Đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có tốc độ và chất lượng tăng trưởng cao

Chủ nhật, 08/09/2019 17:50
(ĐCSVN) – Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 là một trong những Văn kiện quan trọng để đưa ra định hướng phát triển đất nước trong 10 năm tới.

Theo đó, tập trung vào yêu cầu vừa đảm bảo duy trì được thành quả của hơn 30 năm đổi mới, vừa phải phát triển nhanh, bền vững, vượt qua bẫy thu nhập trung bình và thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Hội thảo diễn ra tại Hà Nội (Ảnh: PV)

Trong khuôn khổ Hội thảo "Nguồn nhân lực, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Một số hàm ý chính sách cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam" tổ chức ngày 06/9/2019, tại Hà Nội, tham dự và có phát biểu quan trọng tại sự kiện này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 là một trong những Văn kiện quan trọng để đưa ra định hướng phát triển đất nước trong 10 năm tới với yêu cầu vừa đảm bảo duy trì được thành quả của hơn 30 năm đổi mới, vừa phải phát triển nhanh, bền vững, vượt qua bẫy thu nhập trung bình và thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Với tư cách là cơ quan thường trực, đầu mối giúp Chính phủ, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội và Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030, thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai đánh giá, nghiên cứu một cách chặt chẽ và tham mưu, xây dựng Đề cương chi tiết Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030.

Trên cơ sở Đề cương chi tiết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các cơ quan tổ chức liên quan đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011 - 2020, đưa ra những nhận định về tồn tại hạn chế, các nguyên nhân và bài học kinh nghiệm một cách trung thực, khách quan và phản ánh đúng, trúng tình hình.

Căn cứ vào những kết quả đánh giá, kết quả nghiên cứu của 42 nhóm chuyên đề, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Tiểu ban Kinh tế - Xã hội và Tổ Biên tập dự thảo báo cáo Tổng kết thực hiện chiến lược phát triển Kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030.

Bộ cũng đã tổ chức các hội nghị với các địa phương, các đồng chí nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc xin ý kiến về dự thảo. Đồng thời, tổ chức tham vấn ý kiến một số tổ chức quốc tế như WB, OECD,... thông qua các buổi tọa đàm về một số chủ đề cụ thể như dự báo bối cảnh quốc tế và tác động đến Việt Nam, hoàn thiện thể chế kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, phân vùng, cải cách hành chính, chính sách xã hội, chiến lược phát triển… Trên cơ sở đó, Bộ đã và đang hoàn thiện dự thảo Báo cáo trình Tiểu ban Kinh tế - Xã hội.

Chia sẻ về các ý kiến góp ý xây dựng Chiến lược, tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung thông tin để làm sáng rõ thêm một số nội dung, đặc biệt liên quan tới nhiệm vụ và giải pháp.

 

Hội thảo thu hút đông đảo đại biểu tham dự (Ảnh: PV)

Theo Thứ trưởng Trung, về quan điểm phát triển Chiến lược, nếu trước đây các quan điểm cho rằng, ổn định là cơ sở cho phát triển, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, với mục tiêu lấy ổn định kinh tế vĩ mô làm cơ sở cho tăng trưởng kinh tế. Thì gần đây, có ý kiến cho rằng để phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam cần lấy phát triển nhanh để duy trì ổn định từ đó tạo nền tảng cho phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ đã và đang tác động mạnh mẽ tới mọi khía cạnh của sản xuất và đời sống, tuy nhiên có ý kiến cho rằng Việt Nam chưa nắm bắt được các cơ hội này để hỗ trợ cho phát triển như ứng dụng trong sản xuất để tăng năng suất lao động... do đó Việt Nam cần phải thúc đẩy mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và tận dụng tốt mọi cơ hội cho phát triển, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng kinh tế số, xã hội số. Cùng với việc nắm bắt các cơ hội từ phát triển khoa học, công nghệ, Việt Nam cần thực hiện tăng trưởng xanh, tăng trưởng vì mọi người, phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo cân bằng giữa các vùng miền, quan tâm chăm lo tới đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có ý kiến cho rằng, Việt Nam cần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ đi đôi với chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao sức chống chịu và khả năng thích ứng của nền kinh tế. Phát huy nội lực là yếu tố quyết định, không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế và sức mạnh tổng hợp của đất nước để nâng cao hiệu quả, lợi ích do hội nhập quốc tế mang lại.

Những quan điểm phát triển này đang nhận được nhiều sự chú ý, nhất là trong bối cảnh đất nước cần tìm ra hướng đi mới, động lực mới cho phát triển trong điều kiện hội nhập quốc tế có rất nhiều biến động nhưng vẫn phải giữ vững được độc lập, tự chủ của mình và không ngừng tích lũy, nâng cao năng lực nội tại cho nền kinh tế đồng thời tận dụng tối đa những cơ hội từ hội nhập mang lại.

 

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: PV)


Cũng theo ông Nguyễn Đức Trung, về các đột phá Chiến lược, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011 - 2020 đã đưa ra 3 đột phá chiến lược gồm: (1) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; (2) Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; (3) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.

Tuy nhiên, kết quả đánh giá cho thấy các đột phá chiến lược chưa có những bứt phá lớn, đặc biệt là về nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.

Trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, nhận định bối cảnh thời gian tới với những xu hướng, cơ hội phát triển mới, vấn đề đặt ra là có nên tiếp tục thực hiện các đột phá này trong thời gian tới không, nếu tiếp tục thì làm thế nào để thực hiện hiệu quả, thực sự là đột phá cho phát triển kinh tế, ông Trung đã đặt câu hỏi “có cần thiết phải bổ sung thêm các đột phá mới trong bối cảnh và tình hình mới không?”

Trong quá trình đánh giá, có ý kiến cho rằng đột phá về nguồn nhân lực chưa thực sự hiệu quả mà một trong những nguyên nhân là chưa thực sự đổi mới căn bản nền giáo dục quốc dân, chưa gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Do vậy cần tiếp tục thực hiện đột phá phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030; đồng thời, phải bổ sung đột phá mới là thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, có những ý kiến cho rằng, phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh toàn dân tộc… là một đột phá phát triển trong giai đoạn Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030.

Về giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, Chiến lược 10 năm giai đoạn 2011 - 2020 đã xác định 12 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Vậy trong giai đoạn tới, nếu đặt vấn đề phát triển nhanh và bền vững trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo… hướng tới trở thành nước công nghiệp, có thu nhập trung bình cao thuộc nhóm dẫn đầu (trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình) phù hợp với các đột phá phát triển thì nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội sẽ cần phải được xác định tương ứng.

Về vấn đề này có ý kiến đề xuất tập trung vào phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; Phát triển nền giáo dục - đào tạo làm cơ sở xây dựng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Phát triển nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh; thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững. Đồng thời, phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế vùng, kinh tế biển, lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Đây là những nhiệm vụ, giải pháp cần phải tiếp tục nghiên cứu, luận giải và làm rõ, cụ thể thêm trong quá trình xây dựng Chiến lược.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cũng cho biết thêm, song song với quá trình xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng dự thảo Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 với mục tiêu tổng quát là "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển các công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế có tốc độ và chất lượng tăng trưởng cao, có năng lực cạnh tranh cao trên thế giới"./.

 

 

HA.NV
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực