Hà Nội: Nhiều sáng tạo trong sản xuất nông sản an toàn

Thứ năm, 21/11/2019 16:24
(ĐCSVN) - Thời gian gần đây, nhiều mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực trong bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; làm tăng giá trị cũng như lợi nhuận cho người sản xuất.
leftcenterrightdel
Một gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm cốm Vòng của Hà Nội tại siêu thị BigC Thăng Long (Ảnh: Đặng Hiếu) 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hà Nội, nhu cầu tiêu dùng nông sản của Hà Nội rất lớn; bình quân trong 1 tháng, mức tiêu thụ khoảng 300.000 tấn lương thực, thực phẩm nông thuỷ sản. Tuy nhiên, khả năng sản xuất và đáp ứng các mặt hàng thiết yếu của Hà Nội chỉ cơ bản đủ với các sản phẩm như thịt lợn, thịt gà; còn nhiều mặt hàng khác như gạo, rau củ, thuỷ hải sản… phải nhập từ các tỉnh, thành phố khác hoặc phải nhập khẩu. Do vậy, yêu cầu xây dựng các chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ nông sản được Hà Nội tập trung đẩy mạnh nhằm cung cấp đến người dân có được sản phẩm chất lượng, giá thành hợp lý.

Để thực hiện yêu cầu trên, trong nhiều năm qua Hà Nội đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn theo hướng xây dựng chuyên đề và lồng ghép các nội dung hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại; lớp tập huấn đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ, cập nhật các văn bản quy định mới, hướng dẫn xây dựng chuỗi, các tác nhân tham gia liên kết; áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như “thực hành tốt sản xuất”; “hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát tới hạn”… Nhờ đó, thời gian qua đã có 135 chuỗi liên kết đã được xây dựng, đồng thời tiếp tục hỗ trợ để nâng cao chất lượng, mẫu mã các sản phẩm trong chuỗi và nhân rộng các mô hình an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn; tổ chức kết nối xúc tiến thương mại với 21 tỉnh, thành phố. Qua đó, đã có nhiều biên bản ghi nhớ, hợp tác giữa các doanh nghiệp được ký kết.

Điểm đáng chú ý, Hà Nội đã xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, sản thuỷ sản thành phố bằng tem điện tử thông minh QRcode; cấp tài khoản tham gia hệ thống quản lý cho 1.984 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói. 766 cửa hàng kinh doanh trái cây đã được cấp biển nhận diện trái cây an toàn; cấp mã định danh cho trên 2.500 sản phẩm, cấp phát trên 5.000.000 tem truy xuất nguồn gốc dán trên các sản phẩm nông sản. Ngoài ra, đã triển khai thí điểm cho các tỉnh để thống nhất bộ mã truy xuất chung sản phẩm nông lâm thuỷ sản thực phẩm cung ứng về thị trường Hà Nội như vải Thanh Hà và một số sản phẩm của các tỉnh như Bắc Kạn, Quảng Bình, Tiền Giang, Sơn La, Nam Định, Quảng Ninh,…

Trong công tác xây dựng và phát triển chuỗi, tuỳ từng loại sản phẩm, Hà Nội có các hình thức phù hợp. Chẳng hạn, trong chuỗi có nguồn gốc động vật, Hà Nội tập trung vào 2 hình thức, đó là: Mô hình chuỗi khép kín, do doanh nghiệp làm đầu mối chủ động hoàn toàn các khâu từ sản xuất giống, thức ăn, tổ chức chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm. Một số chuỗi theo hình thức này hoạt động rất hiệu quả như: Chuỗi thực phẩm A-Z; chuỗi trứng Tiên Viên; chuỗi trứng 729; chuỗi thực phẩm Organic Green; chuỗi thịt lợn Thuỷ Thiên Nhu; chuỗi sữa Vinh Nga;… Với mô hình chuỗi liên kết, lấy các tổ chức nông dân như chi hội, hợp tác xã, hội,… tại các vùng chăn nuôi tập trung, các xã chăn nuôi trọng điểm của Hà Nội làm trọng tâm, từ đó lựa chọn, giới thiệu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đầu vào, giết mổ, sơ chế để tạo thành chuỗi từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm. Một số mô hình hoạt động đạt hiệu quả cao theo hình thức này, như: chuỗi gà Mía Sơn Tây; chuỗi gà đồi Sóc Sơn; chuỗi gà đồi Ba Vì; chuỗi thịt lợn sinh học Quốc Oai; chuỗi sữa IDP;…    

Nhìn chung, các chuỗi đã bước đầu hoàn thiện với đầy đủ các nhóm tác nhân liên kết trên cơ sở hợp đồng quy định rõ ràng quyền lợi, trách nhiệm của các bên tham gia liên kết, hồ sơ pháp lý cho các chuỗi. Theo đó, đã có trên 20 chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm chăn nuôi đã hoàn thiện nhãn hiệu và bộ nhận diện thương hiệu; có 9 nhãn hiệu đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng bảo hộ, trong đó có 5 nhãn hiệu được cấp bằng bảo hộ “Nhãn hiệu tập thể”. Cùng với đó, việc xây dựng các cửa hàng, điểm bán hàng và giới thiệu các sản phẩm của chuỗi (chủ yếu trong các quận nội thành) cũng được Hà Nội đẩy mạnh. Hiện nay, mỗi ngày các chuỗi đang cung ứng cho thị trường khoảng 13 tấn thịt gia cầm, 26 tấn thịt lợn, 2 tấn thịt bò, 78 tấn sữa, 282.000 quả trứng…

Đối với chuỗi có nguồn gốc thực vật, ngành nông nghiệp Hà Nội đã chủ động xây dựng và phát triển 79 chuỗi, như chuỗi gạo, chuỗi chè, chuỗi rau an toàn, chuỗi trái cây. Trong đó, đã triển khai 35 mô hình chuỗi rau an toàn thực phẩm áp dụng Hệ thống bảo đảm cùng tham gia (PGS) - đây là hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ tại 35 xã, phường, thị trấn thuộc 17 quận, huyện, thị xã với tổng diện tích 1.655,4ha, trong đó có 14 xã, phường có diện tích từ 50ha trở lên. Qua đó, số doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm tăng nhanh, từ 112 doanh nghiệp lên 208 doanh nghiệp, số lượng tiêu thụ qua hợp đồng từ 15 tấn/ngày tăng lên 42 tấn/ngày…

Có thể thấy, thông qua việc đẩy mạnh xây dựng và phát triển chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hình thành các điểm bán nông sản an toàn của Hà Nội đã góp phần giúp người nông dân tránh được hiện tượng “được mùa rớt giá”; giá trị sản xuất được nâng cao. Đồng thời, người tiêu dùng có nhiều hơn điều kiện để tiếp cận với thực phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng ngày. Mô hình này cũng phần nào đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong điều kiện hiện nay của Thủ đô./.

Đặng Hiếu
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực