Vốn vay hỗ trợ giải quyết việc làm góp phần nâng cao đời sống cho người dân

đs
Thứ năm, 26/12/2019 11:47
(ĐCSVN) - Cùng với việc thực hiện các hoạt động tín dụng chính sách, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị triển khai hiệu quả Nghi định 61 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, qua đó góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân, đặc biệt là những người nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.
leftcenterrightdel
Ông Phan Văn Pháp, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Quảng Trị. 

Ngày 23-9-2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 9-7-2015 về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, Nghị định bắt đầu có hiệu lực từ ngày 8-11-2019. Để làm rõ thêm vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Pháp, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Quảng Trị.

Phóng viên: Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, Nghị định 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm đã đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng trong việc duy trì, mở rộng và giải quyết việc làm cho hàng triệu người lao động.  Xin ông cho biết những kết quả của chính sách tín dụng và chính sách hỗ trợ tạo việc làm trên địa bàn tỉnh?

Ông Phan Văn Pháp: Có thể nói chính sách tín dụng là một trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã luôn quan tâm tạo lập nguồn vốn để tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình vay vốn ưu đãi đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội. Đối với tỉnh Quảng Trị, thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, 5 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã tác động mạnh mẽ đến diện mạo khắp miền quê Quảng Trị, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân, đặc biệt là những người nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.

Kết quả cho thấy trong 5 năm qua, từ 2014 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Trị đã hỗ trợ vay vốn cho 130.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với số tiền gần 3.800 tỷ đồng, giúp hơn 22.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 11.000 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn để học tập; gần 16.000 lượt hộ gia đình ở các vùng đặc biệt khó khăn được vay vốn sản xuất kinh doanh. Từ nguồn vốn đã tiếp sức cho nhiều mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả, rất nhiều hộ gia đình được tiếp cận vốn vay, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ để tập trung đầu tư vào các mô hình kinh tế có chất lượng cao…

Cùng với việc cho vay thực hiện các chương trình chính sách, NHCSXH tỉnh Quảng Trị đã triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định 61 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. Thông qua Quỹ quốc gia về việc làm, NHCSXH tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ cho vay nhiều đối tượng lao động yếu thế, người khuyết tật, lao động khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi để mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình, cộng đồng.

Tính đến nay, dư nợ cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm đạt 185 tỷ đồng (chiếm 7% tổng dư nợ) với hơn 4.280 hộ được vay vốn; dư nợ bình quân đạt 43 triệu đồng/hộ vay. Riêng năm 2019, NHCSXH tỉnh đã đã phân bổ 35 tỷ đồng để cho vay các đối tượng, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và thực hiện "Chương trình mỗi xã một sản phẩm". Đến nay, từ nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã góp phần tạo giúp cho gần 2000 người lao động được tạo việc làm, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao cuộc sống cho người lao động. Từ nguồn vốn có rất nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả cao được xây dựng theo các sản phẩm đặc trưng của từng vùng miền như: hồ tiêu, dược liệu, gạo hữu cơ; sản xuất rau an toàn…

Để đạt được kết quả đó, NHCSXH tỉnh Quảng Trị đã tích cực tổ chức triển khai thực hiện tốt cho vay giải quyết việc làm, tổ chức tốt việc thu hồi nợ, thu lãi tại NHCSXH nơi cho vay và tại các Điểm giao dịch tại xã theo định kỳ hàng tháng, nhờ đó nguồn vốn được thu hồi để cho các đối tượng vay vốn tiếp theo và nợ quá hạn không ngừng giảm. Bên cạnh đó cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp quan tâm, bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang NHCSXH để cho vay hỗ trợ tạo việc làm trên địa bàn. Đến nay, dư nợ cho vay giải quyết việc làm từ nguồn vốn ủy thác của địa phương đạt trên 56 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 30% trên tổng dư nợ cho vay Chương trình Giải quyết việc làm.

leftcenterrightdel
Đào tạo nghề cho thanh niên tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị 

Phóng viên: Có thể khẳng định, chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia của Nghị định 61 đạt được nhiều kết quả tích cực, để triển khai chính sách phù hợp với tình hình thực tế, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 74/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61? Ông cho biết những điểm mới của Nghị định này và các giải pháp triển khai thực hiện Nghị định hiệu quả tại Quảng Trị?

Ông Phan Văn Pháp: Ngày 7-9-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 74/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61. Có thể nói đây là Nghị định mang tính đột phá và để triển khai Nghị định này, NHCSXH đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội để tập huấn công tác nghiệp vụ cũng như là công tác tuyên truyền. Đến bây giờ chúng tôi đã triển khai, tuy thời gian ngắn nhưng triển khai rất thuận lợi. Đến nay, đã giải ngân được 18 tỉ đồng, giải quyết cho gần 400 lao động. Từ nguồn vốn nay đã giúp cho bà con phát triển mở rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh để giải quyết lao động cũng góp phần xây dựng nông thôn mới.

Qua nghiên cứu và triển khai Nghị định số 74/2019/NĐ-CP chúng tôi nhận thấy những điểm mới cơ bản như sau:

- Đối với chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm: Thứ nhất là mức cho vay và thời hạn cho vay được nâng lên. Cụ thể: Đối tượng là cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức cho vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm; đối với đối tượng là người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng; thời hạn vay vốn tối đa được tăng từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng. Thứ hai, về lãi suất cho vay vốn bằng với lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo (hiện nay là 7,92%/năm). Thứ ba, về thực hiện bảo đảm tiền vay chỉ áp dụng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh với mức vay từ 100 triệu đồng trở lên. Về đối tượng vay vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm không thay đổi so với trước.

- Đối với chương trình cho vay người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Kể từ ngày Nghị định số 74/2019/NĐ-CP có hiệu lực, NHCSXH cho vay trực tiếp đối với người đi lao động, không cho vay thông qua hộ gia đình như trước đây. Mức cho vay dưới 100 triệu đồng không phải thực hiện đảm bảo tiền vay. Số tiền cho vay được chuyển khoản cho doanh nghiệp tuyển lao động đi làm việc nước ngoài (trước đây có thể giải ngân bằng tiền mặt cho người lao động hoặc chuyển khoản cho doanh nghiệp tuyển lao động đi làm việc nước ngoài). Điểm mới đáng lưu ý là người lao động (người vay) phải thực hiện ủy quyền cho một người để quan hệ giao dịch với NHCSXH trong việc thực hiện trả nợ, trả lãi hoặc xử lý nợ trong thời gian người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Đối với địa bàn tỉnh Quảng Trị, là một trong số những địa phương có số lượng người đi lao động ở nước ngoài chiếm tỷ lệ cao. Do vậy, tại tỉnh Quảng Trị, để giải quyết khó khăn cho người lao động khi tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nếu thuộc các đối tượng vay vốn tại NHCSXH và có nhu cầu vay vốn từ 100 triệu đồng trở lên, thì sẽ được vay thêm từ nguồn vốn ngân sách địa phương mà không phải thực hiện đảm bảo tiền vay. Riêng đối với đối tượng người lao động là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân đã xuất ngũ trở về địa phương được cho vay 100% chi phí theo hợp đồng lao động tại nước ngoài từ nguồn vốn của địa phương và không thực hiện đảm bảo tiền vay.

Đáng chú ý, mức lãi suất cho vay người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo (hiện nay là 6,6%/năm); riêng đối với đối tượng người lao động thuộc hộ nghèo hoặc người dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo được hưởng lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo. Về thời hạn cho vay, không vượt quá thời hạn làm việc của người lao động ghi trên hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài.

Về điều kiện bảo đảm tiền vay: Theo quy định thì hiện nay đối với mức vay dưới 100 triệu đồng không phải bảo đảm tiền vay (trước đây là từ 50 triệu đồng trở xuống). Như vậy, nếu vay từ 100 triệu đồng trở lên thì khách hàng vay vốn phải có tài sản đảm bảo tiền vay. Riêng đối tượng người lao động tại huyện nghèo không phải thực hiện đảm bảo tiền vay.

Triển khai Nghị định số 74/2019/NĐ-CP chúng tôi nhận thấy có nhiều thuận lợi và nhu cầu thẩm định, giải ngân cho vay vốn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhu cầu của người dân ngày càng cao so với nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội của tỉnh còn hạn chế. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Chính phủ cân đối, bố trí đủ nguồn lực để cấp đủ nguồn vốn vay cho Quỹ quốc gia về việc làm; có những giải pháp để huy động nguồn vốn đáp ứng đủ mức vay vốn của người dân, đặc biệt trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, một phần do trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều khu công nghiệp, do vậy mà mức độ phát triển kinh tế hộ, kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại đang là thế mạnh của nhiều địa phương.

Từ thực tế trên, chúng tôi đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác để ủy thác qua NHCSXH để cho vay mở rộng việc làm, lồng ghép với chương trình khuyến nông, khuyến ngư, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm thực hiện tố công đoạn ủy thác vay vốn, kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ…/.

 

 

Linh Đan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực