Xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện, cởi mở

Thứ sáu, 25/01/2019 22:00
Thủ tướng khẳng định: Chính phủ Việt Nam vẫn đang kiên định thực hiện kiến tạo phát triển, xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện và cởi mở; tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ với nhiều tập đoàn lớn vươn ra hoạt động ở nước ngoài.
Tiếp tục chương trình làm việc tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos (Đa-vốt), Thụy Sĩ, ngày 25/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo các tập đoàn quốc tế hàng đầu về tài chính - hạ tầng như Visa, Generali, Bank Julius Baer, Quỹ đầu tư Dubai và Ngân hàng phát triển Nhật Bản... 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với
các nhà đầu tư hàng đầu của Thụy Sỹ. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giới thiệu tổng quan về tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay. Đó là lần đầu tiên kể từ năm 2008, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 7,1%, nằm trong nhóm nước tăng trưởng cao nhất khu vực và toàn cầu; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát; thị trường tiền tệ ổn định; khẳng định Chính phủ vẫn đang kiên định thực hiện kiến tạo phát triển, xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện và cởi mở, thường xuyên đối thoại, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp và người dân; tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ với nhiều tập đoàn lớn vươn ra hoạt động ở nước ngoài.

Tham dự buổi làm việc, hầu hết các doanh nghiệp đánh giá cao những thành tựu mà nền kinh tế - tài chính Việt Nam đã đạt được, cũng như bày tỏ hy vọng rằng trong thời gian tới Thủ tướng và Chính phủ tiếp tục có những biện pháp, hành động quyết liệt hơn để ổn định nền tài chính, tạo môi trường chủ động, tự do cho các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
 
* Bên lề Hội nghị Davos, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp với Tổng thống Thụy Sỹ Ueli Maurer (Uê-li Mau-rơ). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn coi trọng củng cố, tăng cường quan hệ với Thụy Sĩ, cũng như bày tỏ hài lòng về quan hệ hai nước thời gian qua phát triển tốt đẹp; cảm ơn Thụy Sĩ ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021; cảm ơn Thụy Sỹ đã cam kết 90 triệu USD ODA cho Việt Nam trong giai đoạn 2017-2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Thụy Sĩ Ueli Maurer. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN )

Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ lựa chọn các dự án phù hợp để sử dụng nguồn ODA một cách hiệu quả và hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt là tại Liên hợp quốc nhằm bảo đảm thượng tôn pháp luật, hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.
 
Thủ tướng mong muốn ngày càng có nhiều doanh nghiệp Thụy Sỹ đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Thụy Sỹ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, công nghiệp chế tạo, dược phẩm, du lịch..; đồng thời mong muốn Thụy Sỹ và Khối Thương mại Tự do Châu Âu (EFTA) có cách tiếp cận linh hoạt, phù hợp với thực tế để sớm thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp hai bên.
 
* Tại buổi tiếp Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (Mác Rút-tơ), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tiến triển tích cực của quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Hà Lan, nhất là trong các khuôn khổ Đối tác chiến lược về Thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước và Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực.
 
Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn trân trọng hỗ trợ của Hà Lan trong lĩnh vực môi trường, giáo dục, nông nghiệp và mong Hà Lan tiếp tục quan tâm hỗ trợ Việt Nam qua các chương trình mới.
 
Thủ tướng mong muốn Hà Lan thúc đẩy EU sớm ký chính thức và phê chuẩn EVFTA; ủng hộ hòa bình và ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

* Tại cuộc gặp Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis (An-đrê Ba-bít), hai bên bày tỏ vui mừng về sự phát triển tích cực của quan hệ hai nước; khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác đã ký giữa hai nước trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học...
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Chính phủ Cộng hòa Séc đã tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam sở tại hòa nhập, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Séc và làm cầu nối cho quan hệ hai nước ngày càng gắn bó.
 
Thủ tướng mong muốn Cộng hòa Séc tiếp tục ủng hộ, thúc đẩy quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU; sớm thúc đẩy ký EVFTA để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên thời gian tới.
 
Thủ tướng đề nghị Cộng hòa Séc ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
 
Thủ tướng Andrej Babis nhấn mạnh Séc coi trọng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống với Việt Nam; khẳng định Chính phủ Cộng hòa Séc tiếp tục chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam cũng như các doanh nghiệp Việt Nam tại Cộng hòa Séc.
 
*Bên lề Hội nghị Diễn đàn WEF Davos 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với nguyên Giám đốc điều hành WEF Philipp Rosler (Phi-líp Rô-slơ) và các nhà đầu tư hàng đầu của Thụy Sỹ.
 
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn cấp cao Việt Nam đã tới Sân bay quốc tế Zurich, lên đường về nước, kết thúc thành công chuyến tham dự WEF Davos 2019./.
Quang Vũ/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực