Lấy cuộc sống và quyền lợi chính đáng của nhân dân là trọng tâm của công tác dân vận

Thứ hai, 14/10/2019 17:02
(ĐCVN) - Để tiếp tục phát huy giá trị lý luận, thực tiễn tác phẩm "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trần Quốc Vượng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận theo hướng thiết thực, lấy cuộc sống và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân là trọng tâm.

Sáng 14/10, tại Hà Nội, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học trực tuyến “70 năm tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh” (15/10/1949-15/10/2019). 

Dự hội thảo tại điểm cầu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư; Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trương Thị Mai, Trưởng ban Dân vận Trung ương. Cùng các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương cùng hơn 500 đại biểu là cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học ở Trung ương và các địa phương.


Các đồng chí chủ trì Hội thảo

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã nêu bật những giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời khẳng định, ra đời cách đây 70 năm, tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành cơ sở lý luận, kim chỉ nam cho công tác vận động quần chúng của Đảng. Giá trị lý luận, thực tiễn của tác phẩm thể hiện sinh động, sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phương pháp, phong cách của Bác. Cùng với thời gian, tư tưởng dân vận của Người vẫn nóng hổi tính thời sự, khẳng định sức sống trường tồn, tiếp tục dẫn đường, soi sáng cho công tác dân vận của Đảng trong tình hình mới.

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề nhưng hết sức vẻ vang, công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay phải được nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, khoa học với những nhân tố tác động mới, những khó khăn, thách thức mới... Vì vậy, Hội thảo hôm nay không chỉ có ý nghĩa to lớn trong việc kỷ niệm 70 năm ra đời của tác phẩm “Dân vận” mà có ý nghĩa trực tiếp góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần hoàn thành những chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra, đồng thời đóng góp cho việc hoàn thiện Dự thảo các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Tại Hội thảo, với hơn 30 tham luận của các nhà khoa học, đại diện các cơ quan Đảng, Nhà nước, lãnh đạo một số tỉnh, thành cả ở ba miền Bắc, Trung, Nam đã tập trung làm sáng tỏ những vấn đề chủ yếu trong tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là: sự khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, sức mạnh của nhân dân và tư tưởng “lấy dân làm gốc”; tác phẩm “Dân vận” kết tinh tư tưởng, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh về công tác dân vận, được thể hiện cô đúc trong nhiều vấn đề lớn: về bản chất dân chủ của Nhà nước Việt Nam – Nhà nước của dân, do dân, vì dân; nội dung, nhiệm vụ, phương pháp dân vận nhằm tổ chức, vận động, tập hợp lực lượng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp cách mạng.

Đồng thời, các đại biểu cũng tập trung làm rõ các giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc của tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; khẳng định đây là “cẩm nang” cho công tác vận động quần chúng của Đảng, Nhà nước và các tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị. Đối với công cuộc đổi mới hiện nay, nội dung và giá trị của tác phẩm vẫn giữ nguyên tính thời sự, là cơ sở lý luận để Đảng và Nhà nước đề ra chủ trương, chính sách về công tác dân vận.

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu tại Hội thảo

Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, ngày 15/10/1949, cách đây đúng 70 năm, bài báo của Bác Hồ có tựa đề “Dân vận” được đăng trên báo “Sự thật” với bút danh X.Y.Z. Bài báo có dung lượng nhỏ, ta có thể đếm được từng câu, từng chữ, nhận rõ từng ý, từng lời nhưng thực sự lại là một tác phẩm lớn. Tác phẩm ở tầm vóc là một tuyên ngôn, một cương lĩnh về vận động quần chúng. Trong tác phẩm này, Bác đã đề ra một công thức để vận hành công tác dân vận ở tầm chiến lược đó là: “Dân vận đúng và khéo thì phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Đây chính là chỉ dẫn của Bác về công tác dân vận. Đặc biệt, Người còn nhấn mạnh, vận động nông dân phải vận động thế nào cho toàn thể nông dân “động”, nghĩa là làm cho nông dân hiểu rõ quyền lợi của mình… Muốn như thế, cán bộ phải tránh bệnh chủ quan, bệnh hình thức, bệnh giấy tờ. Như vậy, người đòi hỏi cán bộ ở cơ sở cán bộ từ tỉnh phải đi đến xuống huyện, xã; cán bộ huyện phải xuống tận xã, thôn nên phải chân đi, đi xuống cơ sở, để nghe dân nói, tay làm để nêu gương, miệng nói để truyền đạt Nghị quyết và cuối cùng là óc nghĩ tức là từ thực tiễn tổng kết thành lý luận…

Phát biểu tại hội thảo, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho biết, thực tiễn 70 năm qua cho thấy, để có được niềm tin của nhân dân, mọi quyết định của Đảng phải xuất phát từ cuộc sống của nhân dân, đặt lợi ích hợp pháp, chính đáng, đời sống của người dân là mối quan tâm hàng đầu, các chính sách được ban hành không chỉ phải hợp lòng dân mà còn phải vận động, tuyên truyền để tạo đồng thuận, phát huy vai trò làm chủ, động viên nhân dân tham gia, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai khẳng định, công tác vận động các tầng lớp nhân dân không thể tách rời công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác cán bộ và nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu; đồng thời, quan tâm hoàn thiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” phù hợp thực tiễn.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại Hội thảo

Theo Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, quá trình đổi mới cũng phát sinh những vấn đề phức tạp, có thể tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân, nơi này nơi kia vẫn còn tồn tại những bức xúc, có những vụ việc nghiêm trọng kéo dài, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu trước dân, chưa xem trọng quan hệ giữa Đảng với nhân dân, còn dân chủ hình thức, làm ảnh hưởng, tổn thương mối quan hệ, để lại hình ảnh chưa tốt trong nhân dân cần phải kịp thời xem xét, giải quyết thấu đáo.

Để tiếp tục phát huy giá trị lý luận, thực tiễn tác phẩm "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác dân vận thời gian tới, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đề nghị, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận theo hướng thiết thực, lấy cuộc sống và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân là trọng tâm của công tác dân vận. Tiếp tục thể chế hóa, hoàn thiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay. Công tác dân vận là một bộ phận trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng yêu cầu, phải coi trọng công tác dân vận của cơ quan nhà nước, nhất là công tác dân vận chính quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đạo đức công vụ, cải cách hành chính, lấy sự hài lòng của nhân dân là mục tiêu hành động… Cùng với đó, phải triệt để đổi mới công tác tuyên truyền, giải thích, thuyết phục bằng nhiều hình thức (gặp gỡ trực tiếp, qua báo chí, mạng xã hội…), để nhân dân hiểu về tình hình đất nước, tin vào chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thấy rõ lợi ích các dự án, công trình kinh tế-xã hội đem lại cho dân, cho nước..

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đề nghị, phải nắm chắc tình hình, tâm tư của nhân dân một cách khoa học, công khai, minh bạch, lý giải rõ ràng, thấu tình, đạt lý trước khi triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, xây dựng các dự án, công trình kinh tế - xã hội trên địa bàn. Cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu trong cuộc sống và mọi hoạt động của mình, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, phải trọng dân, chân thành với dân, gần dân, sát dân, vui buồn cùng dân, có trách nhiệm với dân, luôn đặt lợi ích tập thể lên trên hết, không chủ nghĩa cá nhân. Theo như Bác đã dạy cán bộ dân vận “phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm… không phải chỉ nói xuông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh… phải thật thà nhúng tay vào việc”.

Để tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đề nghị tập trung khắc phục, giải quyết dứt điểm, triệt để những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm. Cần quy định rõ trách nhiệm thực hiện công tác dân vận của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, cán bộ, đảng viên; hàng năm tiến hành kiểm điểm, đánh giá kết quả công tác dân vận của tập thể cấp ủy, đảng viên; tiếp tục nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác dân vận; đồng thời chú trọng nhân rộng các tấm gương cá nhân điển hình tiên tiến trong công tác dân vận…/.

tin, ảnh: Phạm Cường
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực