Xúc tiến đầu tư quốc tế ngành Thông tin và Truyền thông Việt Nam năm 2017

Thứ tư, 18/10/2017 16:48
(ĐCSVN) - Ngày 18/10, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Tin học Việt Nam, Hiệp hội Internet Việt Nam, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư quốc tế ngành TT&TT Việt Nam năm 2017. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và phát biểu tại Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có hơn 500 đại biểu gồm đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành và các hiệp hội, doanh nghiệp CNTT-TT Việt Nam; đại diện các Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, lãnh đạo các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài.

Hội nghị xúc tiến đầu tư quốc tế ngành TT&TT Việt Nam năm 2017 (Vietnam ICT Investment Forum – VIF) 2017 là sự kiện thường niên thuộc chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia và VIF 2017 có chủ đề “Thu hút đầu tư trong tiến trình chuyển đổi kinh tế số”. Hội nghị được tổ chức nhằm tham vấn chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và thúc đẩy phát triển bền vững trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế số; thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, kết nối các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài với các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT, đặc biệt là thương mại điện tử, smart city, IoT và các doanh nghiệp start-ups.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Xuân Lộc

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Kinh tế số đang ngày càng trở nên quan trọng với nền kinh tế toàn cầu chứ không chỉ riêng ở Việt Nam. Sự chuyển đổi kinh tế số là yếu tố hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của một quốc gia và là nền tảng để tăng năng suất cho các ngành nghề kinh tế khác, cũng như tạo ra các cơ hội đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp và phương thức tiếp cận thị trường mới. Tại Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương đang hết sức nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thu hút đầu tư trong lĩnh vực này. Và Chính phủ đã đề nghị các bộ, ngành có những bước đi mạnh mẽ hơn liên quan đến việc chuẩn bị nhân lực. Gần đây, các hiệp hội đã phối hợp với các bộ để đề ra một chương trình đào tạo nhân lực CNTT, cho phép áp dụng những quy định có tính đặc thù đối với đào tạo CNTT chất lượng cao, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn đang đặt ra và hướng tới tiêu chuẩn quốc tế.

Phó Thủ tướng cho biết thêm, trong quá trình thu hút đầu tư, Việt Nam đã trở thành điểm đến của các nhà đầu tư CNTT nước ngoài. Để Việt Nam tiếp tục trở thành điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0, việc rà soát và cập nhật chính sách thu hút đầu tư cần trở thành một nội dung quan trọng trong tiến trình số hóa của quốc gia. Phó Thủ tướng lưu ý, trong nền kinh tế số hiện nay, dữ liệu là một trong những nguồn lực đặc biệt quan trọng. Chính phủ và các ngành đang thực hiện nhiều công việc để tập hợp dữ liệu, tạo thành nguồn tài nguyên chung để tất cả cùng khai thác, tìm kiếm cơ hội lập nghiệp. Tuy nhiên, yếu tố con người vẫn là then chốt.

Vì vậy, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, trong đó có Bộ TT&TT rà soát lại các quy định để tạo môi trường thông thoáng nhất cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT trên tinh thần tận dụng tốt thế mạnh của CNTT, của nền kinh tế số, sử dụng tốt hơn nguồn lực về CNTT-TT. Mặt khác, vấn đề an toàn an ninh thông tin cũng như kinh doanh dịch vụ qua biên giới đang là xu thế, nhưng nếu quản lý không tốt sẽ dẫn tới bất bình đẳng, thể hiện rõ nhất là việc thất thu thuế. Điểm nữa, Chính phủ đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong đào tạo nhân lực CNTT, cho phép áp dụng các quy định có tính đặc thù như khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo, phối hợp với các cơ sở đào tạo để sát với thực tế hơn. Một điểm lưu ý khác là các doanh nghiệp lớn đầu tư vào Việt Nam cần môi trường đầu tư, cần ưu đãi về thuế, nhưng đối với các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt siêu nhỏ phải tạo điều kiện thông thoáng để phát triển.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong rằng sau hội nghị này sẽ có thêm nhiều dự án đầu tư, cả về sản xuất công nghiệp phần cứng, phần mềm cũng như các dự án đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ CNTT trên tất cả mọi lĩnh vực sẽ được các nhà đầu tư, tổ chức và cá nhân mạnh dạn dấn thân…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chứng kiến Lễ ký kết hợp tác đầu tư tại Hội nghị. Ảnh: Xuân Lộc

Theo thông tin từ Ban Tổ chức, kinh tế số đang ngày càng trở nên quan trọng với nền kinh tế toàn cầu. Sự chuyển đổi kinh tế số là yếu tố hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của một quốc gia, và là nền tảng để tăng năng suất cho các ngành nghề kinh tế khác, cũng như tạo ra các cơ hội đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp và phương thức tiếp cận thị trường mới. Trong quá trình thu hút đầu tư, Việt Nam đã trở thành điểm đến của các nhà đầu tư CNTT-TT nước ngoài, năm 2016 tổng doanh thu trong lĩnh vực công nghiệp CNTT đạt 67,693 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 60,789 tỷ USD, trong đó các nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn.

Tại Hội nghị, VIF 2017 bàn thảo và thông qua các khuyến nghị của các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước về các nội dung chính sau: Các khuyến nghị đối với chính sách thông tin và truyền thông và các chính sách liên quan của Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu đầu tư, kinh doanh trong nền kinh tế số. Trong đó, rà soát lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp đa quốc gia (MNEs) trong nền kinh tế số; Cập nhật các quy định quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy đầu tư đối với các doanh nghiệp số trong nước; Đề xuất các biện pháp nền tảng để thúc đẩy đầu tư phát triển nền kinh tế số liên quan tới khung pháp lý, đầu tư hạ tầng, phát triển sản phẩm và dịch vụ số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực trong nền kinh tế số. Đặc biệt là các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp số Việt Nam phát triển; Đánh giá tiềm năng thị trường kinh tế số của Việt Nam, nhìn nhận các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng số, như mô hình kinh tế chia sẻ và đưa ra các biện pháp thúc đẩy thị trường trong các lĩnh vực của nền kinh tế số, bao gồm thương mại điện tử, khởi nghiệp sáng tạo, kinh tế chia sẻ và các dịch vụ đô thị thông minh trên nền ICT. Từ đó phân tích cơ hội và thách thức trong việc thu hút đầu tư trong kinh tế số tại Việt Nam.

Hội nghị có 3 hoạt động chính gồm Diễn đàn, Triển lãm ICT và Kết nối (Business Networking). Diễn đàn là kênh đối thoại trực tiếp giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, hiệp hội và nhà đầu tư trong lĩnh vực CNTT-TT (ICT) và được chia ra làm 2 phiên gồm: Chính sách về ICT hướng tới thu hút đầu tư trong nền kinh tế số; Thị trường kinh tế số: Thách thức và cơ hội đầu tư.

Triển lãm tổ chức song song với Diễn đàn, gồm các gian hàng của các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp ICT hàng đầu của Việt Nam giới thiệu sản phẩm, dịch vụ CNTT-TT trong các lĩnh vực kinh tế chia sẻ, đô thị thông minh (smartcity) và IoT, giải pháp hạ tầng viễn thông và internet, thương mại điện tử (e-commerce) và khởi nghiệp (start-ups). Ngoài ra còn có các gian hàng của các địa phương như Hà Nội, Thanh Hóa... giới thiệu về kế hoạch ứng dụng và phát triển CNTT-TT của địa phương.

Phiên kết nối (Business Networking) có sự tham gia của 50 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Phiên họp sẽ kết nối các nhà đầu tư, doanh nghiệp và địa phương, trao đổi về giải pháp, công nghệ, mô hình đầu tư, tài chính..../.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực