Việt Nam đã thể hiện “tầm lãnh đạo mạnh mẽ”

Thứ bảy, 18/04/2020 21:50
(ĐCSVN) - Là một quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần trách nhiệm, thời gian qua, Việt Nam đã chia sẻ sự giúp đỡ chân tình với các nước trong đại dịch và tình thần đoàn kết và hợp tác quốc tế, bằng những hành động cụ thể thiết thực, được nhiều nước ghi nhận và đánh giá cao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc  chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh COVID-19

Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh COVID-19 đã diễn ra đầu tuần qua, một lần nữa cho thấy ASEAN thực sự là một Cộng đồng gắn kết và chủ động thích ứng trước bất cứ khó khăn, nghịch cảnh nào. Đồng thời, cũng cho thấy trách nhiệm, sự chủ động của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Các hội nghị đã nâng cao tinh thần "Gắn kết và Chủ động thích ứng", thúc đẩy đoàn kết, thống nhất ASEAN nhằm kiểm soát, ngăn chặn và giảm thiểu các tác động về kinh tế-xã hội của dịch bệnh.

Tại các hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, ASEAN cần có những bước đi chung để giảm thiểu, khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19. Nhiều đề nghị cụ thể đã được đưa ra nhằm phục hồi kinh tế sau dịch bệnh, nhất là khôi phục kết nối, tái thiết du lịch và các hoạt động kinh doanh. Thủ tướng cũng hoan nghênh các nước đã nhất trí với Việt Nam về các đề xuất của lập Quỹ hợp tác ứng phó COVID-19 của ASEAN, lâ%3ḅp kho dự phòng vật tư y tế đáp ứng nhu cầu khẩn cấp khi có dịch bê%3ḅnh, cũng như sáng kiến tổ chức diễn tập trực tuyến của Quốc phòng về ứng phó dịch bệnh khẩn cấp, xây dựng quy trình ứng phó khẩn cấp chung của ASEAN khi có dịch bệnh.

Tại Hội nghị ASEAN+3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà Lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều nhấn mạnh cần đặt lợi ích người dân lên hàng đầu, bảo đảm sức khỏe và sinh kế của nhân dân, đồng thời hỗ trợ kịp thời và đối xử bình đẳng với công dân các nước ASEAN+3 bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong đó có lao động di cư, không để ai bị bỏ lại phía sau. Các nhà lãnh đạo cũng đánh giá cao Việt Nam đã tích cực, chủ động tổ chức thành công Hội nghị lần này, đóng góp thiết thực cho cuộc chiến chung chống COVID-19 của khu vực và cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Phát huy tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng, cộng đồng ASEAN đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác và cộng đồng quốc tế để ngăn chặn đại dịch. Trước sự nghiêm trọng của dịch bệnh COVID- 19 hiện nay, chúng ta cần phát huy truyền thống tốt đẹp đó, thể hiện tinh thần đoàn kết, chung tay hợp tác để vững vàng vượt qua giai đoạn đầy thử thách cam go này.

Đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN trong thời điểm đặc biệt khó khăn, Việt Nam nhận thức rõ trách nhiệm của mình và quyết tâm vai kề vai sát cánh với các nước thành viên chèo lái con thuyền ASEAN vượt qua sóng gió. Ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, Việt Nam đã chủ động, tích cực, hành động nhanh chóng, dẫn dắt và điều phối các nỗ lực chung của ASEAN.

Theo Tổng Thư ký ASEAN, Dato Lim Jock Hoi, hai hội nghị cấp cao đặc biệt này đã tái khẳng định sự cần thiết của một kế hoạch phục hồi sau đại dịch. Đánh giá vai trò của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN trong việc thúc đẩy các nỗ lực chung chống dịch bệnh, Tổng Thư ký ASEAN khẳng định: Việt Nam đã thể hiện “tầm lãnh đạo mạnh mẽ” trong việc dẫn dắt một phản ứng tập thể của khu vực trước đại dịch COVID-19. Chủ đề “Xây dựng một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam rất phù hợp với tình hình mà khu vực đang trải qua. ASEAN đã đoàn kết và nhanh chóng ứng phó với đại dịch kể từ tháng 2 và thông qua hai Hội nghị cấp cao đặc biệt được tổ chức trong ngày 14/4. Những phản ứng mạnh mẽ của ASEAN phần lớn là do sự lãnh đạo của Việt Nam, đặc biệt trong việc thúc đẩy các quốc gia thành viên đối thoại và hợp tác." Tổng Thư ký ASEAN cũng cho rằng việc Việt Nam tổ chức các hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 theo hình thức trực tuyến là một thành tựu theo đúng nghĩa của nó cho thấy, chúng ta có thể vượt qua những thách thức của COVID-19 nếu các quốc gia thành viên trong khu vực làm việc cùng nhau trong sự thống nhất và kiên cường.

Tổng Thư ký ASEAN, Dato Lim Jock Hoi 

Việc triệu tập các Hội nghị thượng đỉnh lần này được thực hiện thông qua hội nghị truyền hình đã là một thành tựu theo đúng nghĩa của nó. Việt Nam đã chỉ ra rằng chúng ta có thể vượt qua các thách thức của COVID-19 nếu khu vực này hợp tác với nhau trong tình đoàn kết và sự kiên cường. Việt Nam đã thể hiện tầm lãnh đạo mạnh mẽ trong các biện pháp hợp tác của khu vực ứng phó với đại dịch COVID – 19. Ngay trước Hội nghị này, Việt Nam với quan điểm luôn là một thành viên tích cực và chủ động của ASEAN, đã có nhiều hành động nhanh chóng và cụ thể giúp các nước thành viên bằng những trang thiết bị  y tế phòng chống COVID-19.

Ngay từ sớm khi Lào và Campuchia đối phó với dịch bệnh COVID- 19,  hai nước đã nhận sự hỗ trợ của Việt nam bao gồm các  thiết bị y tế, quần áo bảo hộ và hệ thống xét nghiệm PCR  trị giá hơn 7 tỷ đồng. Những lô hàng viện trợ này đã được gấp rút chuyển sang Campuchia sau cuộc điện đàm giữa thủ tướng  Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng  Hun Sen. Việt Nam cũng đã hỗ trợ  50 nghìn đô la Mỹ hỗ trợ cho Myanmar phòng chống dịch COVID-19.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh Thứ trưởng Bộ Quốc phòng 

Không chỉ có những trang thiết bị,  Bộ  quốc phòng Việt Nam cũng đã cử y bác  sĩ quân y trực tiếp sang giúp đỡ, chữa bệnh cho Lào phòng chống COVID-19. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: "Với hai nước này không chỉ giúp về vật tư mà chúng ta còn giúp về chuyên gia cho họ, Bộ Quốc phòng của Lào và Campuchia để hoạch định chính sách, chiến lược để phòng chống dịch. Không chỉ có Bộ quốc phòng giúp, các Quân khu đều giúp bằng những cái khả năng của mình mà không ảnh hưởng đến dự trữ chiến lược của quân đội. Điều tốt nhất mà chúng tôi nhận được phản hồi là những gì chúng ta giúp bạn thì đều là đúng nhu cầu của bạn và thứ hai là chất lượng tốt."

Không chỉ với các nước trong khối ASEAN, hàng trăm ngàn khẩu trang do Việt Nam sản xuất cũng đã được gửi tặng nhiều nước Trung Quốc, Mỹ, Nga, Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha, Anh…. Lô hàng bảo hộ y tế đầu tiên của DuPont được sản xuất tại Việt Nam cũng đã chuyển giao sang Mỹ tuần trước. Trên Twitter, Tổng thống Donald Trump đã cám ơn 2 doanh nghiệp của Mỹ cùng những người bạn ở Việt Nam.

Ông Bùi Thế Giang Nguyên Phó trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc 

Ông Bùi Thế Giang Nguyên Phó trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc cho rằng: “So với viện trợ của nhiều nước khác và xuất khẩu của nhiều nước khác cho Mỹ, tôi xin nói là chưa thấm tháp gì cả nhưng việc ông Donald trump phát biểu trên Twitter chính thức như vậy tôi thấy nó thể hiện một cái tình cảm không chỉ là của tổng thống Donal trump,  tôi nghĩ đó là tình cảm của nhiều người dân Mỹ. Và không chỉ có riêng người dân Mỹ mà tôi nghĩ rằng nhiều người nước ngoài có chung suy nghĩ như vậy.”. "Ngoại giao của chúng ta bắt đầu bằng cái việc là chúng ta chăm lo cho những người nước ngoài ở Việt Nam. Họ đến Việt Nam sau thời điểm bùng phát dịch. Chúng ta đối xử rất tốt rất nhân đạo  với người nước ngoài.

Với chúng ta nếu có khái niệm ngoại giao y tế thì nó bao gồm nghĩa rộng hơn rất nhiều. Bởi vì đây không chỉ là xã giao mà đây là tình cảm là trái tim, đây là nghĩa cử của chúng ta vừa là để thể hiện tình cảm trước sau của chúng ta với những nước với những bạn bè đã quan hệ tốt với chúng chúng ta trước kia, mà còn là thể hiện trách nhiệm của chúng ta. Tôi nói đến, chính sách đối ngoại của Việt Nam là bạn là đối tác tin cậy và là một thành viên có trách nhiệm."

Trên trang face book của Đại sứ quán Đức sau khi nhận được 110.000 chiếc khẩu trang phòng dịch COVID-19 do Chính phủ Việt Nam tặng Chính phủ Đức.  Vào ngày 8/4 đã viết: “A friend in need is a friend indeed“ (Một người bạn biết giang tay giúp đỡ trong lúc khó khăn là một người bạn đích thực). 

Thư của Ngoại trưởng Italy gửi lời cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam  

Trong thư của Ngoại trưởng Italy gửi lời cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã viết: “Tôi muốn bày tỏ lòng cảm ơn chân thành vì sự ủng hộ của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống lại sự lây lan của dịch COCID-19 ở Italy. Trong thời điểm nhiều thách thức này, tinh thần đoàn kết rộng mở đã được thể hiện ở nhiều cấp độ bởi Chính phủ và các tổ chức xã hội và là minh chứng cho mối quan hệ sâu sắc giữa 2 nước chúng ta.

Chính phủ Italy đang dồn mọi nỗ lực để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, chăm lo đến những người bị ảnh hưởng và giải quyết những hậu quả nghiêm trọng bắt nguồn từ dịch bệnh mang tính toàn cầu này. Sự hỗ trợ của các bạn chắc chắn sẽ đóng góp vào thành công trong hành động của chúng tôi và sẽ giúp đỡ chúng tôi trong quá trình hồi phục sau dịch bệnh. Người dân Italy sẽ luôn ghi nhớ sự nghĩa hiệp và tinh thần đoàn kết mà Việt Nam đã thể hiện trong lúc cần thiết. Cùng đoàn kết, chúng ta sát cánh bên nhau. Cùng đoàn kết, chúng ta sẽ thành công.”

Người Việt có câu "Một miếng khi đói bằng một gói khi no", đạo lý ấy được ứng xử cả ở trong quan hệ quốc tế. Giá trị các lô hàng hỗ trợ có thể không lớn nhưng đến từ sự chân thành, chia sẻ hoạn nạn rất kịp thời, thể hiện rõ nét với thế giới rằng, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng: “Mặc dù Việt Nam chúng ta nguồn lực vẫn còn hạn chế vẫn còn khó khăn nhưng mà chúng ta đã cũng đã hỗ trợ vật tư y tế cho khá nhiều nước chịu tác động nặng nề của dịch cũng như là những nước có quan hệ truyền thống cũng như các nước quan hệ đối tác chiến lược”.

Quyết tâm, nỗ lực cao độ để phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, song Việt Nam cũng luôn hết mình trong hợp tác quốc tế, sẻ chia và giúp đỡ các quốc gia, bạn bè quốc tế. Đó là thông điệp về tình đoàn kết, cam kết và hành động mạnh mẽ của chúng ta trong cuộc chiến cam go với đại dịch hiện nay./.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực