Hà Nam tích cực chỉ đạo xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Thứ sáu, 29/11/2019 22:42
(ĐCSVN) - Là tỉnh có điểm xuất phát xây dựng nông thôn mới thấp, các xã chỉ đạt từ 4-5 tiêu chí, nguồn thu ngân sách thấp; tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn tỉnh Hà Nam có nhiều thay đổi tích cực. Hiện, Hà Nam đang tích cực chỉ đạo 6 xã làm điểm đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2020.
leftcenterrightdel
Một tuyến đường giao thông nông thôn được bê tông hoá ở Hà Nam (Ảnh: Đặng Hiếu) 

Nhiều thành tựu xây dựng nông thôn mới

Hà Nam là tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng, là cửa ngõ phía nam của Thủ đô Hà Nội. Theo UBND tỉnh Hà Nam, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, tỉnh đã xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Trong suốt quá trình chỉ đạo và thực hiện Hà Nam luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới là đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, là mục tiêu, vừa là động lực có tính quyết định thành công của xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, ngay từ khi triển khai thực hiện Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết; đồng thời ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, xây dựng nông thôn mới ở Hà Nam đạt nhiều kết quả tích cực.

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn ngày càng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 18 triệu đồng năm 2011 lên 41 triệu đồng năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 10,68 % năm 2011 xuống còn 2,85% năm 2018; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 35% năm 2011 lên 63% (trong đó lao động qua đào tạo có việc làm đạt 95%) năm 2018. Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường nông thôn ngày càng được nâng cao; an ninh chính trị được giữ vững; trật tự xã hội được đảm bảo.

Hệ thống hạ tầng như: Đường giao thông, thủy lợi, điện, nước, thông tin liên lạc phục vụ đời sống và sinh hoạt của nhân dân được đầu tư tương đối đồng bộ rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Các chương trình xã hội hóa trong xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào thi đua sôi động và trở thành nguồn lực quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, trong đó thể hiện vai trò chủ thể của người dân tự nguyện, tự giác tham gia xây dựng nông thôn mới.

Các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp được củng cố phát triển theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ và tổ chức sản xuất hàng hóa gắn với liên chuỗi giá trị. Các Khu nông nghiệp công nghệ cao từng bước được hình thành và hoạt động có hiệu quả, là hạt nhân liên kết, chuyển giao khoa học công nghệ cho hộ dân. Mặt khác, nguồn thu từ kinh tế cân đối ngân sách trên địa bàn ngày càng tăng (năm 2011 thu ngân sách đạt 1.838 tỷ đồng, năm 2018 thu ngân sách đạt trên 7.600 tỷ đồng, năm 2019 ước đạt gần 9.000 tỷ đồng), đây là điều kiện để hỗ trợ kinh xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, toàn tỉnh Hà Nam có 91/98 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 3 đơn vị cấp huyện là huyện Duy Tiên, Kim Bảng và thành phố Phủ Lý được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2017, 2018; huyện Thanh Liêm cũng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018; 7 xã còn lại cơ bản đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới và phấn đấu đạt chuẩn trong năm 2019.

Tích cực chỉ đạo xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Từ những thành tựu đã đạt được, giai đoạn 2018-2020, UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo 6 xã làm điểm (mỗi huyện, thành phố lựa chọn 1 xã) để xây dựng thí điểm đảm bảo đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2020. Quan điểm chỉ đạo của Hà Nam là, các xã làm điểm chỉ làm trước một bước để rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng. Các xã còn lại rà soát kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới, lựa chọn các tiêu chí phù hợp với địa phương mình để triển khai thực hiện theo phương châm tiêu chí nào dễ, cần nguồn lực ít hoặc huy động được nguồn lực xã hội hóa và được người dân đồng thuận cao thì thực hiện trước. Các tiêu chí khó, cần nguồn lực lớn thì thực hiện sau để đến hết năm 2020 mỗi xã ít nhất đạt từ 5/13 chỉ tiêu trở lên trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Tỉnh Hà Nam cũng đã ban hành cơ chế hỗ trợ cho xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là 2 tỷ đồng/xã để thực hiện các nội dung công việc của xã; thôn của xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là 300 triệu đồng/thôn để thực hiện các nội dung công việc của thôn; giao các sở, ngành có liên quan hướng dẫn các địa phương triển khai, thực hiện tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2018-2020.

Đến nay UBND các huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai, thực hiện xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, phê duyệt Đề án xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu cho các xã. Các xã được lựa chọn làm điểm đã tích cực rà soát đánh giá hiện trạng, tập trung xây dựng đề án, kế hoạch thực hiện, trong đó phân rõ các trách nhiệm thành viên ban chỉ đạo xã, nội dung công việc xã, thôn và nhân dân phải thực hiện. Các xã còn lại lựa chọn để đạt chuẩn kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020 là: Kiểu mẫu trong tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp; kiểu mẫu về văn hóa - giáo dục; kiểu mẫu về sản xuất phát triển...

Về cơ bản, sau gần một năm triển khai thực hiện đề án xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, các xã triển khai thí điểm bước đầu đã có những nét thay đổi, dáng dấp xã nông thôn mới kiểu mẫu đã được hình thành, cơ sở hạ tầng đường giao thông, trường học, nhà văn hóa khu thể thao thôn xóm được cải tạo, nâng cấp, sửa chữa đảm bảo đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu. Các trạm y tế được đầu tư, nâng cấp cả trang thiết bị và bổ sung bác sĩ để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và điều trị ban đầu cho người dân; nhiều mô hình tự quản an ninh trật tự trong khu dân cư đã hình thành.

Nhiều tuyến đường, khu dân cư đã đảm bảo sáng, xanh, sạch, đẹp và đã trở thành điểm nhấn trong xây dựng kiểu mẫu như tuyến đường trồng hoa, cây cảnh tại xã An Đổ huyện Bình Lục, xã Liêm Phong huyện Thanh Liêm, xã Mộc Bắc huyện Duy Tiên… Các tổ chức Hội đoàn thể của thôn xóm đã xây dựng các tổ, nhóm quản lý vệ sinh môi trường từng tuyến đường giao thông thôn xóm. Nhiều mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị có hiệu quả kinh tế cao đã hình thành như: mô hình chăn nuôi bò sữa, bò thịt, thủy sản tại xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân; mô hình phát triển hoa, cây cảnh gắn du lịch sinh thái tại xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý….

Tuy nhiên, cũng theo UBND tỉnh Hà Nam, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh còn có những khó khăn cần tập trung tháo gỡ đó là: Một số tiêu chí tuy đã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng còn thiếu tính bền vững; các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị chậm được nhân rộng; chất lượng sản phẩm chưa thật sự có lợi thế cạnh tranh, thiếu tính ổn định, bền vững, quy mô nhỏ lẻ. Nguồn lực đầu tư chỉnh trang cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của các xã còn gặp khó khăn, nguồn vốn chủ yếu vẫn là từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất. Một số chỉ tiêu, tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu quy định còn cao, như: Chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người phải gấp 1,5 lần so với xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2019 đạt 68,25 triệu đồng/người/năm trở lên, năm 2020 đạt 75 triệu đồng/người/năm trở lên); 100% cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thực hiện xử lý rác thải, nước thải đạt tiêu chuẩn và đảm bảo bền vững…

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Với mục tiêu đến năm 2020 tỉnh Hà Nam có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới và 6/6 huyện, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; đồng thời thực hiện thành công Đề án xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh, trong thời gian tới tỉnh Hà Nam xác định tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau: Rà soát tất cả các xã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2018 trở về trước trên tất cả các tiêu chí phải đảm bảo đạt mức tối thiểu theo quy định tại Quyết định số 800/QĐ-TTg đến năm 2020 (đặc biệt là các tiêu chí: Phát triển sản xuất, thu nhập, môi trường…).

Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”…

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc xây dựng nông thôn mới nói chung và nông thôn mới kiểu mẫu nói riêng. Trong quá trình triển khai thực hiện phải kiên trì, quyết liệt, làm đến đâu chắc đến đó, không chủ quan, nóng vội. Các sở, ngành, địa phương vào cuộc với tinh thần quyết liệt, đồng bộ, trên cơ sở kế hoạch đã xây dựng, phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cho từng đơn vị, cá nhân phụ trách. Các sở, ngành chuyên môn phải có hướng dẫn các địa phương triển khai, thực hiện đạt các tiêu chí theo lộ trình, kế hoạch đề ra; gắn trách nhiệm hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu được phân công với nhiệm vụ của ngành và công tác thi đua hằng năm.

Tranh thủ và huy động nguồn lực tổng hợp để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, coi trọng và đề cao sự đóng góp của nhân dân, các tổ chức, cá nhân, hợp tác xã và doanh nghiệp đóng trên địa bàn để tham gia xây dựng nông thôn mới. Kết hợp nhuần nhuyễn chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm với phương châm “dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Tập trung triển khai, thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ và huy động tối đa các nguồn lực để tạo khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó chú trọng việc đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập, mức sống của người dân và bảo vệ môi trường nông thôn thực sự xanh - sạch - đẹp.

Xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu thực chất, bền vững trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng, tiềm năng, lợi thế của từng xã để xác định cụ thể các nội dung, nhiệm vụ và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo phương châm: “chỉ tiêu, tiêu chí nào dễ, phù hợp với nguyện vọng của người dân và có nguồn lực thì làm trước, tiêu chí nào khó, cần nhiều nguồn lực thực hiện thì làm dần từng bước, làm đến đâu chắc đến đó và đảm bảo tính bền vững lâu dài, hiệu quả cao”.

Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các địa phương trong việc tổ chức triển khai, thực hiện Đề án, kế hoạch và cơ chế báo cáo, kiểm tra, giám sát, đánh giá sơ kết 6 tháng, 1 năm để kịp thời kiến nghị, đề xuất, điều chỉnh, bổ sung trong quá trình triển khai Đề án cũng như hoàn thiện thể chế xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng, nêu gương người tốt, việc tốt, những tấm gương tiêu biểu trong chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu;…/.

 

Đặng Hiếu
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực