Nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập

Thứ ba, 26/05/2020 12:47
(ĐCSVN) – Thời gian qua, Hội Nông dân các cấp huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hệ số sử dụng đất. Nhờ đó, ngày càng có nhiều mô hình trang trại, gia trại tổng hợp cho thu nhập hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng/năm.

 

 Mô hình trồng ổi của nông dân xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô mang lại thu nhập cao và ổn định (Ảnh: Thanh Nga)

Sông Lô là huyện miền núi của tỉnh Vĩnh Phúc với diện tích tự nhiên 150,31 km2, có thế mạnh về phát triển kinh tế nông - lâm kết hợp. Từ chủ trương, chính sách của tỉnh, sự chỉ đạo của huyện, những năm qua, Hội Nông dân các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hệ số sử dụng đất và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sông Lô Hoàng Ngọc Thanh cho biết: Trước tình hình mới, đòi hỏi về sản phẩm nông nghiệp phải sạch, kỹ thuật cao, để tuyên truyền, vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng được các cấp Hội thực hiện quyết liệt. Hội Nông dân huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan, và một số doanh nghiệp tổ chức các lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hội viên, nông dân. Đến nay gần 26.000 lượt hội viên, nông dân đã được chuyển giao khoa học kỹ thuật; Các cấp hội tổ chức 72 hội thảo khoa học đầu bờ về giống cây, con mới; xây dựng 28 mô hình trình diễn các giống ngô, lúa mới… Hội Nông dân huyện chủ động hỗ trợ nông dân xây dựng được nhiều cánh đồng cho thu nhập trên 100 triệu/năm.

Bên cạnh đó, để nông dân có vốn đầu tư phát triển sản xuất, các cấp Hội Nông dân huyện Sông Lô đã huy động nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân hơn 5,3 tỷ cho 185 hội viên vay ưu đãi; chủ động phối hợp Ngân hàng NNPTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội nhận tín chấp và ủy thác cho hội viên vay, đạt hơn 350 tỷ đồng với hàng ngàn hội viên vay.

Hội Nông dân huyện Sông Lô còn tích cực phối hợp nghiên cứu, tìm hiểu những cây giống, con giống thích nghi với điều kiện thiên nhiên của địa phương để tuyên truyền, hướng dẫn hội viên nông dân thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhờ đó, những năm qua diện tích trồng cây ăn quả, cây nông nghiệp theo hướng chuyên canh dần được thay thế trên những vùng đất gò đồi vốn chỉ để sản xuất cây lâm nghiệp.

Điển hình là mô hình trồng mía tím trên gò đồi do Hội Nông dân triển khai tại xã Quảng Yên, nhận được sự tham gia của 264 hộ, với tổng diện tích 100 ha. Hiện việc trồng mía đã mang lại thu nhập bình quân 40- 50 triệu đồng/hộ/năm, cao gấp hơn 2 lần so với trồng cây lâm nghiệm.

Hay mô hình trồng ổi tại xã Đôn Nhân với diện tích 10ha. Riêng hộ ông Đỗ Quý Tuấn trồng 1ha ổi, cho thu nhập khoảng 970 triệu đồng/năm. Mô hình trồng thử nghiệm giống chanh tứ quý, bưởi diễn, bưởi da xanh tại các xã Nhạo Sơn, Cao Phong, Lãng Công… với tổng diện tích 25ha, cho thu nhập bình quân 50 – 60 triệu đồng/ha/năm, đạt hiệu quả cao gấp 3 – 4 lần so với trồng cây nông, lâm nghiệp bản địa.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sông Lô cho biết: Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới các cấp Hội Nông dân huyện Sông Lô tập trung tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nguồn lực giúp hội viên nông dân phát triển cây hàng hóa trên cơ sở định hướng vùng, tránh tình trạng nhân rộng mộ cách ồ ạt. Đồng thời, tích cực làm đầu mối kết nối giữa nông dân với các đơn vị tiêu thụ sản phẩm.

Tuyết Lê
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực