WHO kêu gọi thúc đẩy chương trình Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân

Chủ nhật, 08/04/2018 14:18
Nhân "Ngày Sức khỏe thế giới" lần thứ 69, ngày 7/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi các nhà lãnh đạo đưa ra những cam kết cụ thể nhằm thúc đẩy chương trình Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC), đảm bảo tới năm 2030 mọi người ở mọi nơi đều có thể tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng, cần thiết mà không phải đối mặt với gánh nặng về tài chính.
Trẻ em mắc bệnh bạch hầu được điều trị tại bệnh viện ở Sanaa, Yemen ngày 22/11/2017.
Ảnh: AFP/TTXVN

Một trong những nguyên tắc cơ bản và cũng là thông điệp truyền đi năm nay của WHO trong "Ngày Sức khoẻ thế giới" là: "Được hưởng tiêu chuẩn tốt nhất về sức khỏe là một trong những quyền cơ bản của mỗi con người, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, tín ngưỡng chính trị, hoặc điều kiện kinh tế - xã hội". Theo số liệu thống kê của WHO, ít nhất một nửa dân số thế giới ngày nay không nhận được đầy đủ các dịch vụ y tế thiết yếu mà họ cần. Khoảng 100 triệu người đang bị đẩy vào cảnh nghèo đói với thu nhập dưới 1,9 USD/ngày do phải thanh toán các dịch vụ y tế. Hơn 800 triệu người, chiếm gần 12% dân số thế giới, dành ít nhất 10% thu nhập gia đình cho các chi phí y tế bản thân.

Trong khi đó, chi phí toàn cầu cho sức khỏe đang gia tăng nhanh hơn tốc độ phát triển kinh tế. Năm 2015, thế giới chi 7,3 nghìn tỷ USD cho mục đích này, chiếm gần 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2015, tốc độ tăng chi phí cho sức khỏe hàng năm là 4%, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới chỉ có 2,8%. Tài chính công là nguồn chi chủ yếu để đạt được mức bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Tại các quốc gia có thu nhập cao, nguồn tài chính công trong chi phí y tế hiện nay đã tăng từ 66 đến 70%, trong khi ở các quốc gia có thu nhập trung bình tăng từ 48 đến 51%. Còn ở các nước có thu nhập thấp, tỷ lệ này lại giảm từ 30 đến 22%.

Mặc dù khẳng định UHC không có nghĩa là tất cả các can thiệp y tế đều được miễn phí, song theo WHO, phổ biến chương trình UHC có nghĩa là tất cả các cá nhân và cộng đồng đều nhận được các dịch vụ y tế cần thiết mà không gặp khó khăn về tài chính, trong đó bao gồm đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ thiết yếu, có chất lượng, từ tuyên truyền sức khoẻ cho đến chăm sóc dự phòng, điều trị và phục hồi chức năng. Ngoài ra, người dân còn được hưởng tất cả những dịch vụ khác của hệ thống y tế như hệ thống cung cấp dịch vụ y tế, nhân lực, các hệ thống thông tin, các công nghệ y tế, mạng lưới liên lạc và thiết bị y tế, các cơ chế đảm bảo chất lượng, quản lý và đúng luật pháp. Để thực hiện mục tiêu UHC, cần rất nhiều giải pháp đồng bộ, từ phát triển cơ sở y tế, đội ngũ nhân viên tới thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân.

WHO cho rằng UHC không chỉ là đảm bảo một gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe tối thiểu, mà còn đảm bảo việc mở rộng phạm vi bao phủ của các dịch vụ y tế. Tổng Giám đốc WHO Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus (Tê-đrốt A-đhan-nôm Ghê-bree-i-ê-xút) khẳng định: "Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là một sự lựa chọn chính trị, cần có tầm nhìn và tư duy dài hạn. Trách nhiệm của mỗi quốc gia và chính phủ quốc gia là theo đuổi nó"./.

Theo TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực