Phấn đấu giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 18-20 tỷ USD

Thứ ba, 26/05/2020 16:20
(ĐCSVN) - Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Tổng cục Lâm nghiệp hướng tới mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5,5-6%/năm; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định từ 42%;phấn đấu giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 18-20 tỷ USD vào năm 2025.
 Ảnh minh họa: QH

Thời cơ và thách thức

Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Tổng cục Lâm nghiệp nhận định, bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, xu hướng chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng, liên kết kinh tế quốc tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng phức tạp, phụ thuộc vào các cường quốc lớn. Đồng thời, các quy định chặt chẽ hơn về nguồn gốc, xuất xứ gỗ hợp pháp và các rào cản kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại có xu hướng gia tăng, điều này đặt ra nhiều thách thức cho lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản của Việt Nam.

Dù vậy, xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hóa thương mại đã và đang tạo ra cơ hội cho ngành gỗ và lâm sản Việt Nam. Đặc biệt khi Việt Nam đã ký kết và tham gia các hiệp định tự do thế hệ mới: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và EU sẽ mở ra những cơ hội mới để tăng năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường và tăng thị phần xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản của Việt Nam trên toàn cầu.

Ở trong nước, đối với ngành Lâm nghiệp, tác động của biến đổi khí hậu cùng với các yếu tố thời tiết bất lợi như: nắng nóng, rét hại, khô hạn, lũ lụt diễn ra bất thường là những nguy cơ tiềm ẩn, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác bảo vệ và phát triển rừng. Khả năng thiếu hụt lao động ở nông thôn, lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp do chuyển sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ; nhu cầu gia tăng về đất ở, đất sản xuất,...sẽ là áp lực lớn đối với việc duy trì và phát triển diện tích rừng hiện có.

Bên cạnh những thách thức, ngành lâm nghiệp thời gian qua đã có những bước phát triển nổi bật. Có thể kể đến như: giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản tăng trưởng mạnh; năng suất, sản lượng gỗ rừng trồng tiếp tục tăng nhanh, chất lượng rừng ngày càng được cải thiện. Đồng thời, thị trường đồ gỗ và lâm sản được mở rộng, nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến chủ yếu sử dụng gỗ rừng trồng, ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất.

Đây sẽ là những thời cơ và thách thức để ngành Lâm nghiệp trong giai đoạn 2020-2025 phấn đấu tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Đồng thời, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho ngành lâm nghiệp, từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng ngành để phát triển bền vững.

Phấn đấu giá trị xuất khẩu đạt 18-20 tỷ USD

Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Tổng cục Lâm nghiệp đặt ra chỉ tiêu: tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5,5-6%/năm; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định từ 42%, năng suất rừng trồng phấn đấu đạt 22m3/ha/năm vào năm 2025. Bên cạnh đó, phấn đấu giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 18-20 tỷ USD vào năm 2025. Tăng tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm được chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao.

Cùng với mục tiêu trên, Đảng bộ Tổng cục Lâm nghiệp hướng đến việc bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học các khu rừng đặc dụng, phòng hộ; bảo vệ và phát triển bền vững đối với diện tích rừng hiện có, giảm tối thiểu 10%/năm về số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại so với năm trước liền kề.

Nhằm đạt được các chỉ tiêu đề ra, Đảng bộ Tổng cục Lâm nghiệp xác định các giải pháp trọng tâm. Cụ thể gồm: thường xuyên tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về vị trí, vai trò của ngành Lâm nghiệp, về giá trị kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh của rừng. Tăng cường giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trong nhân dân, nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân, vận động các hộ gia đình sống trong và gần rừng ký cam kết bảo vệ rừng, xây dựng và thực hiện các quy ước bảo vệ rừng. Thay đổi nhận thức, tập quán kinh doanh sản xuất lâm nghiệp quảng canh sang thâm canh, phát triển trồng rừng sản xuất cung cấp gỗ lớn.

Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích khác, xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai và việc mua bán đất lâm nghiệp trái phép. Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn để triển khai Chương trình đầu tư công phát triển lâm nghiệp quốc gia bền vững giai đoạn 2021-2025, phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn của doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Đặc biệt là việc kiện toàn, đổi mới tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, từ trồng rừng, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; phát triển các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ phù hợp với điều kiện của từng vùng. Xây dựng các doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn làm trung tâm liên kết vùng theo chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhất là sản phẩm xuất khẩu.

Song song với đó, xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác sản xuất trong lâm nghiệp, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi về thể chế để nông dân, hộ gia đình liên kết với doanh nghiệp tổ chức sản xuất lâm nghiệp với quy mô lớn, mang tính hiệu quả và bền vững.

Ngoài ra, đẩy mạnh công tác quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn của Việt Nam phù hợp với quy định, thông lệ của quốc tế. Chú trọng phát triển trồng rừng gỗ lớn, phát triển lâm sản ngoài gỗ, sản xuất nông lâm kết hợp, nâng cao hiệu quả rừng trồng, đáp ứng cơ bản nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước và nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Thực hiện các cam kết hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế, có biện pháp bảo vệ thị trường nội địa, phát triển thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản. Đồng thời, chủ động đàm phán các hiệp định song phương, đa phương để mở rộng hợp tác quốc tế và thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu gỗ đồ Việt./.

BT
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực