Nam Đàn (Nghệ An) đẩy mạnh xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu

Thứ ba, 30/06/2020 18:20
(ĐCSVN) - Huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) là 1 trong 4 huyện của cả nước được Chính phủ lựa chọn làm điểm để xây dựng mô hình huyện nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2025. Trong đó, Nam Đàn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng “Phát triển văn hóa gắn với du lịch”.

 

 Nam Đàn phấn đấu xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng "Phát triển văn hóa gắn với du lịch". (Ảnh minh họa. Nguồn: baonghean.vn)

Đề án xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của huyện Nam Đàn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 17/QĐ-TTg ngày 4/1/2019. Sau hơn 1 năm triển khai, Nam Đàn đã đạt được những kết quả bước đầu, diện mạo quê hương đã có những khởi sắc nhất định. Cụ thể, địa phương đã đẩy mạnh xây dựng mới, nâng cấp hoàn thiện dần hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống. Một số công trình có giá trị đầu tư lớn được hoàn thiện như: đường vành đai phía Bắc kết nối các di tích, các tuyến đường thuộc dự án vùng ngập lũ Năm Nam… Ngoài ra, địa phương huy động các nguồn lực xây dựng thêm được 93,4 km đường giao thông nông thôn, 11,4 km giao thông nội đồng, 30 km mương thoát nước dọc.

Xây dựng mới 15 trạm biến áp, cải tạo nâng cấp 27 km đường dây hạ thế. Đồng thời, triển khai dự án sửa chữa lớn và sửa chữa thường xuyên do Tổng công ty điện lực Miền Bắc đầu tư với tổng kinh phí 40 tỷ đồng, hoàn thiện lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng công cộng đóng, ngắt tự động tại khu dân cư.

Bên cạnh đó, về sản xuất, Nam Đàn chú trọng đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp, phát triển thương mại dịch vụ, góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Cùng với đó, địa phương duy trì và nhân rộng các mô hình nhà lưới, nhà màng sản xuất rau củ quả có giá trị kinh tế cao, các vùng sản xuất rau màu tập trung theo tiêu chuẩn VietGap. Đến nay, toàn huyện có 10 mô hình sản xuất rau củ quả trong nhà lưới và 4 cánh đồng rau VietGap; chuyển đổi được 130 ha diện tích đất bãi cao, đất trồng lúa, trồng màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả; chuyển trên 28ha diện tích vùng sâu trũng, trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen để cung cấp nguyên liệu chế biến các sản phẩm từ sen.

Gắn sản xuất với chế biến các sản phẩm nông nghiệp, Nam Đàn đã xây dựng các sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, từng bước tạo nhiều sản phẩm của địa phương phục vụ du lịch. Đến thời điểm này, huyện có 8 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Dự kiến năm 2020 sẽ có thêm 15-20 sản phẩm được công nhận mới.

Cùng với phát triển kinh tế, Nam Đàn còn quan tâm thực hiện phong trào xây dựng xóm, khối “sáng – xanh - sạch - đẹp” gắn cải tạo cảnh quan môi trường. Đến nay, địa phương có 75% đường giao thông nông thôn được chỉnh trang sạch, đẹp; 150 km đường hoa đẹp; xây dựng được hơn 70 km đường cờ đẹp, gần 120 cụm cờ cổ động tại các vị trí trung tâm của xã, xóm. Trụ sở làm việc xã, Trường học, Trạm Y tế, nhà văn hóa xã, xóm được quan tâm vệ sinh môi trường, trồng hoa, trồng cây xanh bóng mát. Phong trào ngày chủ nhật xanh đã từng bước phát huy được hiệu quả, người dân đã có ý thức vệ sinh hàng ngày tại cụm dân cư.

Đặc biệt, với mục tiêu triển khai các nội dung nông thôn mới kiểu mẫu về văn hoá gắn với du lịch, Nam Đàn đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm về văn hóa, tín ngưỡng, nâng cấp hạ tầng giao thông tạo sự kết nối du lịch. Quan tâm tôn tạo cảnh quan trên địa bàn xã Kim Liên và Khu di tích Quốc gia Đặc biệt Kim Liên.

Đồng thời, bảo tồn, khai thác di sản phi vật thể dân ca ví dặm. Trong đó, thành lập, đào tạo, đầu tư kinh phí xây dựng câu lạc bộ dân ca ví dặm đi vào hoạt động, biểu diễn phục vụ khách du lịch. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao được tổ chức thường xuyên; quan tâm xây dựng bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng để từng bước hình thành những chuẩn mực văn hóa, góp phần giữ gìn, phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Nam Đàn.

Xây dựng các xã nông thôn mới kiểu mẫu theo chủ đề, xây dựng các mô hình du lịch văn hoá được tích cực triển khai. Bước đầu đã hình thành được một số mô hình du lịch cộng đồng, trải nghiệm nông thôn như: khu thực nghiệm sinh thái, trang trại hoa gắn du lịch, dịch vụ và du lịch homstay tại Kim Liên.

 Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn tại Nam Đàn đã được bê tông hóa, góp phần vào quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. (Ảnh: BT)

Năm 2020, theo lộ trình xác định, Nam Đàn cần tập trung cao để hoàn thành 6-7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 2-3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, các xã không làm điểm đạt 2-3 tiêu chí nâng cao và xây dựng 6-8 xóm đạt chuẩn xóm “sáng xanh sạch đẹp”...Ngoài ra, tập trung xây dựng đảm bảo tiến độ, chất lượng các nội dung liên quan tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Nhằm thực hiện thành công các mục tiêu trên, Nam Đàn sẽ triển khai một số giải pháp trọng tâm. Cụ thể, huyện và các xã, thị trấn thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động để mỗi người dân xác định rõ nhiệm vụ, đoàn kết chung sức, đồng lòng đóng góp sức người, sức của thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã xác định. Ngoài huy động tốt nguồn lực của địa phương, tiếp nhận, lồng ghép các dự án đầu tư từ ngân sách cấp trên; quan tâm kêu gọi các tổ chức, đơn vị, các tập đoàn, doanh nghiệp cùng chung tay, hỗ trợ Nam Đàn trong tiến trình thực hiện đề án.

Bên cạnh đó, hoàn thành đảm bảo tiến độ các nội dung, tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu năm 2020 theo kế hoạch được phê duyệt. Triển khai các dự án đầu tư từ nguồn vốn trung ương, tỉnh, huyện, xã và từ nguồn xã hội hóa để hoàn thiện tổng thể hệ thống kết cấu hạ tầng. Trọng tâm là nâng cấp các tuyến đường huyện, đường liên xã đảm bảo kết nối; nâng cấp, xây dựng mới các công trình trường học, trạm y tế các xã, cơ sở vật chất, trang thiết bị trung tâm y tế huyện...

Cùng với đó, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào huyện. Khuyến khích phát triển cây, con mới, gắn sản xuất với chế biến tạo nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng phục vụ du khách. Mở rộng các mô hình công nghệ cao đã có, thực hiện liên kết giữa các mô hình để hoạt động theo chuỗi một cách hiệu quả. Triển khai quyết liệt đề án OCOP của huyện, phân loại đánh giá kịp thời các sản phẩm đã có như: sắn dây, miến gạo, các sản phẩm từ chanh...; nâng hạng một số sản phẩm từ sen; phát triển ý tưởng một số sản phẩm mới như bột tằm, cao chè vằng, hồng ép.

Tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng xóm, khối Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp. Ngoài thực hiện có nề nếp, hiệu quả phong trào ngày chủ nhật xanh; quan tâm vệ sinh môi trường, chỉnh trang khuôn viên trụ sở, trường học, nhà văn hoá xã, xóm. Xây dựng nhiều cụm dân cư kiểu mẫu gắn với xây dựng tuyến đường mẫu, vườn mẫu.

Đặc biệt, tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng du lịch, kết nối các điểm di tích để hình thành các tour, tuyến du lịch, gắn thu hút đầu tư một số dự án nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn để đáp ứng dịch vụ lưu trú cho khách du lịch. Bên cạnh đó quan tâm phát triển các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, trải nghiệm nông thôn để tạo thêm nhiều điểm đến cho du khách./.

BT
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực