Nhóm khởi nghiệp thành công từ kết quả nghiên cứu Sâm tố nữ

Thứ hai, 11/11/2019 08:55
(ĐCSVN) – “Nhớ lại buổi đầu tiên khi chỉ vài người biết đến sản phẩm nghiên cứu từ Sâm tố nữ do đơn giản chỉ là lấy về cho người quen dùng. Tiếng lành đồn xa, không bao lâu sản phẩm nghiên của các nhà khoa học thuộc Viện Hoá học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã lan rộng khắp cả nước”, Thạc sĩ Đào Ánh Vân chia sẻ.

 

TS Nguyễn Thị Ngoan, Viện Hóa học (Viện Hàm lâm KH&CN Việt Nam) nghiên cứu các hoạt chất từ củ sâm. (Ảnh: HV)

Một nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam vừa kết hợp với Công ty Cổ phần Dược phẩm sinh học VIG đưa vào ứng dụng đề tài nghiên cứu các hoạt chất quý trong sâm tố nữ được tìm thấy ở vùng núi phía Bắc để cho ra một sản phẩm làm đẹp cho phụ nữ.

Nhóm khởi nghiệp làm nên thành công trên bao gồm: TS Nguyễn Thị Ngoan (Viện Hóa học, Viện Hàm lâm KH&CN Việt Nam), Thạc sĩ Trần Thị Hương Giang, Thạc sĩ Nguyễn Thu Giang (Viện Công nghệ Sinh học) và Thạc sĩ Đào Ánh Vân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Sinh học VIG.

Theo nghiên cứu, tại Việt Nam có nhiều loại thảo dược mọc hoang, hoạt chất cao nhưng lại chưa được biết đến để ứng dụng. Nhiều năm nghiên cứu về các loại thảo dược này, đồng thời tìm hướng ứng dụng đề tài nghiên cứu, TS Nguyễn Thị Ngoan và nhóm khởi nghiệp đã ấp ủ có thể đưa được củ Sâm tố nữ, hay còn gọi là sắn dây củ tròn, vốn đang mọc hoang rất nhiều ở vùng núi Tây Bắc thành một sản phẩm đem lại hiệu quả cao cho người dùng.

Việc nghiên cứu đã được TS Nguyễn Thị Ngoan cùng cộng sự thực hiện từ cuối năm 2015. Với nguyên liệu là sắn dây củ tròn lấy từ Hòa Bình, Sơn La, nhóm đã tách chiết thành công chất isoflavone trong sắn dây củ tròn giúp bổ sung nội tiết tố nữ và xây dựng được quy trình chiết xuất.

TS Nguyễn Thị Ngoan cho biết, Sâm tố nữ chính là loài sắn dây củ tròn, nhìn bên ngoài rất giống với củ đậu chúng ta vẫn ăn hàng ngày vì cùng họ với loài này. Tuy nhiên để xác định có phải đúng là Sâm tố nữ hay không thì phải bằng khoa học. Tại vùng trồng ở Lào Cai, cây giống trước khi trồng được chuyển về Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật giám định. Sau khi xác định chính xác đây là cây Sâm tố nữ thì mới trồng. Thời gian trồng để Sâm cho ra củ mất khoảng hơn 1 năm, với điều kiện chăm sóc, đất trồng cũng rất nghiêm ngặt, đảm bảo có nguồn nguyên liệu an toàn, giàu hoạt chất.

Cũng theo TS Ngoan, nhận thấy hiệu quả các chất quý, nhóm nghiên cứu đã bào chế thử theo dạng sản phẩm dùng nội bộ. Sau một thời gian dùng thử, nhận được phản hồi tốt từ người dùng, nữ Tiến sĩ ấp ủ ý nghĩ phát triển sản phẩm, thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Ý tưởng này được Thạc sĩ Đào Ánh Vân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Sinh học VIG hưởng ứng và cả hai hình thành Dự án khởi nghiệp Thực phẩm hỗ trợ bổ sung nội tiết tố nữ VIG Biopharm.

Thạc sĩ Đào Ánh Vân (áo trắng) tại Hội nghị Nữ trí thức với KH&CN vì sự phát triển bền vững, có sự tham dự của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan. (Ảnh: Bích Liên)

Chia sẻ về thành công của nhóm Thạc sĩ Đào Ánh Vân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Sinh học VIG cho biết, từng công tác tại Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), chị cũng băn khoăn khi nhiều đề tài nghiên cứu được nghiệm thu có giá trị và ý nghĩa nhưng chưa được ứng dụng thực tiễn. Có nghiên cứu đã sản xuất thử nghiệm nhưng chỉ dừng ở quy mô nhỏ hoặc ra thị trường được một thời gian ngắn rồi "chết yểu" do không được nhiều người biết đến. Vì vậy chị mong muốn kết hợp với các nhà khoa học, đưa kết quả nghiên cứu tới nhiều người sử dụng hơn.

“Quá trình triển khai thực hiện nhóm đã gặp phải một số khó khăn. Đó là sản phẩm khó có thể được lưu hành trên thị trường trong khi đã được lưu hành ở mức nội bộ. Đây chính là rào cản lớn nhất để đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng”, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Sinh học chia sẻ.

Sản phẩm Sâm tố nữ được nghiên cứu thành công và nhân rộng ra thị trường. (Ảnh: Bích Liên)

Chính vì thế Thạc sĩ Đào Ánh Vân đã ấp ủ, cố gắng làm sao có thể đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng dễ dàng hơn, giúp mọi người có thể mua được sản phẩm ở bất cứ đâu hay bất kì hiệu thuốc nào trên khắp cả nước. Sau một thời gian cố gắng và nỗ lực, hiện nhóm khởi nghiệp đã hoàn thiện các thủ tục cấp phép để đưa sản phẩm từ kết quả đề tài nghiên cứu khoa học đến tay người tiêu dùng. Vùng trồng nguyên liệu sắn dây củ tròn cũng được nhóm bắt tay với bà con ở Lào Cai, đảm bảo cung ứng đầu vào.

Với thành công này TS Nguyễn Thị Ngoan và Thạc sĩ Đào Ánh Vân mong muốn, sản phẩm được phát triển tạo thành chuỗi từ nghiên cứu đến nuôi trồng, sản xuất... khi đó sản phẩm mới có thể phát triển bền vững.

Tiếp nối thành công trên, hiện nhóm khởi nghiệp cũng đang nghiên cứu tiếp, thử nghiệm một số dòng sản phẩm làm đẹp gồm cả mỹ phẩm và thực phẩm chức năng; dự định sắp tới các sản phẩm sẽ được đăng ký để tiến tới thương mại hóa, phát triển rộng rãi ra thị trường./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực