Xóa bỏ tư tưởng buông xuôi trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Thứ ba, 11/06/2019 16:07
(ĐCSVN) - Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị cả hệ thống chính trị cần nỗ lực hơn nữa, xóa bỏ tư tưởng buông xuôi trong các khâu thực hiện. Cần nâng cao nhận thức của tất cả các cấp về chống dịch. Đặc biệt phải làm tốt công tác tuyên truyền để người dân không được giấu dịch…

Thừa Thiên Huế: Dịch tả lợn châu Phi đã “tấn công” hơn 1.000 hộ chăn nuôi

Đồng Nai hỗ trợ người dân bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi


Đoàn công tác kiểm tra tại chốt kiểm dịch phòng chống dịch tả lợn châu Phi Quốc Oai.
(Ảnh: TH)

Sáng 11/6, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố (TP) Hà Nội và đoàn công tác TP  đã tới kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện Quốc Oai.

620 tỷ đồng hỗ trợ lợn phải tiêu hủy

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội, tính đến 9/6, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 21.286 hộ chăn nuôi (chiếm 26,3% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi)/2.093 thôn, tổ dân phố/435 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã; đã tiêu hủy 353.777 con (chiếm 18,9% tổng đàn), với trọng lượng 24.292 tấn.

Hiện, đã tiêu hủy lợn tại 66 hộ, cơ sở chăn nuôi từ 200 con trở lên. Trong đó, hộ chăn nuôi lớn nhất phải tiêu hủy là 5.197 con của hộ ông Nguyễn Văn Vinh (thôn Lương Phúc, xã Việt Long, huyện Sóc Sơn), nguyên nhân do nhập đàn trái quy định; UBND huyện, xã đã ra quyết định xử phạt hành chính 8 triệu đồng.

Một số địa phương phải tiêu hủy số lượng lợn mắc bệnh lớn như: Sóc Sơn 63.976 con, chiếm 52,2% tổng đàn của huyện; Đông Anh 34.210 con, chiếm 43,2% tổng đàn lợn của huyện; Quốc Oai 27.027 con, chiếm 42,2% tổng đàn của huyện; Chương Mỹ 24.336 con, chiếm 10% tổng đàn của huyện.

Kinh phí hỗ trợ lợn phải tiêu hủy khoảng 620 tỷ đồng; kinh phí các quận huyện chi cho công tác phòng chống dịch bệnh (vôi bột, hóa chất, vật tư, nhân công…) là khoảng trên 200 tỷ đồng.

21/21 xã của huyện Quốc Oai có lợn mắc dịch

Tại huyện Quốc Oai, báo cáo với đoàn công tác, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Đỗ Huy Chiến cho biết, huyện có tổng đàn gia súc gia cầm lớn, trong đó đàn lợn có 64.051 con (của 3.459 hộ chăn nuôi 56.551 con và 4 doanh nghiệp liên doanh 7.700 con).

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi làm việc với huyện Quốc Oai. (Ảnh: TH)

Ngày 11/3/2019, trên địa bàn huyện Quốc Oai đã xuất hiện ổ dịch đầu tiên tại xã Yên Sơn và Phượng Cách. Sau gần 3 tháng, bệnh dịch đã xảy ra tại 21/21 xã, thị trấn với 2.146/3.459 hộ chăn nuôi (chiếm 62% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi); tổng số lợn phải tiêu hủy là 26.782 con (chiếm 41,8% tổng đàn), trọng lượng tiêu hủy 1.370 tấn. Các xã có ổ dịch bùng phát nhiều và phải tiêu hủy số đầu gia súc lớn gồm: Hòa Thạch, Thạch Thán, Đông Yên.

Để đối phó với dịch tả lợn châu Phi, UBND huyện đã thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh và thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Chính phủ, Trung ương, TP và huyện; thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và tập trung chỉ đạo 11 giải pháp. Trong đó, huyện đã rà soát, thống kê tổng đàn lợn hiện có và các hộ kinh doanh, giết mổ lợn, tổng hợp biến động đàn lợn, báo cáo tình hình dịch bệnh về UBND huyện vào 14 giờ hằng ngày; tổ chức họp, tập huấn kỹ thuật, các biện pháp phòng chống dịch bệnh và yêu cầu các hộ chăn nuôi, giết mổ kinh doanh chế biến thịt lợn phải cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh; thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời với 4-5 chốt/ xã, thị trấn; huyện cũng thực hiện vệ sinh tiêu độc môi trường trên toàn huyện; nghiêm cấm các hộ chăn nuôi mua lợn từ bên ngoài để tăng đàn…

Đến ngày 8/6, UBND huyện đã chi hỗ trợ trực tiếp cho 825 hộ có lợn bị tiêu hủy, đảm bảo trong thời gian 5 ngày theo đúng chỉ đạo của thành phố với số tiền 26,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng và nguồn kết dư của huyện; còn lại 1.316 hộ có lợn bị tiêu hủy với kinh phí 24,7 tỷ đồng chưa được hỗ trợ do nguồn ngân sách dự phòng của huyện đã sử dụng hết.

Theo ông Đỗ Huy Chiến, công tác khống chế dịch bệnh không đạt mục tiêu đề ra do bệnh chưa có vắcxin phòng bệnh; trên địa bàn huyện có nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không có cơ sở giết mổ tập trung, do vậy hạn chế trong việc áp dụng đồng bộ các biện pháp chống dịch. Ngoài ra, số lượng lợn bị dịch bệnh phải tiêu hủy kéo dài nên các xã, thị trấn rất khó khăn trong việc bố trí vị trí, huy động lực lượng, phương tiện tham gia tiêu hủy…

UBND Huyện Quốc Oai đề nghị TP ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ đối với các hộ chăn nuôi có lợn mắc dịch khi thực hiện chuyển đổi ngành nghề chăn nuôi; tăng mức hỗ trợ kinh phí cho những người tham gia phòng chống dịch và bổ sung kinh phí hỗ trợ các hộ có lợn bị tiêu hủy…

"Chống dịch như chống giặc"

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho rằng, cả hệ thống chính trị của TP đã vào cuộc trong việc chống dịch. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng huyện Quốc Oai đã sáng tạo trong việc triển khai, nhất là trong công tác tuyên truyền để người dân tự nhận thức chăm sóc đàn lợn chống lại dịch. Huyện cũng làm tốt công tác cách ly, hướng dẫn người dân, khoanh vùng dập dịch và kiểm soát ra vào vùng dịch với phương châm "chống dịch như chống giặc". Tuy nhiên, trước tình hình dịch vẫn có nhiều yếu tố phức tạp, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu đề nghị cần quyết liệt hơn tại các địa phương, đặc biệt cần đẩy mạnh kiểm soát dịch, kiểm soát nguồn nước, công khai và tiếp tục tiêu lợn dịch theo đúng quy trình, đặc biệt là không để các hộ tự chôn lấp lợn mắc dịch….

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá cao sự nỗ lực, chấp hành nghiêm túc các chỉ thị của Trung ương, thành phố trong công tác phòng chống bệnh dịch tả lơn châu Phi tại các địa phương và huyện Quốc Oai. Các giải pháp chống dịch đã đưa ra và được thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên đến nay, Hà Nội là địa phương thiệt hại lớn thứ hai cả nước với gần 19% tổng đàn lợn. Việc mắc dịch vẫn tiếp tục lây lan tại các quận, huyện cho thấy tính chất của bệnh dịch rất nguy hiểm, lan nhanh nhưng chưa có vắc xin và thuốc đặc hiệu.

Phân tích rõ các hạn chế trong thời gian qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng công tác tuyên truyền vẫn chưa được rộng khắp, nhiều hộ dân còn chủ quan; các lò mổ thủ công, nhỏ lẻ số lượng lớn chưa kiểm soát được hết; công tác kiểm tra tại các chốt chưa kiểm soát được... Còn tình trạng người dân tự chôn lợn, vứt xác lợn chết ra sông suối, bảo vệ môi trường chưa tốt; các cơ chế kèm theo chống dịch cũng còn chưa phù hợp…

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải động viên hộ gia đình có lợn bị tiêu hủy. (Ảnh: TH)

Bí thư Hoàng Trung Hải nhận định, những nỗ lực chống dịch trong thời gian qua đã có dấu hiệu tốt khi tốc độ lây lan giảm, từ thời điểm mỗi ngày có 8-10 nghìn con lợn bị tiêu hủy nay đã xuống còn 3-4 nghìn con/ngày, đến nay có 9 xã của 7 quận, huyện đã qua 30 ngày không tái dịch…. Do đó, cả hệ thống chính trị cần nỗ lực hơn nữa, xóa bỏ tư tưởng buông xuôi trong các khâu thực hiện. Cần nâng cao nhận thức của tất cả các cấp về chống dịch. Đặc biệt phải làm tốt công tác tuyên truyền để người dân không được giấu dịch; không mua bán vận chuyển lợn chết; không mua, bán, vận chuyển lợn dịch; không vứt lợn gây ô nhiễm môi trường, không sử dụng thức ăn dư thừa...

Bí thư Hoàng Trung Hải  yêu cầu cần kiểm tra chặt chẽ các chốt kiểm dịch, tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông ở các đầu mối để kiểm soát chặt chẽ các lò mổ và các biện pháp phòng ngừa... Tăng cường tiêu độc khử trùng đảm bảo môi trường sống cho người dân. Các ngành tiếp tục nghiên cứu đề xuất các biện pháp cơ cấu đàn cho người dân…

Trước buổi làm việc, đoàn công tác TP Hà Nội đã đi kiểm tra công tác phòng dịch tại hộ ông Nguyễn Văn Trường (ở thôn Yên Thái, xã Đông Yên); thăm động viên hộ đã tiêu hủy lợn và kiểm tra hộ đã tiêu hủy, đang tiêu hủy tại khu nghĩa trang thôn Yên Thái./.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực