Agribank: Tổng dư nợ và đầu tư đạt trên 1,33 triệu tỷ đồng

Thứ năm, 16/07/2020 19:11
(ĐCSVN) - Tính đến 30/6/2020, Agribank có tổng tài sản đạt trên 1,46 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ và đầu tư đạt trên 1,33 triệu tỷ đồng, trong đó cho vay nền kinh tế đạt trên 1,135 triệu tỷ đồng.
 Đồng chí Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Hội đồng Thành viên phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Trong 2 ngày 15 và 16/7/2020, tại Hà Nội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.

Tham dự hội nghị có đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Về phía Agribank, có đồng chí Phạm Đức Ấn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên; đồng chí Tiết Văn Thành - Thành viên Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc; các Thành viên Hội đồng Thành viên; các Phó Tổng Giám đốc; Trưởng ban Kiểm soát; lãnh đạo các đơn vị tại Trụ sở chính, Trưởng các Văn phòng đại diện khu vực, Giám đốc chi nhánh loại I. Các đơn vị trong hệ thống tham gia Hội nghị dưới hình thức trực tuyến.

Tại Hội nghị, Thành viên Hội đồng Thành viên - Tổng giám đốc Agribank Tiết Văn Thành đã báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ kinh doanh 6 tháng cuối năm 2020. Trong bối cảnh thế giới, trong nước và ngành ngân hàng gặp nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng từ tác động của dịch Covid-19, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, sự quyết liệt, quyết tâm của toàn hệ thống, hoạt động kinh doanh của Agribank đạt được những kết quả nhất định, nguồn vốn huy động đáp ứng đủ và kịp thời cho nền kinh tế; tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh khó khăn chung của toàn ngành nhưng vẫn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của khách hàng, ưu tiên tập trung cho nông nghiệp, nông thôn; thu dịch vụ tăng trưởng khá, các tỷ lệ an toàn được đảm bảo theo quy định…

 Đồng chí Tiết Văn Thành- Thành viên Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc Agribank báo cáo tại Hội nghị

Tính đến 30/6/2020, Agribank có tổng tài sản đạt trên 1,46 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ và đầu tư đạt trên 1,33 triệu tỷ đồng, trong đó cho vay nền kinh tế đạt trên 1,135 triệu tỷ đồng. Vốn tín dụng Agribank chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ gần 2 triệu tỷ đồng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam và chiếm trên 50% thị phần dư nợ lĩnh vực này của toàn ngành ngân hàng, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung.

Agribank đã triển khai kịp thời chủ trương, chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid 19: Đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đối với khách hàng, ban hành và triển khai quy định nội bộ hướng dẫn Thông tư 01/2020/TT-NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid 19; triển khai chương trình tín dụng ưu đãi 100.000 tỉ đồng với lãi suất giảm từ 0,5% - 2,5%/năm so với mức thông thường; thực hiện các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh theo Chỉ thị 02/CT-NHNN; tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 và Hội nghị trực tuyến triển khai công tác tín dụng năm 2020; tiếp tục triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình để đáp ứng nhu cầu vay vốn hợp pháp của người dân, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen…

Các chi nhánh thảo luận tại Hội nghị 

Agribank đã thực hiện cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi theo Thông tư 01 là 43.069 tỷ đồng, trong đó: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ: trên 35.000 tỷ đồng cho gần 9.000 khách hàng; miễn giảm lãi đến 8.000 tỷ đồng cho gần 1.000 khách hàng. Doanh số cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid: 20.560 tỷ đồng với trên 9.000 khách hàng, trong đó doanh số giải ngân chương trình 100.000 tỷ đồng đạt trên 14.000 tỷ đồng. Hạ lãi suất đối với các khoản vay hiện hữu là 45.085 tỷ đồng, trong đó hạ lãi suất đối với dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là 10.370 tỷ đồng với gần 10.000 khách hàng.

Hội nghị tập trung thời lượng cho các báo cáo chuyên đề về các mảng hoạt động nghiệp vụ ngân hàng; thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và vướng mắc của các đơn vị tong triển khai hoạt động kinh doanh và đề xuất giải pháp nhằm hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Phạm Đức Ấn chỉ rõ những giải pháp cần chú trọng thực hiện trong thời gian tới để ổn định mọi mặt hoạt động của Agribank, đẩy mạnh thương hiệu, tăng sức cạnh tranh và chiếm lĩnh thị phần trên thị trường tài chính tín dụng nông nghiệp, nông thôn.

Hình ảnh tại Hội nghị. 

Năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện Phương án cơ cấu lại Agribank gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020, là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành tái cơ cấu giai đoạn 2 và chuẩn bị tiền đề cho cổ phần hóa.  Trong điều kiện khó khăn chung, thế giới đang tiếp tục phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19, với quyết tâm cùng Chính phủ, ngành Ngân hàng và hệ thống chính trị thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phát triển kinh tế- xã hội trong “trạng thái bình thường mới”, Agribank xác định 6 tháng cuối năm 2020 là giai đoạn “nước rút” quan trọng để thực hiện các mục tiêu kinh doanh của cả năm 2020. Với những kết quả tích cực đạt được trong thời gian qua, trên cơ sở bám sát định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt cùng với sự nỗ lực, đoàn kết, quyết tâm, đồng lòng của toàn hệ thống, Agribank tiếp tục phấn đấu để hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2020, giữ vững vị thế Ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam, đóng góp lớn phục vụ sự nghiệp phát triển “Tam nông” với tâm thế sẵn sàng trở lại “đường đua của những người xuất sắc” như khẳng định của Chủ tịch Hội đồng Thành viên Phạm Đức Ấn./

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực