Xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân

Thứ sáu, 25/09/2020 14:45
(ĐCSVN) – Ngày Quốc tế xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân (26/9) là dịp nâng cao nhận thức của mọi người về những hiểm họa từ vũ khí hạt nhân, từ đó, đề cao những hành động cụ thể để biến mục tiêu này trở thành hiện thực.
Mái vòm Bom nguyên tử ở Hiroshima - một lời nhắc nhớ về sức tàn phá hủy diệt của vũ khí hạt nhân. (Ảnh: timeanddate)

Nâng cao nhận thức...

Sau cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc về giải trừ vũ khí hạt nhân, được tổ chức ngày 26/9/2013, Ủy ban Thứ nhất của Đại hội đồng Liên hợp quốc – phụ trách giải trừ vũ khí hạt nhân – đã thông qua Nghị quyết 68/32, theo đó yêu cầu các cuộc đàm phán bắt đầu sớm nhất có thể, trong khuôn khổ Hội nghị giải trừ quân bị.

Tại nghị quyết này, Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng đã tuyên bố lấy ngày 26/9 để kỷ niệm Ngày quốc tế xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân và ngày kỷ niệm này nhằm nâng cao nhận thức của mọi người và thúc đẩy mục tiêu loại bỏ vũ khí hạt nhân. Nhân dịp này, nhiều hoạt động được tổ chức nhằm vận động và thông tin về các mối đe dọa mà vũ khí hạt nhân gây ra cho nhân loại và sự cần thiết phải loại bỏ chúng hoàn toàn, huy động cộng đồng quốc tế để đạt được các mục tiêu chung là xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Với nghị quyết 69/58 công bố năm 2014, Đại hội đồng Liên hợp quốc tiếp tục tỏ rõ quyết tâm tổ chức các sự kiện kỷ niệm Ngày quốc tế xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, đồng thời yêu cầu Tổng thư ký Liên hợp quốc và Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc tiến hành mọi thủ tục cần thiết để kỷ niệm và thúc đẩy ngày này, bao gồm cả việc triệu tập cuộc họp hàng năm của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Trong các năm tiếp theo, yêu cầu này đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc nhắc lại trong các nghị quyết 70/34, 71/71, 72/251, 73/40, và 74/54.

Kể từ năm 2014, Ngày quốc tế xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân đã trở thành một sự kiện được tổ chức thường niên. Căn cứ vào các nghị quyết đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua, các quốc gia thành viên, Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ, các học viện, các nghị sỹ, các phương tiện truyền thông đại chúng và các cá nhân… đều được khuyến khích tham gia vào các sự kiện kỷ niệm và tuyên truyền, quảng bá về Ngày quốc tế xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, để từ đó nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng về mối đe dọa của vũ khí hạt nhân đối với nhân loại, cũng như sự cần thiết phải loại bỏ hoàn toàn chúng.

Hàng năm, Liên hợp quốc đều tổ chức các sự kiện ở New York (Mỹ) và Geneva (Thụy Sĩ) để kỷ niệm Ngày quốc tế xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, các trung tâm thông tin của Liên hợp quốc cũng được thành lập tại nhiều nơi trên thế giới để tăng cường nâng cao nhận thức về Ngày quốc tế xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Dịp kỷ niệm Ngày quốc tế xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân năm nay diễn ra vào đúng thời điểm 20 năm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) có hiệu lực.

Và tiếp tục thúc đẩy ưu tiên giải trừ vũ khí hạt nhân trên toàn cầu

Giải trừ vũ khí hạt nhân là một trong những mục tiêu sớm nhất mà Liên hợp quốc đã đề ra và cũng đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc nhấn mạnh trong nghị quyết đầu tiên năm 1946. Trong nhiều năm qua, Liên hợp quốc đã thể hiện vai trò đi đầu trên mặt trận ngoại giao để thúc đẩy giải trừ vũ khí hạt nhân, và điều này đã được thể hiện qua những hành động và nỗ lực cụ thể của mỗi Tổng thư ký Liên hợp quốc. Đáng chú ý là vào năm 2008, cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã công bố kế hoạch 5 điểm hướng tới mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân.

Thế kỷ XX đã phải chứng kiến sự tàn phá khủng khiếp của vũ khí hạt nhân, chứng kiến cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ráo riết về mọi mặt, gây ra căng thẳng trong đời sống quốc tế, tiêu phí những nguồn lực lẽ ra có thể dành cho phát triển và đặt thế giới trước mối hiểm họa hủy diệt chưa từng có. Cũng trong thế kỷ XX, nhiều chính phủ, tổ chức và cá nhân đã tham gia vào một phong trào thế giới đòi thủ tiêu vũ khí hạt nhân, chống chiến tranh hạt nhân và bảo vệ hòa bình. Tuy nhiên, sau một hành trình dài mà chúng ta đã đi qua, ngày nay, mối đe dọa vẫn còn đeo đẳng khi khoảng 13.400 vũ khí hạt nhân còn hiện hữu trên trái đất. Trong khi chỉ 1 vũ khí hạt nhân trong số này được ấn nút “rời khỏi bệ phóng” cũng sẽ để lại những hậu quả tàn khốc, có thể san phẳng cả một thành phố, hủy hoại môi trường tự nhiên và cuộc sống của các thế hệ tương lai.

Đáng lo ngại là hiện nay, nhiều nước sở hữu vũ khí hạt nhân thậm chí còn có động thái tăng cường đầu tư, vạch ra các chiến lược dài hạn để hiện đại kho vũ khí vì những toan tính riêng. Hơn một nửa dân số trên thế giới đang sống tại các nước hoặc là sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc tham gia vào các liên minh hạt nhân. Cho dù số nước triển khai vũ khí hạt nhân đã giảm đáng kể từ sau chiến tranh Lạnh, song chưa có vũ khí hạt nhân nào từng bị phá hủy dựa trên tinh thần của một bản Hiệp ước và hiện cũng chưa có tiến trình đàm phán về giải trừ vũ khí hạt nhân nào đang diễn ra. Sau sự đổ vỡ của Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 2019, tương lai của Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) cũng đang bị bỏ ngỏ. Việc START mới không được gia hạn sau khi hết hiệu lực vào tháng 2/2021 sẽ khiến năng lực hạt nhân của hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới là Nga và Mỹ bị đẩy vào trạng thái “rơi tự do” kể từ những năm 1970 trở lại đây. Tiến độ chậm chạp trong việc triển khai các hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân giữa các nước thành viên đang ngày càng làm dấy lên những lo ngại về hậu quả nhân đạo thảm khốc nếu như chỉ một vũ khí hạt nhân được sử dụng, chứ chưa nói đến nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh hạt nhân trong phạm vi toàn cầu hay khu vực.

Chính vì thế, việc Đại hội đồng Liên hợp quốc lấy ngày 26/9 hàng năm là Ngày quốc tế xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân được coi là dịp để cộng đồng thế giới tái khẳng định cam kết ưu tiên giải trừ vũ khí hạt nhân trên toàn cầu; nâng cao nhận thức về lợi ích của việc xóa bỏ vũ khí hạt nhân cũng như những chi phí kinh tế-xã hội nếu như sử dụng các loại vũ khí này. Việc Liên hợp quốc tổ chức các sự kiện kỷ niệm Ngày quốc tế xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân hàng năm đóng vai trò quan trọng để giải quyết một trong những vấn đề thách thức lớn nhất của nhân loại, xây dựng nên một thế giới an ninh, hòa bình – nơi vũ khí hạt nhân không còn hiện hữu.

Một số cột mốc đáng chú ý:

Năm 1945: Hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản chỉ còn là một đống đổ nát hoang tàn sau thảm họa bom nguyên tử. Ước tính đã có 213.000 người bỏ mạng ngay sau khi các quả bom nguyên tử được dội xuống 2 thành phố lớn của Nhật Bản.

Năm 1946: Trong nghị quyết đầu tiên được đưa ra, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã xác định giải trừ vũ khí hạt nhân là một mục tiêu hàng đầu của Liên hợp quốc.

Năm 1959: Đại hội đồng Liên hợp quốc kết luận giải trừ vũ khí hạt nhân là một phần trong một mục tiêu toàn diện hơn và được thực hiện dưới sự kiểm soát quốc tế hiệu quả (nghị quyết 1378). Đây cũng là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên hợp quốc được toàn bộ các nước thành viên Liên hợp quốc bảo trợ.

Năm 1963: Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân trong khí quyển, ngoài vũ trụ và dưới nước, còn được biết đến với tên gọi Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân một phần đã được mở ký. Sau nhiều năm đàm phán dai dẳng, Liên bang Xô viết lúc bấy giờ, Anh và Mỹ đã một lần nữa, khẳng định tính cấp bách mới của Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.

Năm 1967: Sự xuất hiện của một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân và Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 đã thôi thúc chính phủ các nước Mỹ Latinh đàm phán về Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân tại Mỹ Latinh và Caribe (Hiệp ước Tlatelolco).

Năm 1985: Nam Thái Bình Dương trở thành khu vực thứ hai không có vũ khí hạt nhân theo Hiệp ước Rarotonga.

Năm 1992: Thông qua Nghị định thư Lisbon về Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START 1), Belarus, Kazakhstan và Ukraine tự nguyện từ bỏ vũ khí hạt nhân mà các nước này sở hữu sau khi Liên bang Xô viết tan rã.

Năm 1995: Đông Nam Á trở thành khu vực thứ 3 không có vũ khí hạt nhân theo Hiệp ước Bangkok.

Năm 1996: Châu Phi trở thành khu vực thứ 4 không có vũ khí hạt nhân theo Hiệp ước Pelindaba. Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện được mở ký.

Năm 2006: Trung Á trở thành khu vực thứ 5 không có vũ khí hạt nhân.

Năm 2010: Tại Hội nghị đánh giá Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), các bên tham gia đã thông qua kế hoạch hành động 64 điểm với 3 trụ cột: Giải trừ vũ khí hạt nhân, không phổ biến vũ khí hạt nhân và sử dụng năng lượng hạt nhân vì những mục tiêu hòa bình.

Năm 2013: Đại hội đồng Liên hợp quốc đã triệu tập phiên họp cấp cao đầu tiên về giải trừ vũ khí hạt nhân. Nhân sự kiện này, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết 68/32, tuyên bố lấy ngày 26/9 hàng năm là Ngày Quốc tế xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.

Năm 2016: Đại hội đồng Liên hợp quốc vận dụng nghị quyết 70/33, triệu tập phiên họp kết thúc mở lần 2 về thúc đẩy tiến trình đàm phán giải trừ vũ khí hạt nhân đa phương.

Năm 2017: Hiệp ước NPT được thông qua. Đây là công cụ pháp lý đa phương đầu tiên về giải trừ vũ khí hạt nhân và là kết quả của tiến trình đàm phán kéo dài 20 năm. 

Ngày 22/9/2017, tại Trụ sở Liên hợp quốc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã ký Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân. Việc sớm ký Hiệp ước đã thể hiện rõ chính sách nhất quán của Việt Nam vì hòa bình, ủng hộ việc giải trừ vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới.

 

Thu Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực