Những kết quả nổi bật từ vốn vay Quỹ quốc gia giải quyết việc làm

Thứ ba, 17/12/2019 17:46
(ĐCSVN) - Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện và các văn bản hướng dẫn thi hành, Nghị định 61 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm đã đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng trong việc duy trì, mở rộng và giải quyết việc làm cho hàng triệu người lao động trong cả nước.

Góp phần giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động

Thực hiện Luật Việc làm được Quốc hội thông qua ngày 16 tháng 11 năm 2013, ngày 9 tháng 7 năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 61 quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện và các văn bản hướng dẫn thi hành, Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm đã đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng và giải quyết việc làm cho hàng triệu người lao động trong cả nước.

leftcenterrightdel
Từ nguồn vốn vay, cơ sở sản xuất Điêu khắc gỗ Quỳnh Anh, thành phố Đông Hà, Quảng Trị mở rộng sản xuất xuất tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương 

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, đến ngày 30 tháng 9 năm 2019, tổng nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trình và mở rộng việc làm đạt 17 nghìn 600 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn từ  Quỹ quốc gia về việc làm là hơn 4.500 tỷ đồng, nguồn vốn ủy thác ngân sách chính sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng chính sách xã hội là 9000 tỷ đồng. Doanh số từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm đến 9/2019 đạt  hơn 48 ngìn tỷ đồng, với trên 2,4 triệu lượt khách hàng được vay vốn, giúp cho 3,8 triệu lao động được tạo được việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

Dư nợ cho vay giải quyết việc làm đến ngày 31/9/2019 là 18.560 tỷ đồng, với hơn 523 nghìn khách hàng đang còn dư nợ, mức cho vay bình quân đạt 32 triệu đồng/lao động. Tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh giảm đều qua các năm. Đến ngày 30/9/2019, nợ quá hạn là hơn 50 tỷ đồng, (giảm 12 tỷ đồng so năm 2015), chiếm tỷ lệ 0,29% trên tổng dư nợ của chương trình.

Đặc biệt, thông qua Quỹ quốc gia về việc làm đã hỗ trợ nhiều đối tượng lao động yếu thế như lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình, cộng đồng. Tính từ 2015 đến hết tháng 5/2019, thông qua Quỹ quốc gia về việc làm đã tạo việc làm cho 40 nghìn lao động là người khuyết tật, 77 nghìn lao động là người dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, từ nguồn Quỹ quốc gia về việc làm thời gian qua, rất nhiều mô hình cho vay đã được thực hiện thành công, góp phần hỗ trợ tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động như: Câu lạc bộ Nông trang xã Dược Yên, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh; mô hình tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Phụ nữ Đông Thịnh, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc; mô hình khôi phục làng nghề truyền thống ở Mỹ Thành, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên; mô hình trồng rau an toàn ở khu phường Đông Thanh, phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị; mô hình nuôi cá mú ở xã Quỳnh Lộc, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An; mô hình đan lưới xã Bản Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình…

Đáng chú ý, trong quá trình triển khai, thực hiện Nghị định 61 của Chính phủ, cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm đã tạo ra sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp tại địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện hoạt động cho vay vốn. Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội, các cơ quan có liên quan tại địa phương trong quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn, kiểm tra, giám sát hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương. Thông qua hoạt động cho vay các tổ chức Hội đoàn thể có điều kiện quan tâm sát sao đến hội viên, nắm bắt tới từng cơ sở, đã gắn kết hoạt động kinh tế với nhiệm vụ chính trị của tổ chức mình, đẩy mạnh các phong trào thi đua làm kinh tế giỏi.

Có thể khẳng định, việc triển khai, thực hiện hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm trên địa bàn cả nước đã mang nhiều ý nghĩa quan trọng, góp phần hỗ trợ để khuyến khích các tổ chức, đơn vị và người lao động tạo việc làm mới, tự giải quyết việc làm. Với cách triển khai cho vay thiết thực, với đúng nhu cầu, đối tượng cho vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm mà nhiều cách làm mới trong trồng trọt và chăn nuôi của các hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã làm ăn có hiệu quả, tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho nhiều lao động ở địa phương. Qua đó giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Bên cạnh các kết quả đạt được, qua quá trình tổ chức thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm cũng gặp những khó khăn, hạn chế cần phải sửa đổi, bổ sung, như: Nguồn vốn cho vay của Quỹ còn hạn chế, hàng năm Ngân sách Nhà nước bổ sung vốn cho Quỹ rất thấp; hoạt động cho vay chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, đối tượng vay là các cơ sở sản xuất, kinh doanh còn ít; mức vay và thời hạn vay vốn chưa phù hợp với chu kỳ sản xuất trong tình hình mới, trong đó đối tượng vay đến hạn trả nợ nhưng chưa có nguồn thu do chu kỳ sản xuất kinh doanh dài, sản phẩm chưa thu hoạch…

Tiếp tục tạo cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho lao động

Cục Việc làm - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhận định trong giai đoạn tới, thị trường lao động sẽ đa dạng và linh hoạt hơn, chính sách tín dụng ưu đãi cần có sự linh hoạt trong việc cho vay vốn đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội. Để nâng cao hiệu quả vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 74/2019/NĐ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 08 tháng 11 năm 2019). Điểm mới của Nghị định này là quy định về mức vay, thời hạn vay và và điều kiện cho vay. Ngoài ra, Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung về phân bổ nguồn vốn bổ sung cho Quỹ quốc gia về việc làm; điều chỉnh nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm; hồ sơ vay vốn…

leftcenterrightdel
Tư vấn giới thiệu và hỗ trợ việc làm cho người lao động ở Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình 

Đáng chú ý, điểm mới trong Nghị định này nâng mức vay và thời hạn vay vốn để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội. Cụ thể, về mức vay vốn, trước đây theo Nghị định số 61, đối với người lao động, mức vay tối đa là 50 triệu đồng; đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay 01 dự án tối đa là 01 tỷ đồng và không quá 50 triệu đồng cho 01 người lao động được tạo việc làm. Đến nay, mức vay được nâng tối đa đối với cơ sở sản xuất kinh doanh lên 02 tỷ đồng; đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng. Mức vay cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội và đối tượng vay vốn thỏa thuận căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn.

Về thời hạn vay vốn, Nghị định số 61 quy định thời hạn vay vốn không quá 60 tháng, đến nay tăng thời hạn vay vốn tối đa lên 120 tháng. Bên cạnh đó, đối mới mức vay có tài sản bảo đảm, Nghị định mới đã sửa đổi, bổ sung Điều 27 và Điều 37 theo hướng nâng mức vay phải có tài sản bảo đảm tiền vay từ Quỹ đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng.

Có thể nói chính sách tín dụng là một trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã luôn quan tâm tạo lập nguồn vốn để tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình vay vốn ưu đãi đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội. Từ những kết quả đạt được, trong thời gian tới, các địa phương cần tập trung huy động nguồn lực, triển khai thực hiện Nghị định số 74 đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong phạm vi cả nước.

Trong giai đoạn tới, để tiếp tục phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp, trong đó trọng tâm, tăng cường công tác phối hợp giữa ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và Ngân hàng Chính sách xã hội trong xây dựng kế hoạch tạo việc làm và giải ngân nguồn vốn, đặc biệt thực hiện tốt vai trò quản lý, kiểm tra, giám sát của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong thực hiện mục tiêu hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm; ưu tiên cho vay các cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo nhiều việc làm, đặc biệt là việc làm phi nông nghiệp; ưu tiên cho vay đối với lao động là người khuyết tật, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động thanh niên, lao động bị thu hồi đất, phụ nữ nông thôn;

Cùng với đó, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền chính sách vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm cho người lao động, nhất là lao động ở vùng sâu, vùng xa; đồng thời, kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm. Đặc biệt, đảm bảo nguồn vốn vay của Quỹ quốc gia về việc làm đáp ứng nhu cầu vay vốn của người lao động; trong trường hợp không đáp ứng đủ nguồn lực cần có cơ chế linh hoạt để Ngân hàng Chính sách xã hội huy động các nguồn lực để tăng nguồn vốn vay; tăng cường nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho vay hỗ trợ tạo việc làm qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Có thể khẳng định, từ những chính sách mới của Nghị định 74 Chính phủ vừa mới ban hành, cùng với những kết quả triển khai, thực hiện hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm theo Nghị định 64 của Chính phủ đã mang nhiều ý nghĩa quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, thực hiện các mục tiêu quốc gia của Chính phủ. Từ cơ sở mới này, giai đoạn tới nguồn vốn cho chương trình được xác định là trụ cột để thực hiện các mục tiêu quốc gia như giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; đặc biệt giúp cho người lao động, sinh viên ra trường khởi nghiệp, tạo việc làm; người lao động, cơ sở sản xuất kinh doanh có đủ vốn để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm cho người lao động, tăng thu nhập, cải thiện kinh tế cho bản thân, gia đình, qua đó góp phần vào kết quả chung của sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.

Sơn Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực