WEF ASEAN 2018: Khẳng định dấu ấn của ngoại giao đa phương Việt Nam

Thứ tư, 12/09/2018 15:54
(ĐCSVN) - Tiếp nối sự thành công của Năm APEC 2017, đăng cai tổ chức WEF ASEAN lần này khẳng định dấu ấn của ngoại giao đa phương Việt Nam năm 2018, thể hiện sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, tham gia kiến tạo và định hình kinh tế khu vực và toàn cầu.


Giáo sư Klaus Schwab (giữa), Người sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới
phát biểu tại một phiên họp

 

Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 hôm nay (12/9) chính thức khai mạc tại Hà Nội với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Tiếp nối sự thành công của Năm APEC 2017, đăng cai tổ chức WEF ASEAN lần này khẳng định dấu ấn của ngoại giao đa phương Việt Nam năm 2018, thể hiện sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, tham gia kiến tạo và định hình kinh tế khu vực và toàn cầu.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) là nơi khởi nguồn của nhiều ý tưởng phát triển mới, sáng tạo mang tầm chiến lược toàn cầu.

 

Nhận thấy cơ hội từ WEF, các nước Đông Nam Á ngày càng tăng cường tham gia vào các sự kiện của tổ chức này. Việt Nam cũng rất tích cực tham gia và tìm kiếm cơ hội từ WEF. Tại Davos tháng 1/2017, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ký thỏa thuận hợp tác với WEF “Phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường trước tương lai”, tập trung vào 6 lĩnh vực gồm kinh tế và xã hội hóa, thương mại-đầu tư qua biên giới, cơ sở hạ tầng, sản xuất, nông nghiệp, an ninh lương thực, giáo dục và bình đẳng giới.

 

Nhận thấy thế giới và khu vực đang đứng trước những cơ hội và thách thức rất lớn về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ở trong nước, Việt Nam cũng đang tìm kiếm những mô hình quản lý phù hợp nhất trong thời kỳ kỷ nguyên số, tìm kiếm những động lực mới cho tăng trưởng. Do vậy, việc Việt Nam đăng cai Hội nghị của WEF lần này không chỉ giúp Việt Nam giải quyết những vấn đề cấp bách trong nước như đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, đào tạo và giải quyết việc làm, thu hẹp khoảng cách phát triển…, mà còn góp phần cùng ASEAN thực hiện mục tiêu xây dựng cộng đồng vững mạnh.

 

Bám sát chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0”, với 60 phiên họp, Hội nghị tập trung thảo luận, đề xuất ý tưởng, định hướng, chính sách khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và sự năng động của doanh nghiệp và người dân. Sự chủ động của nước chủ nhà được đại diện WEF đánh giá cao. Giám đốc WEF khu vực Châu Á-Thái Bình Dương Justin Wood nhận định:  Đây là lần thứ 2 WEF tổ chức tại Việt Nam. Trong 8 năm sau lần đầu tổ chức Hội nghị WEF Đông Á tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam đã có giai đoạn phát triển kinh tế vô cùng ấn tượng và điều này được phản ánh trong quy mô của hội nghị lần này.

Về lý do Diễn đàn Kinh tế Thế giới tổ chức Hội nghị tại Việt Nam, Chủ tịch WEF Borge Brende khẳng định Việt Nam đã và đang phát triển nhiều khía cạnh vững mạnh của nền kinh tế. Việt Nam ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo kinh doanh toàn cầu: Việt Nam là một quốc gia đang phát triển thu hút sự quan tâm của WEF. Các quốc gia và doanh nghiệp quốc tế coi Việt Nam là một đối tác quan trọng. Việc Việt Nam phục hồi sau khủng hoảng tài chính, mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng sự phát triển của Việt Nam rất đáng nể. Tăng trưởng GDP 7%/năm thực sự là con số rất ấn tượng.

Tổ chức WEF ASEAN 2018 là cơ hội để Việt Nam giới thiệu môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy hợp tác kết nối, kinh doanh, đầu tư vào Việt Nam với các chương trình hành động, dự án phong phú, triển khai các cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0. Và trên hết, thông qua sự kiện này, Việt Nam nâng được tầm, vị thế, sự gắn kết của các nước ASEAN với nhau, tạo ra hình ảnh ASEAN đoàn kết, năng động, tự cường trước cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tạo ra được vị thế lớn hơn cho ASEAN trong hội nhập quốc tế cũng như tranh thủ cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cho phát triển. 

Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng, người có nhiều năm gắn bó với WEF và là người có công lớn đưa hợp tác WEF và Việt Nam phát triển, cho rằng: Chúng ta là thành viên đi sau của ASEAN nhưng trong việc tranh thủ WEF thì chúng ta là nước đi đầu. Tổ chức WEF ASEAN là một sáng kiến tuyệt vời, thể hiện cam kết của Việt Nam trong khu vực, không chỉ vì lợi ích của mình mà vì lợi ích cả khu vực. Năm 2020 chúng ta là nước chủ nhà ASEAN thì đây là cơ hội chuẩn bị tốt, thể hiện sự chủ động và tầm nhìn lớn hơn của Việt Nam.

Hội nghị WEF ASEAN 2018 tại Việt Nam là sự kiện đối ngoại quan trọng nhất trong năm 2018. Hội nghị tạo động lực mới thúc đẩy hội nhập quốc tế, góp phần khẳng định vai trò, vị thế và đóng góp tích cực của Việt Nam trong ASEAN, cũng như khẳng định đóng góp tích cực của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, tham gia kiến tạo và định hình kinh tế khu vực và toàn cầu./.

Mạnh Hùng - Ánh Huyền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực