Nâng cao đạo đức nhà giáo trong thời kỳ mới

Thứ sáu, 13/12/2019 14:39
(ĐCSNV)- Vai trò của người thầy không thể thiếu trong quá trình định hướng về tri thức, nhân cách và là tấm gương sáng đối với các thế hệ người học.
 
leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Tư Sơn - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai (Ảnh: PV).

Với mục tiêu “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” đang đòi hỏi ở mỗi cán bộ giáo viên sự nỗ lực to lớn. Nỗ lực vì trách nhiệm, vì niềm tự hào và tự hào với trọng trách, được Đảng đặt niềm tin: “Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Điều đó cho thấy rằng vai trò và sứ mệnh của nhà giáo trong giai đoạn hiện nay hết sức cao cả. Vai trò của người thầy lại càng không thể thiếu trong quá trình định hướng về tri thức, nhân cách và phương pháp, là tấm gương đối với các thế hệ người học. Do vậy, cần thiết phải có một định hướng, một cách nhìn phù hợp đối với việc đào tạo và bồi dưỡng phẩm chất đạo đức của người thầy giáo trong giai đoạn hiện nay.

Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta tự hào về truyền thống của ngành giáo dục và đào tạo Gia Lai, nhiều thế hệ nhà giáo đã tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm, tận tụy, sáng tạo với công việc, nỗ lực vượt qua bao khó khăn, gian khổ, âm thầm cống hiến cho sự nghiệp trồng người, hết lòng vì học sinh thân yêu. Nhiều giáo viên tình nguyện đến công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn để “gieo chữ” cho các em học sinh ở nơi đây bằng lòng đam mê nghề nghiệp, yêu trẻ, bám trường, bám làng, nguyện cống hiến cho sự nghiệp đổi mới giáo dục. Có những giáo viên đã hy sinh trên đường đến trường bởi dòng lũ quét bất ngờ của thiên tai; nhiều giáo viên chia sẻ tiền lương ít ỏi của mình để giúp học sinh nghèo vượt khó; không thể diễn tả hết sự hi sinh thầm lặng của “những nhà giáo đi cùng năm tháng” đang ngày đêm lăn lộn, băng rừng, lội suối, vượt bộ hàng chục cây số để đến trường gắn bó với các em học sinh nơi vùng sâu, vùng xa… Những việc làm đầy ý nghĩa nhân văn đó đã làm rạng rỡ thêm truyền thống tốt đẹp, vẻ vang của người thầy giáo ở vùng Tây Nguyên đầy nắng và gió. 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của mặt trái cơ chế thị trường, cùng với hội nhập quốc tế đã tạo ra những tác động đa chiều ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của đời sống văn hóa xã hội. Xuất hiện ngày càng nhiều trên các phương tiện thông tin, báo chí những dư luận xã hội đang hết sức bất bình đối với một bộ phận giáo viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, có biểu hiện vi phạm về đạo đức, lối sống nhà giáo; xói mòn lương tâm nghề nghiệp, dùng những “độc chiêu” để ép học sinh học thêm. Có những giáo viên bị cuốn theo lối sống thực dụng, vì lợi ích cá nhân, vô cảm, thiếu trách nhiệm, bạo hành, quát tháo, dọa dẫm và đánh đập học sinh… Dù chỉ là những trường hợp cá biệt, nhưng dễ làm lệch đi cái nhìn về đạo đức nhà giáo nói chung. Những hiện tượng nói trên đã làm méo mó hình ảnh cao đẹp của người thầy, làm vẩn đục truyền thống “tôn sư trọng đạo” đã được xây đắp từ công sức, mồ hôi của biết bao thế hệ nhà giáo.

Để thực hiện tốt sứ mệnh “trồng người” thiêng liêng, mỗi nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục cần ý thức rõ vai trò và trọng trách vinh quang, ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh  “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”; nâng cao hơn nữa phẩm chất đạo đức nhà giáo trong giai đoạn hiện nay để xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trông đợi. Chúng ta, những nhà giáo, những cán bộ quản lí giáo dục đang trên con đường đảm trách sự nghiệp “trồng người” cần triển khai thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo” trong toàn ngành. Xây dựng đội ngũ giáo viên đạt những chuẩn mực cần thiết về chuyên môn cũng như về tư cách đạo đức. Chính vì vậy, để nâng cao phẩm chất đạo đức của nhà giáo, mỗi thầy giáo, cô giáo phải hiểu, thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục; mỗi người phải rèn luyện để hoàn thiện lối sống, nhân cách của mình; sống có tấm lòng nhân ái, làm việc có trách nhiệm với danh dự nghề nghiệp và xã hội.

Do vậy, trong thời gian đến, toàn ngành Giáo dục và đào tạo Gia Lai tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp trọng tâm để nâng cao đạo đức nhà giáo trong thời kỳ mới nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước./.

                                                                                                                                                                                     

N.T.S

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực