Việt Nam và Thụy Sĩ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tư pháp ​

Thứ bảy, 23/06/2018 12:57
Từ ngày 20-22/6, đoàn đại biểu Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Trần Tiến Dũng dẫn đầu, đã thăm và làm việc tại Thụy Sĩ. Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Phạm Hải Bằng tham dự một số hoạt động của đoàn.


Thứ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Trần Tiến Dũng và người đồng cấp Thụy Sĩ, ông Michael Scholl trao đổi bản ghi nhớ về Hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa hai nước. Ảnh: Hoàng Hoa - TTXVN

Trong chuyến thăm, đoàn đại biểu Bộ Tư pháp đã có buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Tư pháp và Cảnh sát Thụy Sĩ, ông Michael Scholl (Mai-cơn Xcôn). Hai bên đã trao đổi kinh nghiệm thi hành án (bản án của Tòa án trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực dân sự và thương mại), thi hành các quyết định trọng tài (trong nước và quốc tế), so sánh hai hệ thống pháp luật thi hành án của Việt Nam và hệ thống các Văn phòng thu hồi nợ của Thụy Sĩ (thi hành án bằng tiền).

Nhân dịp này, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng và người đồng cấp Michael Scholl đã ký bản ghi nhớ Hợp tác trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp và Cảnh sát Liên bang Thụy Sĩ. Bản ghi nhớ được ký cho giai đoạn đầu tiên trong vòng 4 năm với mục đích tăng cường trao đổi kinh nghiệm xây dựng, thi hành pháp luật và thực thi các công ước quốc tế.

Theo bản ghi nhớ này, hai bên sẽ tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa đại diện các cơ quan trung ương phụ trách việc thực thi các công ước quốc tế của mỗi nước; tham vấn các vấn đề liên quan đến thực thi các công ước quốc tế; tham gia các hội thảo, tọa đàm; cung cấp các tài liệu pháp luật trong đó có các văn bản luật, thông điệp, các bài báo chuyên ngành, án lệ; chia sẻ thông tin pháp luật của mỗi nước.

Trong 2 năm đầu thực hiện bản ghi nhớ, hai bên sẽ phối hợp thực hiện Công ước La Hay ngày 15/11/1965 về tống đạt các văn bản tư pháp và ngoài tư pháp ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự và thương mại. Hai bên sẽ trao đổi kinh nghiệm thực thi các công ước như Công ước La Hay ngày 18/3/1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự và thương mại, Công ước New York ngày 10/6/1958 về công nhận và thi hành các phán quyết của trọng tài nước ngoài; cũng như trao đổi xây dựng Luật tư pháp quốc tế trong đó có việc soạn thảo luật, pháp điển hóa các văn bản quy phạm pháp luật.

Trong khuôn khổ chương trình làm việc tại Thụy Sĩ, đoàn đại biểu Bộ Tư pháp đã thăm Văn phòng thu hồi nợ khu vực Bern (Bơn), tìm hiểu thực tiễn thi hành án, cụ thể là các mô hình, biểu mẫu được sử dụng tại Thụy Sĩ để thực hiện thủ tục thu hồi nợ, đăng ký xác nhận các khoản nợ.../.

Theo TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực