Viettel và câu chuyện an cư lạc nghiệp cho người nghèo

Thứ tư, 06/05/2020 16:47
(ĐCSVN) - 18 tuổi lấy chồng, 42 tuổi phải bỏ nhà ra đi với những vết lằn tím cả cũ lẫn mới trên cơ thể, chị Bùi Thị Chuyên (xã Ái Thượng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá) đến nay vẫn không tin mình đang có một ngôi nhà riêng để làm lại cuộc đời.

Mẹ đơn thân và giấc mơ căn nhà nhỏ

Bùi Thị Chuyên là mẹ đơn thân, mới được “giải thoát” khỏi chồng cách đây vài năm. Đứa con gái thứ hai 10 tuổi được sống với mẹ. Nhắc đến chồng, mắt chị trùng xuống, giọng run run.

Lấy chồng năm 18 tuổi với giấc mơ đẹp: vợ chồng cùng làm ăn, nuôi dạy con cái. Nhưng, hơn 20 năm sau, chị phải ôm bọc áo quần, bỏ đi với những vết thương lằn trên cơ thể. Bước sang con dốc cuộc đời, chị ly hôn với lý do bạo hành gia đình - điều tương đối hiếm gặp với những người phụ nữ ở vùng nông thôn.

Chị Chuyên nghĩ rằng đời mình thế là hết. Tay trắng, con nhỏ dại, bản thân đã quá tuổi không đi làm công nhân được. “Tôi từng phải bắt xe xuống Hải Phòng làm công nhân, không làm được ở Thanh Hoá vì lớn tuổi”, chị nói.

leftcenterrightdel
 Chị Bùi Thị Chuyên giờ đã có căn nhà để an cư lạc nghiệp. (Ảnh: Minh Thúy)

Khi tưởng như tất cả các cánh cửa đã đóng lại, thì chị nhận tin vui là nằm trong danh sách những người được Viettel tài trợ xây nhà, theo chương trình 30A.

Ngước lên nhìn ngôi nhà được xây bằng gạch, mái lợp tôn, nền nhà còn lát gạch bông, chị rơm rớm nước mắt: “Không ngờ là hai mẹ con sẽ có một ngôi nhà đẹp như vậy”. Từng viên gạch được chị lau sáng bong, dễ chừng không một chút bụi. Khách tới nhà được đón tiếp với một chiếc chiếu xanh với bộ ấm trà sứt quai nhưng không vết cặn đọng.

Chị bảo giờ yên tâm chỗ ở rồi, sẽ lên thành phố kiếm việc để trả một phần nợ và nuôi con. Hồng, con gái chị học kỳ nào cũng được học sinh giỏi, mong muốn trở thành cô giáo.

Hoàn cảnh chị Trương Thị Phượng (dân tộc Mường) cách nhà chị Chuyên mấy chục bước chân cũng không khác là bao. Người mẹ đơn thân gọi với theo bé trai đang chạy trốn khi thấy người lạ, chị Phượng bẽn lẽn nói rằng vì nhà không có đàn ông, nên khi thấy đàn ông lạ đến, con trai chị xấu hổ.

Bảo Nam, 4 tuổi, là đứa con chị đi “xin” để nương tựa khi về già. “Nghèo quá, khổ quá, không lấy được ai”, chị thở hắt ra. Hơn 40 tuổi nhưng tóc chị đã bạc quá nửa, số vết rách chỗ vá trên quần áo nhiều hơn chỗ lành.

Hai mẹ con chị mấy năm trước phải lang bạt ở nhờ khắp nơi. Nhưng cuối cùng, chị bảo đời cũng có chút may mắn khi được hỗ trợ làm nhà. Nhờ 50 triệu hỗ trợ của Viettel, cùng vay mượn khắp nơi, chị dựng xong căn nhà. Giờ nó đang trống hoác cùng món tiền vay mượn, nhưng chị Phượng nói rằng ít nhất chị cũng yên tâm trước giọt mưa vạt nắng.

Hai căn nhà của chị Chuyên, chị Phượng chỉ là một phần trong kết quả của chương trình 30A của Viettel giúp đỡ cuộc sống của người nghèo ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa.

Có an cư mới lạc nghiệp

Giải thích lý do tặng nhà cho người nghèo, Đại tá Dương Văn Toàn, Chủ nhiệm Chính trị Tập đoàn Viettel nhấn mạnh: “Có an cư mới lạc nghiệp. Quan điểm chúng tôi là cho “cần câu” chứ không phải “con cá”. Chỉ khi người nhận hỗ trợ tự chủ được cuộc sống, yên tâm làm ăn, cái nghèo mới bị đánh bại”.

Nhiều gia đình quanh năm ở trong những căn nhà tồi tàn, dột nát, sức khoẻ không đảm bảo, tư tưởng vì thế không yên tâm, khó có thể sản xuất tốt, đẩy kinh tế lên được”, Đại tá Dương Văn Toàn nói.

leftcenterrightdel
 Bò giống cho hộ nghèo là một “chiếc cần câu” hiệu quả được Tập đoàn Viettel trao tặng trong suốt quá trình thực hiện chương trình 30A. (Ảnh: Minh Thúy)

Khi thực hiện chương trình 30A, ngay từ đầu, quan điểm của Viettel là giải quyết vấn đề đói nghèo từ gốc rễ. Do đó, tập trung đầu tư vào các hạng mục dài hạn như nhà ở, nhà bán trú dân nuôi, trạm xá, đến con bò sinh kế... theo đúng chủ trương “xây dựng một hệ sinh thái giảm nghèo chứ không phải một vài biện pháp đơn lẻ”.

Kể từ khi khởi động dự án từ năm 2009, bền bỉ trong 10 năm, Viettel đã hỗ trợ gần 250 tỷ đồng cho 3 huyện miền núi Mường Lát, Bá Thước (tỉnh Thanh Hoá) và Đắkrông (tỉnh Quảng Trị), thể hiện qua con số hơn 2.500 con bò giống, 2.200 ngôi nhà. Trong đó, Mường Lát gần 1.200 con bò và 355 ngôi nhà, Bá Thước gần 700 con bò và 440 ngôi nhà, Đắkrông gần 600 con bò và 1.469 ngôi nhà. Cùng với đó là 13 công trình (gồm 8 trạm y tế, 3 trường học, 2 nhà bán trú).

“Sự hỗ trợ của Viettel trong 10 năm qua đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo của địa phương. Đặc biệt, Bá Thước đã hiện thực hoá mục tiêu thoát khỏi danh sách huyện nghèo vào năm 2020”, ông Võ Minh Khoa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Bá Thước hồ hởi nói.

Số liệu ghi nhận những hoạt động của Viettel đã giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện trung bình đạt 6,85%/năm - cao hơn 2,85% so với mục tiêu giảm nghèo của địa phương theo Nghị quyết 30A của Chính phủ./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực