.000 nạn nhân da cam được hưởng chế độ, chính sách còn lại hàng trăm ngàn người khác chưa được hưởng vì đang gặp khó khăn về thủ tục xét duyệt. Đặc biệt, thực tế phản ánh từ các địa phương cũng cho thấy, một trong bất cập lớn nhất hiện nay là khâu chứng nhận y khoa cho đối tượng bị phơi nhiễm, trong đó sự thiếu thống nhất giữa các văn bản hướng dẫn đã khiến nạn nhân chất độc hóa học gặp lúng túng trong quá trình làm hồ sơ. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh đề nghị, việc sửa đổi pháp lệnh cần phải tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên để phát huy tối đa ý nghĩa nhân văn của chính sách ưu đãi, thể hiện đạo lý đền ơn, đáp nghĩa của dân tộc.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cũng đề nghị, cần nâng Pháp lệnh nên thành luật nhằm góp phần hoàn thiện chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng.

Cùng quan điểm, ông Đỗ Mạnh Hùng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho rằng, trước mắt cần thiết phải sửa đổi Pháp lệnh người có công nhưng về lâu dài cần nâng pháp lệnh lên thành Luật Người có công.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, về cơ bản các đối tượng có công đã được hưởng chế độ chính sách. Tuy nhiên, còn tỷ lệ nhỏ người có công vì nhiều lí do nên chưa được hưởng chế độ.

Về việc giải quyết chế độ cho người nhiễm chất độc da cam, Bộ trưởng cho biết, còn tồn đọng khoảng 70.000 hồ sơ và vướng mắc chủ yếu do chưa có tiêu chí cụ thể xác định 17 danh mục bệnh, tật, dị dạng có liên quan đến chất độc da cam.

Theo Bộ trưởng, Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB&XH sửa pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng theo thủ tục rút gọn. Hiện nay, Bộ đang chuẩn bị xây dựng Hồ sơ trình về dự án này gồm dự thảo Tờ trình và dự thảo Pháp lệnh. Đặc biệt, Bộ sẽ gửi công văn xin ý kiến của các Sở giải quyết tốt chế độ chính sách cho người có công.

Bộ trưởng cũng khẳng định: “Quan điểm của chúng tôi là việc đầu tiên phải tập trung vào sửa đổi pháp lệnh. Đồng thời, phải chuẩn bị để khi hoàn thiện thì nâng lên thành luật”./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực