Việt Nam coi trọng và tham gia đầy đủ, nghiêm túc vào cơ chế UPR

Thứ sáu, 04/09/2020 17:10
(ĐCSVN) - Ngày 4/9, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Hội thảo thông tin về Kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III Việt Nam đã chấp thuận.
leftcenterrightdel
 Đồng chí Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: Thu Lan)

Hội thảo có sự tham dự của đông đảo đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, đại diện một số địa phương ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, cơ quan nghiên cứu và tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, tổ chức nhân dân của Việt Nam và nhiều tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam rất coi trọng và tham gia đầy đủ, nghiêm túc vào cơ chế UPR ngay từ chu kỳ I (2009); việc thực hiện các khuyến nghị UPR cũng đã mang lại những tác động đến mọi mặt đời sống xã hội ở Việt Nam, như hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân. Kinh nghiệm của Việt Nam trong việc tham gia hiệu quả trong cơ chế UPR cũng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhất là việc ban hành các Kế hoạch Tổng thể để thực hiện các khuyến nghị qua các chu kỳ.

Thứ trưởng Lê Hoài Trung cũng lưu ý về những thách thức mới đối với việc bảo đảm quyền con người và thực hiện các khuyến nghị UPR, trong đó có dịch COVID-19; đồng thời khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong vấn đề này, với sự đồng lòng, chung sức của chính quyền và người dân, cũng như sự hợp tác, hỗ trợ của các đối tác quốc tế.

Cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong tham gia cơ chế UPR cũng được ghi nhận và đánh giá cao trong phát biểu của bà Caitlin Wiesen, Đại diện Thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam. Bên cạnh đó, bà Wiesen đề xuất trong thời gian tới cần việc lồng ghép các nội dung về phát triển bền vững, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bảo đảm sự tham gia đóng góp của người dân… trong công tác này.  

leftcenterrightdel
Bà Caitlin Wiesen, Đại diện Thường trú của UNDP Việt Nam  phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Thu Lan)

Bà Wiesen nhấn mạnh, Liên hợp quốc xem quá trình UPR là một cơ hội ý nghĩa để Chính phủ Việt Nam có thể kết nối trực tiếp với tất cả các bên liên quan và nhận được các khuyến nghị từ các quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Đây cũng là một dịp quan trọng để rà soát lại chính sách và thực tiễn thực hiện, đồng thời xây dựng các biện pháp mới với mục tiêu tăng cường bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.

Theo ghi nhận của đại diện UNDP, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người thông qua việc phê chuẩn các điều ước quốc tế quan trọng về quyền con người, bao gồm việc phê chuẩn Công ước về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (CAT) và Công ước về Quyền của người khuyết tật (CRPD). Việt Nam cũng đã nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong nước thông qua việc sửa đổi Bộ Luật hình sự và Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 với một số điều khoản phù hợp hơn với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Những tiến triển này đã được các quốc gia khác ghi nhận và hoan nghênh trong UPR.

Với chủ đề của Hội thảo ngày hôm nay và tiến trình UPR quan trọng trong những năm tới đây, Liên hợp quốc tại Việt Nam muốn nhấn mạnh ba thông điệp chính sau: (1) quyền con người là căn bản và liên hệ mật thiết với phát triển bền vững. Thực hiện các cam kết về quyền con người cũng sẽ đóng góp vào việc hiện thực hoá các mục tiêu phát triển bền vững SDGs; (2) tất cả các bên liên quan đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các khuyến nghị UPR ở Việt Nam. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy sự tham gia của người dân, trong đó có tham gia qua cộng đồng các đoàn thể xã hội, sẽ cung cấp cho Chính phủ những đối tác quan trọng trong việc giúp các nhóm dễ bị tổn thương cất tiếng nói, xác định nguy cơ hay thách thức, và tìm ra những giải pháp phù hợp nhất cho cộng đồng bị ảnh hưởng; (3) khuôn khổ quốc tế về quyền con người, bao gồm cả UPR, là nhằm bảo vệ những người yếu thế nhất, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau. Với việc hỗ trợ Việt Nam trong suốt tiến trình UPR chu kỳ 3, Liên hợp quốc sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực, củng cố ưu tiên về “đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau”.

leftcenterrightdel
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Thu Lan) 

Trong một ngày diễn ra Hội thảo, đại diện của Bộ Ngoại giao và một số Bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ… đã giới thiệu về Kế hoạch Tổng thể thực hiện các Khuyến nghị UPR chu kỳ III Việt Nam đã chấp thuận được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1974/QĐ-TTg ngày 31/12/2019, cũng như chia sẻ thông tin, kinh nghiệm hữu ích về về vai trò các cơ quan Liên hợp quốc trong hỗ trợ triển khai thực hiện các khuyến nghị UPR; cam kết, nỗ lực của các cơ quan của Việt Nam về thực hiện các khuyến nghị UPR trong một số lĩnh vực then chốt; các giải pháp về tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về quyền con người ở Việt Nam, nhất là đối với thanh niên…

Các ý kiến trao đổi tại Hội thảo, trong đó có nhiều đề xuất về biện pháp tăng cường hiệu quả thực hiện khuyến nghị UPR cũng như khuyến khích sự tham gia của các bên thụ hưởng đã được các Bộ, ngành tiếp thu, bổ sung trong lộ trình thực hiện Kế hoạch Tổng thể và các Kế hoạch theo ngành, lĩnh vực.

Cơ chế UPR của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc được ra đời từ năm 2008 và là một trong những thành công nổi bật, được xây dựng trên nguyên tắc minh bạch, công bằng, không phân biệt, thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các quốc gia. Với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, Việt Nam đặc biệt coi trọng và luôn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nghĩa vụ và cam kết theo cơ chế UPR, trong đó có việc triển khai các khuyến nghị UPR đã chấp thuận. Trong chu kỳ III, Việt Nam đã nhận được 291 khuyến nghị từ 122 nước và đã chấp thuận 241 khuyến nghị trong số đó.

Thu Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực