Cao Bằng: Huy động các nguồn lực thực hiện 3 đột phá chiến lược

Thứ tư, 18/09/2019 15:27
(ĐCSVN) - Trong giai đoạn 2015 - 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tỉnh Cao Bằng tăng trưởng khá, bình quân 7%/năm. Trong đó, năm 2017 đạt 7,02%; năm 2018 đạt 7,15%, vượt mục tiêu đại hội đề ra. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 950 USD/người năm 2015 lên 1.213 USD/người năm 2018.
Thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XVIII, Tỉnh ủy Cao Bằng đã xây dựng, ban hành 6 chương trình trọng tậm về phát triển KT - XH; nhiều nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch từng lĩnh vực phục vụ phát triển KT - XH tỉnh giai đoạn 2015 - 2020.

Thời gian qua, Đảng bộ tỉnh Cao Bằng đã quyết tâm, quyết liệt đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung thu hút các nguồn lực khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương. Chỉ đạo tháo gỡ 3 điểm nghẽn, nút thắt về kết cấu hạ tầng giao thông; chất lượng nguồn nhân lực; thể chế, cơ chế của tỉnh và sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành với các địa phương. Huy động các nguồn lực để thực hiện 3 đột phá chiến lược về phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng bền vững; phát triển nông nghiệp thông minh; phát triển kinh tế cửa khẩu để phát huy tối đa 8 lợi thế của tỉnh.

Trong giai đoạn 2015 - 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Cao Bằng tăng trưởng khá, bình quân 7%/năm. Trong đó, năm 2017 đạt 7,02%; năm 2018 đạt 7,15%, vượt mục tiêu đại hội đề ra. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 950 USD/người năm 2015 lên 1.213 USD/người năm 2018. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2018 đạt trên 4.000 tỷ đồng, sản lượng lương thực 276.000 nghìn tấn, tăng hơn 12.000 tấn so với năm 2015, bình quân lương thực đầu người trên 510 kg/người/năm; bình quân đạt 38,2 triệu đồng/ha, tăng 3,2 triệu đồng so với năm 2015. Bước đầu hình thành các vùng cây chuyên canh gắn với công nghiệp chế biến như vùng thuốc lá, vùng trồng mía nguyên liệu, vùng trúc, miến dong…; tỷ lệ che phủ rừng trên 54%, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng đề ra. Chăn nuôi phát triển khá, giá trị sản lượng tăng 6 - 7%/năm. Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai đồng bộ, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới. Có 15 xã đạt tiêu chí nông thôn mới, dự kiến hết năm 2019 thêm 5 xã đạt tiêu chí nông thôn mới.

Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được duy trì, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân trên 11%/năm, năm 2018 đạt 2.156 tỷ đồng, gấp 1,72 lần so với năm 2015 với trên 2.300 cơ sở sản xuất công nghiệp, thu hút gần 8.000 lao động. Các khu du lịch trọng điểm được đầu tư, từng bước phát huy hiệu quả. Lượng khách du lịch tăng 20 - 20%/năm, năm 2018 đạt trên 1,2 triệu lượt khách, tăng 83% so với năm 2015. Hệ thống thương mại, dịch vụ được mở rộng. Hạ tầng các khu kinh tế cửa khẩu được quan tâm đầu tư, thu hút được 69 dự án với tổng vốn đăng ký 9.600 tỷ đồng, có 36 dự án đi vào hoạt động. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018 đạt 2.891 triệu USD, gấp 4,1 lần so với năm 2011.

Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, từ năm 2015 đến nay có 500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Hiện toàn tỉnh Cao Bằng có 1.519 doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 285 dự án với tổng vốn đăng ký trên 35.000 tỷ đồng. Thu ngân sách hằng năm đều vượt kế hoạch, tốc độ tăng trên 10%/năm. Năm 2018 thu gần 1.900 tỷ đồng, tăng 500 tỷ đồng so với năm 2015.

Hoàn chỉnh điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH các huyện, thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Hạ tầng đô thị được tập trung phát triển, trung tâm đô thị các huyện lỵ tiếp tục được đầu tư, chỉnh trang.

Nhiều dự án phát triển hạ tầng giao thông được đầu tư hoàn thành. Tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) đã được Thủ tướng Chính phủ nhất trí chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến 21.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương hỗ trợ 20%; nguồn vốn của địa phương 20%; nguồn vốn nhà đầu tư 60%. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa có nhiều tiến bô. Công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội được triển khai có hiệu quả.

An ninh chính trị, và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Cao Bằng chưa được khai thác, phát huy hiệu quả. Kết cấu hạ tầng KT - XH còn thiếu và yếu, nhất là hạ tầng giao thông. Công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính tuy đạt được một số kết quả nhất định nhưng thiếu bền vững. Chất lượng giáo dục hạn chế, công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là tuyến cơ sở còn yếu. Tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân đầu người hạn chế.

Thực hiện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tỉnh Cao Bằng đã quán triệt, triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương; xây dựng và ban hành Đề án đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống trên quê hương cách mạng Cao Bằng giai đoạn 2019 - 2025; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Hiện nay, tỉnh Cao Bằng đã hoàn thành sắp xếp 335 đầu mối bên trong, trong đó có 169 đầu mối các cơ quan hành chính, 166 đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện Văn phòng cấp ủy phục vụ chung các Ban xây dựng Đảng; tiến hành hợp nhất 2 đảng ủy khối trực thuộc Tỉnh ủy; thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ban hành các đề án thí điểm hợp nhất: Ban Tổ chức Tỉnh ủy với Sở Nội vụ; Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy với Thanh tra tỉnh; Sở Kế hoạch và Đầu tư với Sở Tài chính; Sở Giao thông - Vận tải với Sở Xây dựng; Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Khoa học và Công nghệ; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh. Đang xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Báo chí truyền thông tỉnh Cao Bằng. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.

Thời gian tới, tỉnh Cao Bằng tiếp tục tập trung tháo gỡ 3 điểm nghẽn, nút thắt trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; huy động các nguồn lực thực hiện 03 đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; huy động các nguồn lực thực hiện 03 đột phá chiến lược để phát huy tối đa 08 lợi thế của tỉnh. Phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, mục tiêu của năm 2019 và cả nhiệm kỳ 2015 - 2020. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các đề án: Đề án kết nối giao thông các cửa khẩu, khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; Đề án phát triển nông nghiệp thông minh; Đề án tổng thể phát triển các khu kinh tế cửa khẩu ...; Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; quan tâm mời gọi các nhà đầu tư chiến lược đến nghiên cứu, tìm hiểu và đầu tư tại tỉnh Cao Bằng. Huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhất là hạ tầng giao thông; xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc trở thành Khu du lịch trọng điểm, kiểu mẫu về du lịch biên giới.

Chuẩn bị tốt nội dung và các điều kiện phục vụ để tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 520 năm thành lập tỉnh Cao Bằng (1499 - 2019), 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, giảm nghèo nhanh và bền vững; mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế; tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Tập trung thực hiện tốt việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII.

Chuẩn bị tốt nội dung và điều kiện phục vụ để tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Minh Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực