Hiệu quả từ mô hình câu lạc bộ phát triển trẻ thơ toàn diện

Thứ hai, 02/12/2019 11:11
ĐCSVN) – Là một trong những chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra, tỉnh Gia Lai đã có nhiều biện pháp giảm thiểu tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em được phát triển toàn diện. Sau 1 năm triển khai, mô hình CLB Phát triển trẻ thơ toàn diện bước đầu phát huy hiệu quả.

Những buổi họp được mong chờ

Đã thành thói quen, những phụ nữ xã Đắk Trôi lại mong chờ đến ngày “học cách chăm sóc trẻ em”. Hỏi ra, chúng tôi được biết, đó là những buổi sinh hoạt Câu lạc bộ phát triển trẻ thơ toàn diện (CLB PTTTTD), mà trong những buổi sinh hoạt đó, chị em được học cách chăm sóc thai nghén, chăm sóc trẻ nhỏ, học về chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và trẻ em.

Là một trong những thành viên tích cực tham gia sinh hoạt CLB, chị Y Pin, thôn Bla chia sẻ: “Đây là lần thứ ba mình sinh hoạt CLB. Từ khi tham gia, mình biết được cách chăm sóc bản thân khi mang thai, hiểu được ý nghĩa của việc chăm sóc con cái, đã biết cách chăm sóc, nuôi dạy con tốt hơn”.

leftcenterrightdel
Những buổi sinh hoạt Câu lạc bộ xã Đăk Trôi thu hút được đông đảo chị em tham gia

Mang cả 2 con đến sinh hoạt CLB, chị Blan, 21 tuổi (làng Đăk Bêt) chia sẻ: “Tham gia sinh hoạt CLB vui lắm, lại bổ ích nữa. Hôm thì có tiểu phẩm, hôm thì đố vui có thưởng. Hôm nay, sau khi xem xong tiểu phẩm về sự thờ ơ, thiếu quan tâm đến con cái dẫn đến con bị suy dinh dưỡng, còi cọc, ốm đau, mình mới hiểu tác hại của nó. Để nuôi con khỏe, hàng ngày mình phải quan tâm vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho con, cho con ăn đủ dinh dưỡng, mình còn biết chế biến thêm các món ăn phù hợp cho gia đình nữa”.

Thành lập đã được một năm, đến nay, CLB PTTTTD xã Đắc Trôi đã tổ chức được hàng chục buổi tuyên truyền cho 8 làng trong xã, mang lại cho 637 hộ dân nơi này những kiến thức bổ ích trong việc chăm sóc, dạy dỗ, rèn luyện kỹ năng cho con. Sự tham gia ngày càng tích cực của bà con khẳng định tính thiết thực, hiệu quả của những kiến thức đó.

Chị Đỗ Thị Thảo, nhân viên văn hóa xã, thành viên Câu lạc bộ cho biết, để thuận lợi cho việc đi lại của bà con, xã bố trí tổ chức sinh hoạt CLB ở 3 địa điểm. Ngoài ra, muốn bà con tham gia đông đủ, giờ giấc sinh hoạt CLB cũng có đặc thù riêng (6giờ 30 tối hoặc 5h sáng, lúc đó bà con chưa lên nương rẫy). Mỗi buổi sinh hoạt mời khoảng 20 người tham gia, tùy theo chủ đề của buổi sinh hoạt mà phân chia từng đối tượng: Bà mẹ mang thai, phụ nữ mới sinh, thậm chí có buổi sinh hoạt còn mời cả các ông bố đến cùng chia sẻ việc chăm sóc bà mẹ mang thai, sau sinh, chăm sóc, dạy dỗ con cái. Trước mỗi buổi sinh hoạt, các thành viên CLB phải chuẩn bị nội dung, đạo cụ, tranh ảnh… làm phương tiện truyển tải thông tin. Đó có thể là các tiểu phẩm vui, các bức vẽ, các đạo cụ trực quan, từ đó, bà con có thể xem, nhìn, nghe và nhớ ngay đến những dụng ý tuyên truyền.

Những kết quả đáng mừng sau một năm thực hiện

Ông Phan Văn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND xã, Chủ nhiệm CLB cho biết, trẻ em trên địa bàn xã đa số là con em các hộ dân tộc thiểu số nghèo nên ít được gia đình quan tâm, chăm sóc. Tư tưởng “trời sinh voi, trời sinh cỏ” vẫn còn đè nặng trong mỗi gia đình, vì thế, nhiều trẻ em ở đây sống trong sự thiếu thốn cả về vật chất lẫn sự quan tâm, chăm sóc của gia đình. Do đó, nội dung mỗi buổi sinh hoạt được xây dựng dựa theo từng mục tiêu cụ thể nhằm bổ sung kiến thức cho các bậc cha mẹ giúp trẻ em phát triển toàn diện ngay từ trong bào thai. Các buổi sinh hoạt bổ sung kiến thức cho bà con theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Đối với người miền xuôi, đó có thể là những kiến thức phổ thông, nhưng với bà con nơi đây, đó thực sự là những thông tin bổ ích, thiết thực, giúp họ có thể chăm sóc trẻ em được tốt hơn.

Nhận định về ý nghĩa của các buổi sinh hoạt CLB, ông cho biết thêm, sau khi CLB đi vào hoạt động, qua những buổi sinh hoạt, nhiều gia đình đã dần thay đổi nhận thức, biết quan tâm chăm sóc sức khỏe con em mình hơn như cho con ăn chín, uống sôi, tắm rửa cho con sạch sẽ, cắt tóc gọn gàng, chân đi dép...”.

leftcenterrightdel
Từ những kiến thức có được, chị em hướng dẫn nhau  cách chăm sóc con nhỏ

Ông Phạm Công Thành, Giám đốc Ban Quản lý dự án tỉnh Gia Lai cho biết, với mục đích xóa bỏ khoảng trống và chênh lệch trong thực hiện quyền của những trẻ em dễ bị tổn thương, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số, Ban Quản lý dự án PTTTTD tỉnh đã triển khai 7 Câu lạc bộ (CLB) phát triển trẻ thơ toàn diện tại 9 xã ở 3 huyện khó khăn nhất của tỉnh: Kbang, Krông Pa và Mang Yang.

Tính riêng trong năm 2019, các xã thuộc dự án đã tổ chức 535 buổi thảo luận nhóm về các chủ đề y tế/dinh dưỡng, giáo dục trẻ sớm, bảo vệ trẻ em, chăm sóc bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ, chăm sóc bà mẹ sau sinh, chăm sóc trẻ sơ sinh và nuôi dưỡng trẻ trong 1.000 ngày đầu đời…; Ngoài ra, các CLB còn tổ chức 70 buổi đến thăm tư vấn tại nhà đối với các trường hợp đặc biệt. Tính chung, có hơn 3.500 lượt ông bố, bà mẹ, người chăm sóc trẻ tham dự (trong đó 220 lượt là nam giới). Thông qua các buổi thảo luận nhóm, phụ huynh, người chăm sóc trẻ đã có được kiến thức, kỹ năng tham gia sinh hoạt, sử dụng dịch vụ PTTTTD có sẵn và biết thực hành chăm sóc trẻ tại gia đình. Khoảng 60% phụ huynh xác nhận lợi ích, có kiến thức, kỹ năng tham gia sử dụng dịch vụ PTTTTD có sẵn, muốn tham gia sinh hoạt các buổi truyền thông và biết thực hành chăm sóc PTTTTD tại gia đình.

Ông Phạm Công Thành, Giám đốc Ban Quản lý dự án tỉnh Gia Lai cho biết, các CLB đã triển khai đầy đủ kế hoạch thảo luận nhóm theo chủ đề ở các thôn, làng; Chủ nhiệm và các thành viên CLB mặc dù công việc dự án là kiêm nhiệm cùng với những khó khăn, hạn chế nhưng họ rất quan tâm, nhiệt tình, tích cực triển khai các hoạt động theo hướng dẫn của Ban Quản lý dự án, nội dung các buổi thảo luận nhóm ngày càng phong phú, đa dạng, đảm bảo chất lượng, phương pháp tổ chức buổi truyền thông khoa học mà gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ, qua đó giúp bà con nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi thực hành vì sự phát triển toàn diện của trẻ thơ.

Vẫn còn đó những khó khăn…

Chia sẻ về những kinh nghiệm thu hút bà con tham gia sinh hoạt CLB đông đủ, bà Trịnh Thị Ngọc, Cán bộ y tế xã Đăk Trôi, thành viên CLB cho biết cho biết, mỗi buổi tổ chức đều phải chuẩn bị quà, tuy không nhiều nhưng mang tính chất động viên, khuyến khích “vừa có thêm kiến thức thiết thực với cuộc sống, vừa có quà mang về, bà con tích cực tham gia lắm chị ạ”. –  bà Ngọc chia sẻ.

Ở tỉnh Gia Lai, Dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tài trợ thực hiện từ năm 2018 đến 2021 tại 9 xã của 3 huyện: Kbang, Krông Pa và Mang Yang. Dự án nhằm mục đích hỗ trợ trực tiếp trẻ em từ lúc còn trong bụng mẹ đến 8 tuổi và gia đình các em, nhất là những người trong các nhóm dễ bị tổn thương được sử dụng các dịch vụ có chất lượng để thực hiện quyền sống còn, phát triển giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Hiệu quả là thế, nhưng việc duy trì sinh hoạt CLB hiện nay gặp nhiều khó khăn. Bà Ngọc cho biết: “Mỗi buổi sinh hoạt CLB, vì phải tổ chức vào sáng sớm hoặc tối muộn khi bà con không phải lên nương rẫy, nên chúng em hay phải dậy chuẩn bị từ nửa đêm hoặc về nhà lúc đêm đã khuya, mà đường xá rất khó đi. Thế nhưng các thành viên CLB đều là cán bộ kiêm nhiệm, không được hỗ trợ phụ cấp. Hơn nữa, chúng em rất thiếu hình ảnh, tài liệu tuyên truyền, gây không ít khó khăn cho các thành viên CLB khi triển khai các hoạt động. Hầu hết các tài liệu, tranh ảnh minh họa phục vụ các buổi thảo luận nhóm đều do chúng em tự vẽ, tự làm lấy. Ngoài ra, các buổi sinh hoạt không chia đều theo tháng, mà do kế hoạch ở trên giao, gây bị động cho chúng em khi thực hiện”.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Tuấn, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai, khó khăn lớn nhất chính là làm sao để duy trì sinh hoạt các CLB lâu dài bởi việc vận động tài trợ của UNICEF cho dự án ngày càng khó khăn, nguồn vốn cấp chưa đảm bảo để triển khai các hoạt động theo kế hoạch được phê duyệt. Các địa phương trong dự án đều là nơi cực kỳ khó khăn về kinh tế, không thể có ngân sách phục vụ cho công tác này. Ông hy vọng, Bộ Y tế, mà cụ thể là Vụ Chăm sóc sức khỏe Bà mẹ và trẻ em, tiếp tục triển khai có hiệu quả việc vận động tài trợ cho những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh nói riêng, các địa phương khó khăn của đất nước nói chung nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Thương Huyền
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực