Việt Nam - CHLB Đức: Quan hệ hợp tác hướng tới tương lai

Thứ tư, 30/09/2020 22:23
(ĐCSVN)- Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền CHLB Đức tại Việt Nam Guido Hildner cho biết, năm 2020 là năm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Đức và Việt Nam. Trong quãng thời gian đó quan hệ hợp tác giữa hai nước chúng ta đã phát triển liên tục. Việc tiếp tục thực hiện Quan hệ Đối tác chiến lược được thỏa thuận năm 2011 bằng một Kế hoạch hành động hai năm 2020/2021 tạo ra một cơ sở cho một quan hệ hợp tác hướng tới tương lai.
 Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam họp báo, nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đức, và 30 năm ngày đất nước Đức được tái thống nhất  (Ảnh: MH)

Ngày 30/9/2020, tại Hà Nội, Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam đã tổ chức họp báo, nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - CHLB Đức (23/9/1975 - 23/9/2020), và 30 năm ngày đất nước Đức được tái thống nhất (3/10/1990 -3/10/2020). Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền CHLB Đức tại Việt Nam Guido Hildner, chủ trì buổi họp báo.

Phát biểu tại buổi họp báo, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền CHLB Đức tại Việt Nam Guido Hildner cho biết, năm 2020 là năm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Đức và Việt Nam. Trong quãng thời gian đó quan hệ hợp tác giữa hai nước chúng ta đã phát triển liên tục. Việc tiếp tục thực hiện Quan hệ Đối tác chiến lược được thỏa thuận năm 2011 bằng một Kế hoạch hành động hai năm 2020/2021 tạo ra một cơ sở cho một quan hệ hợp tác hướng tới tương lai. Phát triển Quan hệ Đối tác chiến lược cũng là một chủ đề trong cuộc điện đàm giữa Bà Angela Merkel, Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức và Ngài Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ngày 13/9/2020.

Tăng cường và phát triển hợp tác quốc tế, tăng cường và phát triển các cơ cấu, cơ quan và cơ chế của hợp tác quốc tế có một trọng tâm to lớn đối với cả Đức  và với Việt Nam. Hai nước nỗ lực cho trật tự quốc tế dựa trên quy tắc, cho chủ nghĩa đa phương, cho việc gìn giữ luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng hòa bình, cho tự do trên biển và tự do thương mại.

Năm 2020 hai nước đảm nhận những trọng trách đặc biệt. Cả hai nước là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Việt Nam là chủ tịch ASEAN, Đức là chủ tịch luân phiên Hội đồng EU trong nửa cuối của năm.

Đức và Việt Nam hợp tác với nhau trong nhiều lĩnh vực. Biến đổi khí hậu là một thách thức chung. Bảo vệ môi trường và cung cấp năng lượng bằng cách tăng cường khai thác các nguồn năng lượng tái tạo và tăng hiệu suất sử dụng năng lượng là những trọng tâm của các nỗ lực hợp tác phát triển của Đức tại Việt Nam. Đào tạo và Khoa học là những lĩnh vực hợp tác tiếp theo.

Theo Đại sứ Guido Hildner, nước Đức hỗ trợ quá trình cải cách hệ thống đào tạo nghề tại Việt Nam. Hiện nay có khoảng 7.500 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Đức. 163 dự án hợp tác nghiên cứu khoa học giữa các trường đại học Đức và Việt Nam bảo đảm một sự trao đổi tri thức và công nghệ giữa hai bên. Tại 8 trường Pasch (trường tham gia chương trình Trường học: Đối tác của tương lai) được Ủy ban giáo dục phổ thông Đức ở nước ngoài hỗ trợ ở Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 2.000 học sinh Việt Nam đang học tiếng Đức.

Cơ quan Trao đổi hàn lâm Đức với trụ sở ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ và thúc đẩy sự hợp tác này bằng các suất học bổng và các chương trình trao đổi. Viện Goethe tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy một cuộc đối thoại liên văn hóa sống động và hiện đại bằng các chương trình và hoạt động đổi mới.

Theo Đại sứ Guido Hildner, Đại học Việt Đức là một dự án hải đăng tiên phong của hai nước chúng ta đối với việc định hình và làm sâu sắc hơn trong tương lai quan hệ hợp tác khoa học và công nghệ. Ngày 23/9/2020 vừa qua, đúng ngày kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Cộng hòa Liên bang Đức và Việt Nam, Hiệp định chính phủ ba bên về phát triển và mở rộng Trường Đại học Việt Đức đã được ký kết. Hiệp định này ấn định khuôn khổ bảo đảm về pháp lý, tổ chức và tài chính cho trường.

Luật nhập cư nhân lực lao động chuyên môn của Đức có hiệu lực từ tháng 3/2020 mở ra những khả năng việc làm mới, hấp dẫn tại Đức cho nhân lực lao động chuyên môn Việt Nam.

Cùng với đó, quan hệ kinh tế chiếm một vị thế quan trọng trong quan hệ hợp tác song phương và được tăng cường liên tục. Đức là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trong EU. Năm 2019 giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt 10,9 tỉ USD, giá trị xuất khẩu của Đức sang Việt Nam đạt 4,8 tỉ USD. So với nửa đầu năm 2019, trong nửa đầu năm 2020, cho dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Đức vẫn tăng 1,6%. Trong năm qua các nhà đầu tư Đức đã đầu tư hơn 2,1 tỉ USD vào Việt Nam với một hàm lượng rất cao các công nghệ hiện đại nhất. Như vậy so với năm 2018 đã tăng 5,8%. Tổng cộng đã có 380 công ty Đức có mặt tại Việt Nam. “Ngôi nhà Đức” mới tại Thành phố Hồ Chí Minh là một bản tuyên ngôn đầy ấn tượng cho sự hiện diện của Đức tại Việt Nam. Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam có hiệu lực từ ngày 01/8/2020 sẽ thúc đẩy những khuynh hướng phát triển này.

Năm kỷ niệm 2020 cũng sẽ đi vào mối quan hệ song phương của chúng ta như là năm của đại dịch COVID-19 với những hậu quả đầy kịch tính của nó. Việt Nam đã hỗ trợ một số nước, trong đó có Đức bằng cách gửi tặng khẩu trang và qua đó đã đưa ra một tín hiệu khích lệ tình đoàn kết quốc tế giữa cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Đại dịch COVID-19 và những tác động của nó nhấn mạnh một cách khẩn thiết là hợp tác quốc tế quan trọng như thế nào. Chỉ cùng nhau chúng ta mới chiến thắng được đại dịch,Đại sứ Guido Hildner, khẳng định.

Một nhịp cầu tuyệt vời giữa nhân dân hai nước chúng ta được xây dựng bởi những người dân của nước này đang sống ở nước kia: cộng đồng người Đức ở Việt Nam và cộng đồng lớn hơn nhiều của người Việt Nam ở Đức. Cả hai cộng đồng đang tiếp tục phát triển. Bằng mối quan hệ và sáng kiến của bản thân, họ, cũng như các quan hệ đối tác hiện nay giữa các trường học và thành phố hai nước, đang gìn giữ và thúc đẩy sự giao lưu trực tiếp rất quan trọng giữa người dân của hai nước.

MạnhHungf

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực